Năm 2015 là một năm được mà VNPT đã đầu tư mạng lưới mạnh, đặc biệt là vùng phủ sóng 3G và năm 2016 là thời điểm tập trung kinh doanh, vậy điều này đã tác động thế nào đến hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm vừa rồi?

Sau khi tổ chức lại hoạt động sản xuất kinh doanh, bán hàng chuyên nghiệp, mạng lưới chuyên nghiệp thì có 2 vấn đề nổi lên. Thứ nhất, chất lượng trong công tác bán hàng, chăm sóc khách hàng của VNPT đã thay đổi. Mức độ hài lòng của khách hàng tăng lên rất nhiều, trong khi đó khiếu nại giảm, và đặc biệt năm 2016 thuê bao của VNPT tăng trưởng mạnh. Trước khi tái cơ cấu, VNPT chỉ chiếm 17,45% thị phần di động, còn hôm nay chúng tôi đã đạt 23,71% thị phần, đó là điều quan trọng. Thị phần ở đây được chúng tôi xác định là thuê bao có phát sinh cước. Trước khi tái cơ cấu, kênh bán hàng của VNPT chỉ có ít hơn 60.000 hệ thống điểm bán sim thẻ, còn bây giờ chúng tôi đã phát triển được 160.000 điểm bán lẻ. Trước tái cơ cấu, VNPT chỉ có 4.000 nhân viên kinh doanh thì bây giờ đã lên đến 15.000 nhân viên. Với một hệ thống kênh bán hàng rộng như thế thì VNPT mới đủ sức bao phủ việc chăm sóc khách hàng, cung cấp dịch vụ khách hàng và cạnh tranh được với đối thủ.

Nếu so sánh với năm 2013 thì chúng tôi chỉ phát triển có 40.000 thuê bao cáp quang, thì sang năm 2016 thuê bao băng rộng phát triển được hơn 1,6 triệu. Đây là con số tăng trưởng kỷ lục đối với VNPT và anh em cán bộ nhân viên sẵn sàng đi làm cả thứ Bảy, Chủ nhật để phục vụ khách hàng.

Trong năm 2016, chất lượng mạng lưới của VNPT đã được nâng cao rõ rệt được thể hiện qua các con số mất liên lạc của các trạm thu phát sóng của VinaPhone đã giảm ít nhất 30%, thời gian lắp đặt dịch vụ giảm 50%.

Những kết quả trên đã tác động tốt đến doanh thu và lợi nhuận của VNPT trong năm 2016. Năm 2016, doanh thu VNPT tăng khoảng 7%, và các dịch vụ chính đều tăng trên 10%. Tuy nhiên có những dịch vụ đang trong thời thoái trào mà có lẽ chỉ có VNPT có, đó là điện thoại cố định, hoặc quốc tế chiều về bị trộm cước quá nhiều nên giảm mạnh, dẫn đến tổng thể chỉ tăng có 7%. Đặc biệt, lợi nhuận của VNPT trong năm 2016 tăng trên 20%. Như vậy, 3 năm liền tái cơ cấu lợi nhuận của VNPT đều tăng trên 20%.

Đầu năm 2016, VNPT có đặt ra mục tiêu rất thách thức là trở thành nhà cung cấp dịch vụ và chăm sóc khách hàng tốt nhất qua đánh giá của khách hàng. Vậy đến thời điểm này VNPT đã làm được điều đó chưa thưa ông?

Đấy là mục tiêu đặt ra để chăm sóc khách hàng tốt nhất, và sự cải thiện chuyên nghiệp như thế nào thì như đã nói ở trên. Kết quả của sự cải thiện đó chính là niềm tin của khách hàng vào dịch vụ của VNPT thong qua sự tăng trưởng số lượng khách hàng đăng ký mới dịch vụ của VNPT. Tuy nhiên do là tình hình cuối năm nên VNPT chưa thể làm khảo sát độc lập, vấn đề để khách hàng đánh giá thì có lẽ phải trong quý I/2017, chúng tôi sẽ tiến hành khảo sát để đánh giá mức độ hài lòng của khách hàng, chắc chắn vẫn sẽ còn nhiều điều cần cải thiện nhưng VNPT vẫn đang từng bước, từng bước cải thiện và mục tiêu của VNPT vẫn là tạo sự trải nghiệm khách hàng tốt nhất, thông qua chất lượng dịch vụ và chất lượng phục vụ.

