CSDL đang ngày càng hoàn thiện
Theo ông Bùi Quang Thái, Cục trưởng Cục đường bộ Việt Nam: Cơ sở dữ liệu (CSDL) về phương tiện và lái xe đã hoàn thiện là một trong những dữ liệu đầu vào tốt để chấm điểm lái xe. Có thể nói, khi CSDL về phương tiện và tài xế đã có đầy đủ, việc giám sát và xử phạt sẽ diễn ra nhanh chóng, các hành vi vi phạm sẽ được chấn chỉnh kịp thời.
Trước đó, với 79,84% đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, sáng 27/6/2024, Quốc hội đã thông qua dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Dự án luật gồm 9 chương, 89 điều, có hiệu lực thi hành từ 01/01/2025 này. Như vậy, cùng với Nghị định số 151/2024/NĐ-CP quy định rõ bắt buộc phải lắp thiết bị giám sát hành trình (ngoài ô tô kinh doanh vận tải, từ 1/1/2025 sẽ thêm xe đầu kéo, xe cứu thương, cứu hộ giao thông), việc quản lý và giám sát lái xe tuân thủ luật giao thông đã tương đối hoàn thiện.
Trước hết với Nghị định 151, nếu trước đây chỉ có ô tô kinh doanh vận tải (chở khách và chở hàng) phải gắn thiết bị giám sát thì nay xe cứu thương, xe cứu hộ và xe đầu kéo cũng phải lắp đặt. Với xe cứu thương và cứu hộ, sẽ không còn tình trạng viện dẫn lí do cấp cứu hay tình huống khẩn cấp để vi phạm; còn các xe đầu kéo khi bị giám sát 24/7 sẽ không còn những hiện tượng phóng nhanh vượt ẩu, dàn hàng ngang trên đường cao tốc…
Trong khi đó, với Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, theo Điều 58, giấy phép lái xe dùng để quản lý việc chấp hành pháp luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ của người lái xe trên hệ thống CSDL về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, bao gồm 12 điểm. Sau mỗi lần vi phạm tùy tính chất, mức độ của hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ sẽ bị trừ điểm.
Dữ liệu về điểm trừ giấy phép lái xe của người vi phạm sẽ được cập nhật vào hệ thống CSDL chung của cơ quan chức năng (Cục CSGT, Cục đường bộ Việt Nam…) ngay sau khi quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành và thông báo cho người bị trừ điểm giấy phép lái xe biết. Giấy phép lái xe được phục hồi đủ 12 điểm khi chưa bị trừ hết điểm và không bị trừ điểm trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày bị trừ điểm gần nhất.
Riêng các trường hợp giấy phép lái xe bị trừ hết điểm thì người có giấy phép lái xe không được điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo loại giấy phép lái xe đó (tạm gọi là tước bằng). Sau thời hạn ít nhất là 6 tháng kể từ ngày bị trừ hết điểm, người có giấy phép lái xe được tham gia kiểm tra nội dung kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ (khoản 7 Điều 61 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ) do lực lượng CSGT tổ chức, có kết quả đạt yêu cầu thì được phục hồi đủ 12 điểm.
Cùng với các thiết bị giám sát hành trình, quy định trừ điểm giấy phép lái xe bắt đầu được áp dụng từ ngày 1/1/2025 sẽ xử nghiêm các lái xe vi phạm và cũng không còn hiện tượng lái xe thuê bằng của người khác để nộp phạt/giam bằng lái thay.
An toàn trên những nẻo đường
Theo ông Bùi Quang Thái, Cục trưởng Cục đường bộ Việt Nam, nếu trước đây các lái xe chỉ bị phạt nguội thông qua hệ thống camera giám sát giao thông, camera an ninh trật tự thì nay thêm hệ thống giám sát hành trình, các lỗi vi phạm của lái xe được cập nhật 24/7 (khi dữ liệu được cập nhật liên tục và lưu trữ).
Trước đó, để củng cố chất lượng mạng lưới viễn thông phục vụ phát triển kinh tế xã hội, Bộ TT&TT đã ra quyết định phê duyệt ‘Kế hoạch nâng cao chất lượng mạng viễn thông di động Việt Nam đến năm 2025’, với mục tiêu chung là 'Nâng cao chất lượng mạng viễn thông di động của Việt Nam nói chung và triển khai hiệu quả thương mại hóa 5G nói riêng, cải thiện rõ rệt trải nghiệm sử dụng dịch vụ của người dùng (cá nhân, doanh nghiệp), góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, Chính phủ số'.
Như vậy, dù trên bất cứ cung đường nào với hạ tầng viễn thông đầy đủ thì việc kiểm tra dữ liệu lái xe, chủ xe, phương tiện đã có thể thực hiện 24/7. Đây có thể coi là những tiền đề rất tốt trong việc kiểm soát lái xe (nếu có các hành vi vi phạm luật giao thông), chủ xe (nếu có các hành vi chở hàng quá khổ quá tải), phương tiện (nếu có các biểu hiện nghi vấn trên đường: dừng đỗ sai quy định, chạy quá tốc độ…).
Được biết, thông tin, dữ liệu thu thập từ thiết bị giám sát hành trình lắp trên 4 phương tiện (theo Nghị định 151) được kết nối, chia sẻ với Bộ GTVT (Cục Đường bộ Việt Nam), Sở GTVT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan có liên quan theo quy định của pháp luật. Như vậy, các cơ quan chức năng không cần phải lập các trạm kiểm soát cố định mà vẫn có thể xử phạt được lái xe và phương tiện vi phạm tại tất cả các địa phương nơi hành trình phương tiện đi qua.
“Từ những vụ tai nạn thương tâm thời gian gần đây cho thấy, phần nhiều nguyên nhân là do lái xe không tuân thủ các quy định an toàn giao thông. Theo đó, khi các thiết bị giám sát đi vào hoạt động sẽ góp phần đắc lực trong việc kéo giảm tai nạn giao thông, để người dân an toàn hơn trên các nẻo đường”, ông Thái nói và cho biết thêm: Theo đánh giá của Cục đường bộ Việt Nam, việc sử dụng thiết bị giám sát hành trình đã góp phần giảm tỷ lệ tai nạn giao thông cũng như tỷ lệ vi phạm tốc độ tính bình quân trên 1.000km từ 11,5 lần/1.000km (năm 2015) xuống còn 0,75 lần/1.000km (năm 2022); tức là giảm 15 lần.