Công điện về phòng, chống dịch Covid-19 của Thủ tướng ban hành ngày 31/7 yêu cầu 19 tỉnh phía Nam tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thêm 14 ngày, từ ngày 1/8 theo tinh thần “ai ở đâu, ở đấy”.
Trong Công điện, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh đến việc tuyên truyền rộng rãi, kiểm soát nghiêm ngặt và thực hiện ngay các biện pháp hỗ trợ cần thiết về đời sống, y tế để người dân an tâm.
"Tuyệt đối không để người dân di chuyển khỏi tỉnh, thành phố nơi cư trú từ sau ngày 31/7 tới khi hết giãn cách, trừ những người được chính quyền cho phép", Thủ tướng lưu ý trong Công điện chỉ đạo.
TP.HCM lập chốt ở các cửa ngõ, vận động người chạy xe về quê ở lại. Ảnh: Linh An |
Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến việc vận động, kêu gọi, kiểm soát người dân ở TP.HCM, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An và các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội không được rời địa bàn, tiếp tục ở lại theo tinh thần giãn cách “ai ở đâu, ở đấy”.
Và để thực hiện được nhiệm vụ trên, để người dân an tâm “ai ở đâu, ở đấy”, Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành phố tổ chức hỗ trợ cung cấp ngay, đủ lương thực, thực phẩm cho tất cả những người lao động nghèo, mất thu nhập, không còn dự trữ.
Trong chỉ đạo, Thủ tướng đặc biệt lưu ý, không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc và phải tổ chức hỗ trợ y tế cần thiết cho mọi người dân, hỗ trợ người dân tỉnh mình đang ở TP.HCM và các tỉnh đang có dịch diễn biến phức tạp, có số lượng ca mắc lớn.
Ngay sau khi Thủ tướng có Công điện chỉ đạo, trao đổi với VietNamNet, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, thành phố mong muốn bà con ở lại và sẽ cố gắng chăm lo chu đáo cho bà con.
“Nếu bà con ở lại, ngoài việc chăm lo chu đáo về đời sống vật chất, thành phố cũng sẽ tiêm vắc xin cho bà con, để bà con nếu có về quê cũng đỡ áp lực hơn cho địa phương trong công tác phòng chống dịch”, Phó Bí thư khẳng định.
TP.HCM đang tổ chức tiêm vắc xin Covid-19 cho người dân. Ảnh: Trương Thanh Tùng |
Theo ông, nếu ở lại thì sẽ khó khăn hơn điều kiện bình thường, nhưng thành phố mong người dân thông cảm, chia sẻ, cùng đồng hành vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Trước đó, trong cuộc họp Thành ủy TP.HCM mở rộng ngày 31/7, Bí thư Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, từng cấp ủy, người đứng đầu, địa phương nêu cao trách nhiệm, bám sát công tác phòng, chống dịch, công tác chăm lo cho nhân dân.
Địa phương có cơ chế tăng cường thông tin, phát hiện người nghèo, người khó khăn, cố gắng hết sức trong tổ chức hệ thống cung ứng, tiếp nhận, phân phối.
Hỗ trợ người nghèo, tránh để sót, không được kéo dài và cố gắng tiếp sức kịp thời bằng kinh nghiệm, cách làm của mỗi địa phương, không chủ quan; sẵn sàng đón nhận hỗ trợ của các địa phương để chăm lo cho người nghèo, sẵn sàng đón nhận để tiếp nhận cho người nghèo.
Chăm lo cho người dân khác tỉnh về quê, các địa phương rà soát, thống kê để có biện pháp hỗ trợ, chia sẻ tạo điều kiện để người dân bám trụ, nếu muốn về quê thì có kế hoạch, lập danh sách cụ thể và giao về địa phương.
Cơ quan truyền thông tăng cường thông tin về chủ trương của Thành phố trong công tác chăm lo đến các đối tượng này, thành phố sẵn sàng lo nhưng người dân cần hợp tác, không đi lại tự do gây nguy cơ lây nhiễm cho các tỉnh.
