Theo CEO WeFit Nguyễn Khôi, bên cạnh tiềm năng thị trường, lý do để Khôi hay các du học sinh, Việt kiều trở về là vì muốn đóng góp sức lực giải quyết những vấn đề cấp bách của xã hội,. |
Thay đổi tư duy của mọi người để cùng win-win
Ra đời vào tháng 6/2016, sau hơn 3 năm ra mắt, ứng dụng WeFit đang có khoảng 700 đối tác ở Hà Nội và TP.HCM và có khoảng 15.000 hội viên mua các gói tập, trong đó nhiều nhất là gói 6 tháng, tỷ lệ người dùng quay lại mua khoảng 45%. Đây là một tỷ lệ tương đối cao so với các thị trường khác, trung bình khoảng từ 25-30%.
WeFit là ứng dụng theo mô hình kinh tế chia sẻ, giúp kết nối các phòng tập với khách hàng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi và tiết kiệm thời gian cho người dùng. Trong đó, người sử dụng có thể đi tập tại bất cứ phòng tập nào trong hệ thống với hơn 20 bộ môn như: Gym, Yoga, Boxing, Zumba... và chỉ thanh toán một lần duy nhất cho tất cả các phòng tập trong hệ thống WeFit. Hiện ứng dụng tập trung vào hai thị trường chủ lực là Hà Nội và TP.HCM.
Trong thời gian tới, sẽ chính thức ra mắt hệ sinh thái WeWow về life style (phong cách sống - P.V), trong đó WeFit sẽ trở thành mảng dịch vụ con về fitness (thể dục thể hình nâng cao sức khỏe - P.V). Ngoài ra, WeWow sẽ bao gồm những mảng dịch vụ khác như chăm sóc sức khoẻ, làm đẹp, trải nghiệm, du lịch…
Theo CEO WeFit Nguyễn Khôi, vấn đề “đau đớn” nhất trong hơn 3 năm làm WeFit đó việc nhận ra thay đổi tư duy của mọi người là điều rất khó khăn. Cụ thể, WeFit ra đời vì mong muốn xây dựng một giải pháp tiện lợi hơn cho người sử dụng, nhưng lại gặp phải vấn đề cheating (gian lận). Mọi người không tư duy “win win” (cả 2 cùng có lợi - P.V) mà thường nghĩ đến cái lợi trước mắt. Khi đó, WeFit phải rất trăn trở để tìm cách đối phó với việc “khôn ngắn hạn” của cả đối tác lẫn người dùng. “Bản thân WeFit luôn mong muốn đem đến những điều tốt nhất cho cả đối tác lẫn người sử dụng nhưng đồng thời lại luôn phải có suy nghĩ liệu họ có đang lừa mình hay không”, Nguyễn Khôi nói.
Ví dụ, WeFit rất tin tưởng, tạo điều kiện để khách hàng đi tập một cách đơn giản nhất thông qua hệ thống booking bằng cách tạo ra một dãy số đưa cho đối tác để check-in. Tuy nhiên, nhiều khách hàng đã lợi dụng sự thuận tiện này để chia sẻ tài khoản cho người khác, hay thậm chí thông đồng đối tác làm booking giả. Điều này đã khiến WeFit bị thất thu. “Khi đó, WeFit phải có biện pháp để quản lý chặt chẽ hơn nhưng người dùng lại kêu phức tạp quá”, CEO WeFit cho biết thêm.
Wefit ta đời vì muốn góp phần thay đổi nhận thức, ý thức rèn luyện và chăm sóc sức khoẻ cho mọi người. |
Khởi nghiệp vì muốn góp sức thay đổi lĩnh vực giáo dục, y tế
Nhà sáng lập WeFitNguyễn Khôi xuất thân từ học sinh chuyên Toán Tin, năm 17 tuổi bắt đầu du học ngành Kỹ sư máy tính tại Viện Công nghệ Illinois (Illinois Institute of Technology, Hoa Kỳ) khoảng 5 năm.
Sau khi ra trường, Khôi từ chối lời mời làm việc tại những “ông lớn” như Microsoft và Nokia để quyết định trở về Việt Nam. Trở về quê hương, anh cùng cộng sự đã thành lập startup đầu tiên mang tên Volcano (chuyên sản xuất các sản phẩm Mobile Apps và dự án Ontot). Tuy nhiên, nhận thấy còn thiếu nhiều kiến thức cơ bản để startup, sau 1 năm, Khôi quyết định dừng dự án và gia nhập Topica. Tại đây, Khôi đã tạo dựng thành công sản phẩm Topica Edumall - hệ thống siêu thị các khoá học trực tuyến.
Khôi và nhiều học sinh, Việt kiều đang có làn sóng“đi thật xa để trở về” Việt Nam khởi nghiệp, dù mọi người đã ra nước ngoài, tiếp xúc với một nền văn hoá tốt hơn, học được những thứ tốt hơn nhưng cuối cùng đều mong muốn được trở về cống hiến cho quê hương của mình, chỉ là vấn đề thời gian sớm hay muộn.
Theo Khôi, ở Mỹ - nơi đi đầu thế giới về xu hướng công nghệ có rất nhiều bài toán cần phải giải quyết, nhưng ở đó rất khó tạo ra những giá trị lớn vì ở Mỹ hay các nước phát triển, các vấn đề của họ thường là “nice to happy” - những giải pháp giúp cho cuộc sống ngày càng chất lượng hơn, mang tính lâu dài từ 20-30 năm nữa. Còn tại Việt Nam hay các nước đang phát triển, các vấn đề phải giải quyết thường mang tính cấp bách của đời sống xã hội. “Những vấn đề này sẽ cần sự đóng góp sức lực của mình hơn, để xây dựng Việt Nam phát triển hơn”, Khôi chia sẻ.
Trong thời gian qua, Việt Nam được các nhà đầu tư đánh giá là thị trường đang lên, quy mô dân số Việt Nam thuộc hàng Top thế giới, trong đó tỷ lệ dân số vàng cao. “Do đó, các du học sinh hay Việt kiều, do được tiếp cận nền văn hoá khác nên có thể dễ dàng nhìn ra những vấn đề để giải quyết”, CEO WeFit nhấn mạnh.
Khôi tâm sự, nguyện vọng của mình lúc về Việt Nam là muốn sử dụng thế mạnh về công nghệ của bản thân cùng những kiến thức được học từ nước ngoài để có thể thay đổi một số lĩnh vực ở Việt Nam, đặc biệt là những ngành mang tính nhân văn như giáo dục, giao thông, sức khoẻ…
Sau thành công với mô hình giáo dục tự học Edumall, lĩnh vực tiếp theo Khôi muốn lựa chọn đó là sức khoẻ. Tuy nhiên, nếu không có kinh nghiệm lẫn kiến thức chuyên sâu để đi vào những vấn đề y tế thì là hại người chứ không phải giúp họ. Vì thế, Khôi đã quyết định chọn những mô hình về thay đổi nhận thức, ý thức rèn luyện và chăm sóc sức khoẻ cho mọi người. Và đó là lý do WeFit ra đời.