Mới đây, Thủ tướng cũng đã ghi nhận VNPT là hình mẫu tái cơ cấu của doanh nghiệp nhà nước thành công. Qua quá trình này, đâu là điểm mà ông hài lòng nhất?

Theo tôi cái được nhất là nhận thức của người lao động khi mà người lao động trước đây có quá nhiều mục tiêu, vị trí công việc không được mô tả rõ ràng. Đến bây giờ đã chuyên nghiệp, người lao động được mô tả công việc rõ ràng, được giao khoán KPI (Chỉ số đánh giá người lao động) và có cơ chế động lực rất tốt, do đó người lao động tập trung vào làm tốt nhiệm vụ của mình. VNPT sử dụng BSC (hệ thống cân bằng điểm) để chuyển biến chiến lược thành hành động, thực hiện phân rã BSC thành các KPI giao cho từng người lao động và cơ chế động lực nên tạo sự chuyển biến nhận thức của người lao động. Người lao động thấy rằng mình làm càng nhiều thì được hưởng càng nhiều, đó là cái quan trọng nhất. Vì trước đây người lao động đa nhiệm, vừa làm kinh doanh, vừa làm kỹ thuật, vừa chăm sóc khách hàng, cuối cùng không nhiệm vụ nào có thể hoàn thành tốt cả. So với trước tái cơ cấu thì thu nhập của người lao động đã tăng 60%. Đấy là một điều đáng mừng vì tái cơ cấu như thế mà hoạt động sản xuất kinh doanh tăng và thu nhập người lao động vẫn tăng từ đó người lao động có động lực trong công việc của mình.

Một điểm nữa mà tôi tâm đắc sau tái cơ cấu là VNPT đã chuyển đổi từ nhà mạng truyền thống sang ICT. Đến thời điểm này VNPT đã ký hợp tác với 51 tỉnh, thành phố triển khai chính phủ điện tử, y tế và các ngành khác, được các tỉnh thành đánh giá cao và mong muốn tiếp tục hợp tác sâu hơn, rộng hơn trong lĩnh vực ICT. Và hiện nay thì anh em làm CNTT rất đam mê và nhiệt huyết, có những tỉnh như Nghệ An rộng nhất cả nước mà VNPT triển khai iGate trong thời gian chỉ có chưa đầy 1 quý là xong toàn bộ và được Lãnh đạo tỉnh Nghệ An đánh giá rất cao.

Trước đây, một bộ phận trong VNPT có có tâm lý tự ti trước các đối thủ, đến bây giờ điều đó còn không thưa ông?

Tôi thực sự rất vui là tâm lý đó không còn (cười). Trước đây, nhiều đơn vị trong VNPT cứ nhìn thấy đối thủ là người ta e ngại, e ngại về chính sách kinh doanh, e ngại về tổ chức bán hàng, nhưng rất may là hiện nay tâm lý đó không còn. Chúng tôi thấy được ngọn lửa nhiệt huyết hăng say trong công việc của cán bộ công nhân viên VNPT. Có những thời điểm Lãnh đạo Tập đoàn chịu sức ép từ người lao động khi phát triển dịch vụ internet cáp quang mạnh quá, dẫn đến cung ứng nguồn lực đầu tư không kịp, thiết bị đầu cuối không kịp. Hoặc đối với dịch vụ di động vinaphone anh em rất tự tin trong việc tiếp thị và gới thiệu cho khách hàng sản phẩm với chất lượng tốt và giá cả hợp lý. Anh em hiện nay sẵn sàng chiến đấu sòng phẳng với đối thủ, nhưng chỉ có một mong muốn duy nhất, đó là công bằng về chính sách giữa các nhà mạng.

Năm 2016 được đánh dấu là 1 năm có nhiều điểm sáng của VNPT, vậy mục tiêu chính của VNPT trong năm 2017 sẽ là gì thưa ông?

