- Vượt qua khắc nghiệt nơi rừng sâu để tồn tại suốt 40 năm, 2 cha con “người rừng” được đưa về cuộc sống hiện đại – một thế giới mới hoàn toàn. Đã qua nhiều ngày ở thế giới mới, cha con ông Thanh có thật sự hoà đồng và quên chốn rừng?

VIDEO VỀ CUỘC SỐNG MỚI CỦA CHA CON 'NGƯỜI RỪNG'

40 năm khắc nghiệt

Cho đến bây giờ, rất nhiều câu hỏi xung quanh 2 cha con “người rừng” Hồ Văn Thanh (82 tuổi) và Hồ Văn Lang (41 tuổi).

Cách ly mọi người, không cần sự giúp đỡ nào, làm thế nào họ tồn tại giữa rừng sâu suốt 40 năm?

Không có thuốc men mà họ vẫn thọ khoẻ mạnh, không bị sốt rét? Thậm chí vì sao ôm đứa con trai chỉ vài tháng tuổi mà ông Thanh có thể nuôi sống ‘trưởng thành’ đến bây giờ?…  

{keywords}
"Ngôi nhà' của cha con ông Thanh giữa rừng

 

Theo anh Hồ Minh Lâm (44 tuổi, là cháu ruột của ông Thanh), muốn đến ngọn núi cao A Pon, cách thôn Trà Kem, xã Trà Xinh, huyện Tây Trà, Quảng Ngãi, nơi cha con ông Thanh ở, phải vượt qua hàng chục km đường rừng.

Bao năm qua, anh Lâm cũng đã nhiều lần lên đỉnh núi này tìm 2 cha con ông Thanh.

“Vì nơi đây là khu vực núi cao nên khí hậu rất khắc nghiệt. Vào mùa đông, khu rừng này sương mù phủ kín. Người thường khó mà chịu nổi cái lạnh thấu xương ở đây. Thật lạ khi cha con ông Lang chỉ mặc khố thôi mà vẫn chống nối cái lạnh rét này suốt 40 năm” – anh Lâm nói.

Nơi rừng thiêng nước độc, thời tiết khắc nghiệt, luôn đối mặt thú dữ rình rập nhưng cha con họ vẫn biết cách vượt qua.

Khi được phát hiện, “ngôi nhà” của họ giống như một tổ chim treo lơ lửng trên thân cây cổ thụ.

Tuy chỉ rộng chừng 3m2, nhưng đó là “tổ ấm” mà hai cha con ông Thanh đã nương tựa nhau suốt hàng chục năm nay.

Theo những người lớn tuổi ở Tây , thời điểm ông Thanh ôm con chạy vào và sống luôn trong rừng vẫn còn nhiều thứ dữ như cọp, beo, rắn độc…

Chính vì thế, ông Thanh chọn phương án làm nhà cách mặt đất gần 10m, sát cạnh một cây rừng to hơn 2 vòng tay người ôm. Vách nhà được làm bằng nứa, mái lợp bằng lá mây và dứa, sàn làm bằng cây gỗ nhỏ.

Để có thêm dụng cụ sản xuất, sinh hoạt, từ số vỏ nhôm, sắt... nhặt được trong lúc đi làm, ông Thanh đã mài và tạo ra rựa, dao, chén...

Ông Thanh còn lấy miếng nhôm mỏng độ làm dao cắt tóc và lược chải đầu.

Cha con ông Thanh đã lao động cật lực, sáng tạo ra những vật dụng đơn sơ từ cây lồ ô để giữ khô lương thực, ớt…cho nhu cầu tự thân.

Họ cũng sáng tạo ná, cung và làm bẫy để săn bắt thú rừng cải thiện cuộc sống. Để có chất mặn hàng ngày, 2 cha con đốt tranh làm muối. Với những con thú rừng dính bẫy, hay con cá trên suối, 2 cha con phơi khô dự trữ ăn dần.

Còn quần áo, họ dùng lá chuối để bện thành khố, làm áo mưa bằng vỏ cây.

Để có lương thực ăn, họ phát rừng làm rẫy. Hiện nay, cha con ông Thanh có trong tay diện tích hơn 1 hecta rẫy trồng lúa, mì và cây thuốc lá.

{keywords}
Chiếc áo của anh Lang

 

“Có lần vào thăm cha con chú Thanh, tuy thấy lương thực lúa thóc, thịt thú rừng dự trữ nhiều, nhưng cảnh sống nơi xa xôi, hiểm trở, thiếu thốn trăm thứ nghĩ mà thương. Tôi có vận động theo tôi về nhưng ông Thanh dứt khoát không đồng ý” - anh Hồ Minh Lâm kể.