Cũng liên quan đến công tác chăm lo, hỗ trợ cho người dân chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, liên tiếp trong các ngày 31/8 và 1/8, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo hỗ trợ đối với những vấn đề thiết yếu liên quan đến người dân đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Phát cơm miễn phí cho người dân tại đường số 550 Phạm Văn Đồng, phường 13, quận Bình Thạnh. (Ảnh: Thanhuytphcm.vn) |
Cụ thể, ngày 31/7, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý giảm tiền điện cho các khách hàng dùng điện sinh hoạt ở các tỉnh, thành phố đang phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 với mức giảm 10-15% trong 2 tháng.
Với chỉ đạo như trên, sẽ có số lượng lớn các hộ dân sử dụng điện ở 19 tỉnh, thành phía Nam đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 và TP.HN, Đà Nẵng… được giảm tiền điện trong tháng 8 và 9.
Mức hỗ trợ sẽ là giảm 15% tiền điện (trước thuế VAT) trên hóa đơn tiền điện cho các khách hàng dùng điện dưới 200 kWh/tháng và giảm 10% tiền điện (trước thuế VAT) trên hóa đơn tiền điện cho các khách hàng dùng trên 200 kWh/tháng.
Thời gian giảm tiền điện là 2 tháng tại các kỳ hóa đơn tiền điện tháng 8 và kỳ hóa đơn tiền điện tháng 9-2021.
Bên cạnh các cơ sở cách ly y tế không thu chi phí đã được giảm tiền điện ở đợt 3, các cơ sở cách ly y tế người bị nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19 có thu một phần chi phí của người đang cách ly y tế cũng sẽ được giảm 100% tiền điện.
Còn trong ngày 1/8, Văn phòng Chính phủ có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương truyền đạt chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về việc điều chỉnh giảm giá nước sạch sinh hoạt.
Theo đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo thẩm quyền và quy định pháp luật, khẩn trương xem xét, thực hiện điều chỉnh giảm giá nước sạch sinh hoạt, tiền sử dụng nước sạch sinh hoạt hỗ trợ cho người dân và các đối tượng sử dụng nước sạch sinh hoạt bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Cước viễn thông cũng sẽ được xem xét giảm. Theo tính toán của cơ quan chức năng, số tiền này vào khoảng 10.000 tỷ. Mức cụ thể cho từng đối tượng hiện đang được Bộ Thông tin và Truyền thông tích cực xem xét, tính toán và thực thi.
Trao đổi với VietNamNet, Chánh Văn phòng UBND TP Đà Nẵng - Nguyễn Hà Bắc cho biết:
“Khi có văn bản về cách giảm giá như thế nào thì chúng tôi sẽ thực hiện ngay. Giá nước hiện nay thu theo mức quy định của UBND TP. Sở Xây dựng và Sở Tài chính sẽ phối hợp với nhau để thực hiện kế hoạch giảm giá nước”.
Ông Phùng Phú Phong – Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng cho biết: “Sở đang triển khai nghiên cứu và sớm có văn bản báo cáo gửi UBND TP trong ngày hôm nay hoặc ngày mai”.
Liên quan đến giảm giá cước viễn thông, ông Lê Sơn Phong – Phó giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng cho biết giá cước viễn thông là thẩm quyền của Bộ TT&TT, Sở có nhiệm vụ nắm thông tin và giám sát việc triển khai của các đơn vị tại địa phương.
“Khi có chỉ đạo chính thức thì Sở sẽ theo dõi sau triển khai, như các đơn vị đã giảm giá cước cho người dân trên địa bàn Đà Nẵng hay chưa”, ông Phong nói.
Nhóm PV
“Ai ở đâu ở đấy”, TP.HCM kêu gọi người dân khác tỉnh ở lại tiêm vắc xin
TP.HCM tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16 thêm 14 ngày, trên tinh thần “ai ở đâu ở đấy” và kêu gọi người dân khác tỉnh ở lại, TP sẽ lo chu đáo về vật chất, kể cả tiêm vắc xin.