Chuyển đổi số giúp nhà nông thu triệu USD

Hai năm trở lại đây, anh Nguyễn Đông Hải - chủ trang trại rau ở Đà Lạt có thể ngồi trong phòng lạnh của mình mà vẫn chăm được trang trại rau rộng lớn.

Anh cho biết, hiện cây trồng không phụ thuộc vào đất mà được nuôi sống trên giá thể, kiểm soát mầm bệnh từ đầu. Khi gieo hạt cũng được cài luôn con chip kiểm soát độ ẩm và dinh dưỡng nhằm theo sõi sức khoẻ cây trồng... đồng bộ dữ liệu với hệ thống tưới. Bất cứ khi nào cây trồng cần nước hay dưỡng chất, con chip sẽ báo và được bổ sung dưỡng chất thông qua hệ thống tưới tự động không cần con người can thiệp.

Các số liệu hoạt động này được cập nhật lên máy tính, điện thoại của anh Hải nên dù đi đâu anh cũng kiểm soát được sự phát triển của cây trồng.

Việc ứng dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp, điều khiến anh Hải yên tâm nhất là các số liệu này được cập nhật lên hệ thống kiểm soát chất lượng QR Code để khi đưa ra thị trường vẫn có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Từ đó, thị trường tiêu thụ nông sản được mở rộng. Rau trái tại nông trại của anh không chỉ đủ điều kiện để vào các hệ thống siêu thị bán lẻ lớn trên toàn quốc mà còn xuất khẩu được vào những thị trường có giá trị cao như châu Âu, Mỹ.

{keywords}
Số hoá sản xuất nông nghiệp, năng suất cây trồng tăng cao, nông dân bán hàng được ra toàn cầu (ảnh: BH)

“Doanh thu từ trang trại mỗi năm đạt tới 60 tỷ đồng”. Anh Hải tiết lộ và cho biết, rau quả thu hoạch được từ trang trại của anh luôn được bao tiêu, không cần phải kêu gọi giải cứu.

Tại Bình Phước, HTX Thương mại - Dịch vụ Phước Thiện không chỉ áp dụng quản lý diện tích bằng “bản đồ số nông nghiệp”, ghi nhật ký điện tử mà còn đẩy mạnh bán hàng trên sàn thương mại điện tử. Thế nên, trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, HTX đã nhanh chóng điều tiết được sản lượng mít để có kế hoạch thích ứng, mít bán được giá cao.

Thậm chí, giữa lúc nhiều địa phương gặp tình trạng ùn ứ nông sản, giá rớt thảm thì HTX còn ký được hợp đồng xuất khẩu khối lượng với một công ty tại Hà Lan thông qua sàn thương mại điện tử.

Chia sẻ tại hội thảo chuyên đề “Chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, thời gian qua, việc thực hiện chuyển đổi số bước đầu đã được áp dụng trong ngành Nông nghiệp ở các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, lâm nghiệp mang lại những kết quả hết sức khả quan.

Ví như, qua việc sử dụng internet đã giúp đơn giản hóa và hợp lý hóa việc thu thập, các khâu kiểm tra, phân phối tổng thể tài nguyên nông nghiệp. Các chương trình, phần mềm quản trị vườn trồng, nông nghiệp chính xác được áp dụng nhằm tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên (nước, phân bón…) để dần chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại, tạo ra nhiều cơ hội tăng năng suất lao động, giảm phụ thuộc vào điều kiện môi trường, thời tiết, kiểm soát dịch, bệnh và công tác giống được thực hiện tốt hơn.

Tiêu biểu trong trồng trọt là các phần mềm phân tích dữ liệu về môi trường, giai đoạn sinh trưởng của cây, cho phép truy xuất, theo dõi các thông số này theo thời gian thực. Trong chăn nuôi là ứng dụng công nghệ Internet vạn vật (IoT), Block chain, công nghệ sinh học ở trang trại quy mô lớn.

Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ứng dụng chuyển đổi số, góp phần phát triển nông nghiệp thông minh, tạo ra các loại nông sản chất lượng cao. Một số doanh nghiệp lớn như VinEco, Hoàng Anh Gia Lai, Nafood, Dabaco… đã áp dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin vào điều hành sản xuất, phân phối và tiêu thụ sản phẩm.

Ước tính đến hết năm 2021, cả nước có 19.000 hợp tác xã nông nghiệp và 79 Liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp, trong đó trên 2.200 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất, chiếm 12%, ông cho hay.

Phát triển nền nông nghiệp thông minh

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, quy mô ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp còn hạn chế, chưa đồng bộ giữa các vùng, miền, địa phương. Nguyên nhân chủ yếu do cơ sở hạ tầng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ mới chưa đồng bộ; kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp.

Chưa kể, trình độ cơ giới hóa sản xuất còn thấp, các công nghệ phụ trợ chưa đáp ứng yêu cầu chế biến sâu, chế biến tinh; nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao về sản xuất, chế biến nông sản, biết sử dụng, vận hành các thiết bị (tự động, số, thiết bị phân tích) rất hạn chế, bởi lực lượng lao động nông nghiệp chưa được đào tạo chuyên sâu, bài bản…

Ông nhấn mạnh, Bộ NN-PTNT mong muốn tìm kiếm những đột phá, động lực mới thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh;

Cùng với đó là chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp và sản xuất hàng hoá lớn, ứng dụng công nghệ cao, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát huy tiềm năng lợi thế từng vùng, từng địa phương; xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, đồng bộ; quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên; bảo vệ môi trường, sinh thái.

Trong thời gian tới, Bộ sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021- 2025 và Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử tiến tới Chính phủ số giai đoạn 2021- 2025.

Theo đó, toàn ngành Nông nghiệp tập trung thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, coi đây là giải pháp đột phá tạo động lực mới cho tăng trưởng, phát triển ngành với trọng tâm là xây dựng nền nông nghiệp minh bạch dữ liệu, minh bạch thông tin; có trách nhiệm với người sản xuất, với người tiêu dùng, ông nhấn mạnh.

Hà Giang