Năm tháng trôi qua, cha con ông Thanh sống thui thủi trong rừng mà không một lần trở về làng, thấy người lạ là tức khắc “biến mất”.

Điều kì lạ dù sống kham khổ, chưa bao giờ uống 1 viên thuốc, nhưng sức khỏe của 2 cha con vẫn bình thường. Ngâm mình trong rừng thiêng nước độc nhưng chưa bao giờ họ bị bệnh sốt rét hay thứ bệnh nào khác.

Khi vừa đưa 2 cha con ra khỏi rừng, các bác sĩ ở Trung tâm y tế Tây Trà kiểm tra sức khoẻ đều thấy ông Thanh và con trai không mắc chứng bệnh nào.

Tuy nhiên, do tuổi cao, ăn uống thiếu chất và thay đổi môi trường đột ngột nên ông Thanh có bị suy nhược sức khỏe.

Khắc khoải ở ‘thế giới mới’

Những ngày qua, trở về với cuộc sống hiện đại, cha con “người rừng” cảm thấy mọi thứ đều lạ lẫm.

Thời gian qua là những ngày anh Lang biết đến mặc quần áo, xem tivi, xe máy…

{keywords}

Anh Lang bắt đầu hoà nhập với một số người thân, hút thuốc lá rất nhiều

 

Theo anh Hồ Minh Lâm, vào buổi tối, khi nhìn thấy tivi, anh Lang đều nhắm mắt lại, không xem.

Mỗi lần đi ngủ, phải tắt hết điện, nếu có ánh sáng là anh Lang không ngủ được… Những lúc ngồi bên cửa sổ, anh lại lẩm bẩm muốn trở lại rừng.

40 năm là quãng thời gian không ngắn, nhưng khẳng định sự yên ổn, thoả mãn hiện tại với cuộc sống trong rừng sâu của 2 cha con.

Đó là cả quá trình ông Thanh tự lực cánh sinh, khai phá tạo dựng cuộc sống, nuôi con khoẻ mạnh thành người đàn ông cường tráng.

Giờ đây, họ lại phải bước vào một môi trường sống khác. Có thể vật chất đầy đủ hơn, có thể mạng sống ít đe dọa hơn, nhưng thói quen, không gian sống, miếng ăn, giấc ngủ, cách sinh hoạt đã chắc gì tốt hơn khi họ ở trong rừng?

{keywords}

Chăm sóc sức khoẻ ông Thanh khi vừa đưa từ rừng về

 

Anh Hồ Văn Lang còn trẻ nên tất nhiên chới với, ngơ ngác trước cuộc sống mới. Còn với ông Hồ Văn Thanh thì không đoái hoài cuộc sống hiện đại.

Ông bó gối lặng lẽ bên giường bệnh. 40 năm ông quyết định vào rừng từ giã cuộc sống bên ngoài, thì bây giờ ở cái tuổi 82 ông cần gì cuộc sống hiện đại này?

Giờ đây, 2 cha con ông đang thèm khát tiếng thác chảy, tiếng gió rừng, tiếng thú hoang dã kêu đêm...  

Chiều ngày 11/8, khi cơn mưa dông trút xuống, anh Hồ Văn Lang chạy oà ra cùng nhiều trẻ em tắm mưa trong thỏa thích.

{keywords}
Trước khi được phát hiện đưa về 'thế giới hiện đại ' mới đây, đã nhiều lần ông Thanh từ chối trở về

 

Suốt 40 năm qua, anh Lang tắm hoang dã dưới thác suối, mưa rừng. Sự thoả thích tự nhiên núi rừng khó thể nào cuộc sống hiện đại thay thế!

Trong khi đó, ông Hoàng Anh Ngọc - Chủ tịch UBND huyện Tây Trà cho biết sẽ tạo điều kiện cho hai cha con ông Thanh sớm hòa nhập cộng đồng.

UBND huyện đã thống nhất nhập hộ khẩu 2 cha con ông Thanh vào gia đình ông Hồ Minh Lâm; đồng thời cấp đất gần khu dân cư, hỗ trợ lương thực cùng tiền làm nhà.      

Được trở về với cuộc sống hiện đại, quan tâm chăm sóc, nhưng rõ ràng 2 cha con ông Lang đang rất nhớ rừng, nhớ sự ‘tự do’ bấy lâu.

VIDEO VỀ CUỘC SỐNG MỚI CỦA CHA CON 'NGƯỜI RỪNG' 

Khả Di