Mục tiêu trong năm 2017, VNPT sẽ phải tiếp tục phát triển kênh bán hàng, triển khai 4G thu hút khách hàng. VNPT đặt mục tiêu là mỗi năm tăng trưởng ít nhất 3% thị phần với dịch vụ di động. Ngoài ra trong năm 2017 VNPT sẽ đẩy mạnh phát triển về CNTT trên cơ sở chúng tôi đã ký với 51 tỉnh thành và VNPT sẽ tiếp tục xúc tiến hợp tác với các tỉnh còn lại để phát triển những sản phẩm dịch vụ làm nền tảng để hướng tới xây dựng thành phố thông minh.

Hiện nay VNPT cũng đang phát triển thành phố thông minh, và đã bắt tay với 10 tỉnh thành trong đó có những thành phố lớn như TP.HCM. Tất nhiên là tùy theo yêu cầu, đặc thù của từng địa bàn,  VNPT sẽ đề xuất mô hình phù hợp để xây dựng tỉnh, thành phố tốt hơn, an toàn hơn, hiệu quả hơn, thông minh hơn, nhưng không chạy đua theo phong trào.

Năm 2017 câu chuyện 4G sẽ là điểm nóng của tất cả các nhà mạng. Vậy VNPT sẽ triển khai 4G như thế nào thưa ông?

Thứ nhất đối với 4G thì VNPT quyết tâm triển khai nhanh để có thể đảm bảo cung cấp dịch vụ cho khách hàng theo yêu cầu chung của thị trường. Và hiện nay như các bạn thấy VNPT đã triển khai trước ở Phú Quốc để đánh giá mức độ thâm nhập của dịch vụ đối với khách hàng, đánh giá mức độ tiêu dùng để quyết định triển khai trên diện rộng. Trước kia chúng ta thử nghiệm nhưng là thử nghiệm kỹ thuật, còn bây giờ chúng ta triển khai tuy chỉ ở một quy mô nhỏ nhưng chúng ta cũng có thể đánh giá về khả năng kinh doanh và trên cơ sở đấy triển khai 4G. VNPT cũng đang quyết tâm trong quý I sẽ triển khai mạnh 4G trên diện rộng.

Gần đây, VNPT đã có những hoạt động xúc tiến đầu tư ra nước ngoài. Vậy chiến lược của VNPT đi ra nước ngoài như thế nào?

Xúc tiến vào thị trường nước ngoài là một quá trình lâu dài, đặc biệt chúng tôi phải chọn lọc thị trường chứ không phải thị trường nào cũng làm, vì việc đầu tư cần phải đánh giá rất kỹ về các rủi ro tiềm ẩn như thể chế, môi trường đầu tư, tỷ giá,... Tôi cho rằng, đầu tư ra nước ngoài lợi nhuận cũng có, nhưng rủi ro là rất nhiều và quản trị rủi ro là yếu tố then chốt để đảm bảo hiệu quả đầu tư. Vừa qua VNPT cũng đã nhận được giấy phép đầu tư từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam để đầu tư ra Myanmar. Hiện nay VNPT cũng đang thành lập liên doanh để triển khai mạng viễn thông ở Myanmar và đang tiếp xúc với rất nhiều quốc gia ở Châu Á, Châu Âu để mở rộng thị trường đầu tư. VNPT đầu tư ra nước ngoài thì không chỉ đi vào dịch vụ mà VNPT kèm trong đấy là các sản phẩm về công nghiệp, công nghệ và dịch vụ CNTT. Năm vừa qua VNPT đã xuất ra thị trường khoảng hơn 2,6 triệu thiết bị đầu cuối do VNPT tự sản xuất và hơn 91.000 km cáp quang; sản phẩm công nghiệp của VNPT thì cũng đã có mặt ở 6 nước bao gồm Châu Mỹ Latin và Châu Á. Trước đây khi mình hội nhập thì mình mời các đối tác vào như Siemens, Alcatel… thì đều mong muốn bạn chuyển giao công nghệ cho mình, còn bây giờ các đối tác bây giờ mình đầu tư vào cũng đều có mong muốn như thế.Ngoài ra hiện nay một số nước Châu Á cũng đã đề nghị VNPT hợp tác về CNTT.

Cảm ơn ông!