- Không phải cứ đến trường hay nhất thiết phải học với chuyên gia, giáo trình nước ngoài thú vị thì mới trang bị được những kỹ năng sống. Chỉ cần thực sự quan tâm, bố mẹ sẽ là những người có cơ hội quý giá nhất để trao cho con kỹ năng cơ bản từ khi còn bé. Nhưng hiện nay nhiều ông bố bà mẹ lại là người lấy đi cơ hội học tập những kỹ năng sống đơn giản ấy của con.


  
  Nhiều phụ huynh tìm mua sách kỹ năng sống, giải thích các câu hỏi tại sao cho con
Bà Vũ Thị Diệu Lý, Hiệu trưởng Trường TH & THCS Dream House chia sẻ với các bậc phụ huynh trong buổi nói chuyện  vừa được Alpha Kids tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Pháp L'Espace Hà Nội.


TS Giáo dục học Nguyễn Thụy Anh minh chứng thêm: Em bé một tuổi rưỡi có thể làm quen với việc tự xúc cơm ăn, những việc lặt vặt phục vụ bản thân. Thế nhưng, thay vì để trẻ tự xúc ăn thì bà, mẹ lại ngồi đút, cố nhồi nhét cho đủ lượng thức ăn vào người trong thời gian ngắn nhất.


“Trẻ ăn chậm, rơi vãi lung tung cũng là một cách trải nghiệm. Nếu cha mẹ làm thay con là đã tước đi của con cơ hội tự chăm lo cho bản thân. Những cơ hội ấy chỉ đến theo từng độ tuổi, và các bé hoàn toàn có thể làm được”, TS. Thụy Anh nói.

Không hiếm gặp trẻ 5, 6 tuổi chưa biết làm những việc đơn giản như gấp quần áo, buộc dây giày,  đi vệ sinh đúng lúc, tự ăn cơm, tự tắm rửa. Cha mẹ đã vô tình lấy đi quá trình tập dượt, tự suy nghĩ, tự học, tự hành động của con.


"Những kỹ năng như: biết tự lập, làm chủ mọi việc trong cuộc sống, đồng thuận với mọi người trong xã hội hay cách làm việc hiệu quả, biết lên kế hoạch trong cuộc sống... ở lứa tuổi nào, trẻ sẽ học theo yêu cầu của lứa tuổi đó. Những phẩm chất tính cách của 10 năm, 15 năm nữa không thể để đến 10 năm, 15 năm nữa con mới học."- TS. Nguyễn Thuỵ Anh lý giải cho nếp nghĩ quen thuộc của phụ huynh. TS cho rằng, không nên gán mãi suy nghĩ cho con trẻ: trẻ nhỏ chỉ thích hợp với những việc nhỏ hoặc chúng sẽ được phục vụ, làm mọi việc theo ý muốn.


Chẳng hạn, những giờ làm việc nhóm, con thấy rất khó chịu vì trong nhóm có những bạn kém, con chê bai, coi thường bạn. Nhưng trong cuộc sống sau này, có người kém, có người giỏi. Nếu con không nhìn thấy rằng đó là một cơ hội để giúp đỡ người khác, để xây dựng tinh thần hợp tác mà chỉ quan trọng sự thắng thua thì con đã không thể làm viêc tốt và đồng thuận với mọi người.


Lắng nghe những chia sẻ và phân tích của hai diễn giả, một bà mẹ thắc mắc: "Chúng tôi rất ít có thời gian, không phải lúc nào cũng quan tâm được đến con. Làm sao để nắm bắt được tâm lý trẻ nhỏ?"


"Đó là tâm lý chung của rất nhiều phụ huynh và cũng là nguyên nhân căn bản nhất dẫn đến việc tặc lưỡi: thôi thì làm hộ cho nhanh, hơi đâu mà ngồi đợi chúng ăn mãi mới được một bát cơm, gội mãi mới được một cái đầu, nhặt mãi mới được một mớ rau!"- Bà Diệu Lý phân tích.


Thiếu kiên nhẫn, nhiều phụ huynh lựa chọn cách áp đặt "con phải thế này, con phải thế kia", nếu con không làm được thì quát mắng. Chỉ khi nghe lời răm rắp thì mới được công nhận là con ngoan. Nhưng trên thực tế, những đứa trẻ cá tính mới là những học sinh tốt, luôn muốn tìm hiểu tại sao mình phải làm những việc đó.


"Tại sao con cần đi vệ sinh đúng lúc? Tại sao con phải uống sữa? Tại sao con cần ăn cơm?...Đây là cơ hội bố mẹ giúp con hiểu tại sao, bằng những kiến thức khoa học thường thức nhất. Khi con đã hiểu, con sẽ tự giác làm và sẽ làm rất tốt.


Khi dạy con, chính bố mẹ cũng lớn lên, trưởng thành học lại những kỹ năng sống mà trước kia, mình chưa được học từ bố mẹ. Với trẻ, hãy dạy con chậm chạp, từ từ, mỗi ngày một chút, thậm chí mất nhiều tuần, nhiều tháng mới dạy con biết cất bát sau khi ăn, xếp giầy gọn gàng nhưng các con sẽ có được nền móng và học những kỹ năng khác rất nhanh, đó là điều quan trọng nhất của người làm cha mẹ - người làm giáo dục hàng đầu trong việc chăm sóc và giáo dục con cần biết.- bà Vũ Thị Diệu Lý "chốt" lại lời khuyên cho phụ huynh.


  • Nguyễn Hường