Quyền con người được chăm sóc sức khỏe được nêu trong Điều 25 Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người (UDHR, 1948) “mọi người có quyền được hưởng một mức sống thích đáng, đủ để bảo đảm sức khỏe và phúc lợi của bản thân và gia đình, về các khía cạnh ăn, mặc, ở, chăm sóc y tế và các dịch vụ xã hội cần thiết...” sau đó quyền này  được cụ thể hóa trong nhiều Công ước quốc tế và Tuyên bố khác.

Quyền chăm sóc sức khỏe là một quyền con người quan trọng, là cơ sở để thực hiện nhiều quyền con người khác và việc thực hiện nó cũng gắn liền với các quyền con người khác như quyền sống, quyền về lương thực, nhà ở, việc làm, giáo dục, bảo vệ đời tư, tiếp cận thông tin... Nghĩa vụ quốc gia trong việc bảo đảm các quyền con người mà cụ thể là quyền được chăm sóc sức khỏe đã được cộng đồng quốc tế khẳng định trong một số văn bản pháp lý quan trọng.

Nỗ lực nâng cao sức khỏe người dân không chỉ được thể hiện ở các con số mà còn thể hiện ở niềm tin của người dân vào Đảng, vào chính quyền, vào hệ thống y tế; cũng như sẵn sàng sát cánh cùng hệ thống chính trị trong các hoạt động chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Đảng và Nhà nước ta luôn thấu hiểu, bên cạnh việc giữ vững, phát huy những thành tựu đã đạt được còn rất nhiều việc phải làm để bảo đảm quyền được chăm sóc sức khỏe của người dân được thực hiện toàn diện, triệt để hơn.

Quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của người dân được ghi nhận trong các Công ước quốc tế mà Chính phủ Việt Nam ký kết và tham gia; đồng thời, được ghi nhận trong Hiến pháp và nhiều đạo luật như: Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân năm 1989, Luật Khám chữa bệnh năm 2009, Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi bổ sung năm 2014, Luật Dược năm 2016...

Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để bảo đảm việc thực hiện quyền chăm sóc sức khỏe của toàn dân. 

Tại Việt Nam, hiện nay mạng lưới y tế cơ sở được tổ chức rộng khắp trên toàn quốc với 947 cơ sở y tế tuyến huyện (bệnh viện, phòng khám đa khoa khu vực, nhà hộ sinh), 11.100 trạm y tế xã. Đã có khoảng 90% trạm y tế xã có bác sĩ làm việc, 99,7% xã có cơ sở trạm, 76% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ngay tại cơ sở. 

W-minhhoa.png
Hiện nay mạng lưới y tế cơ sở được tổ chức rộng khắp trên toàn quốc với 947 cơ sở y tế tuyến huyện (bệnh viện, phòng khám đa khoa khu vực, nhà hộ sinh)

Công tác khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Số lượt bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế tăng đều qua các năm. Nhiều bệnh viện tuyến trung ương thực hiện được các kỹ thuật ngang tầm khu vực và thế giới. Các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện đã từng bước và làm chủ được các kỹ thuật cao, giúp cho việc điều trị một số ca bệnh khó không phải chuyển tuyến.

Công tác y tế dự phòng đã có những bước chuyển biến rõ nét. Các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, công tác phòng chống các loại bệnh tật được triển khai hiệu quả. Thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, các trung tâm y tế dự phòng được sắp xếp lại.

Công tác xã hội hóa y tế không chỉ tập trung vào các bệnh viện mà còn dịch chuyển sang lĩnh vực dự phòng. Mô hình hợp tác công - tư được mở rộng. Y tế tư nhân phát triển mạnh, từ 102 bệnh viện (năm 2010) lên 231 bệnh viện năm 2019 (chiếm 19,3% tổng số bệnh viện cả nước), góp phần đáng kể vào việc cung cấp các dịch vụ y tế.

Hải Yến