Để chấm dứt tình trạng cá tầm nhập lậu xuất hiện tràn lan trên thị trường và được vận chuyển rất nhiều qua đường hàng không, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu yêu cầu cần phải kiểm soát chặt cá tầm nhập lậu tại sân bay, cửa khẩu.
Theo đó, Cục Thú y phải tiến hàng kiểm soát việc vận chuyển cá tầm tại các cửa khẩu, sân bay, nhất là sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Phải xử lý quyết liệt, nếu không cá tầm nhập lậu vẫn tiếp tục được vận chuyển.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuân Thu, cá tầm được nuôi chủ yếu ở khu vực miền Trung, miền Nam, miền Bắc có nuôi nhưng không nhiều. Và theo lẽ thường, nếu đúng là cá tầm nuôi trong nước thì phải vận chuyển cá tầm thương phẩm từ miền Nam, miền Trung ra Hà Nội. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, cá tầm đang được vận chuyển ngược lại từ Hà Nội vào TP. HCM để tiêu thụ. Như vậy có nghĩa là 100% nguồn cá tầm này là nhập lậu từ Trung Quốc về.
"Chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát được cá tầm nhập lậu, vì quản lý việc này dễ hơn rất nhiều so với quản lý và kiểm soát gia cầm nhập lậu bởi trên thực tế cơ sở nuôi cá tầm không nhiều. Phải thực hiện kiểm soát cá tầm như đối với gia cầm nhập lậu. Nếu chủ hàng không chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ; không có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y thì dứt khoát không cho vận chuyển", bà Thu nói.
Ngoài ra, Tổng cục Thủy sản, tiếp tục kiểm tra cơ sở nuôi cá tầm tại các tỉnh biên giới, đồng thời kiểm tra xem các cơ sở này có phải là "trạm trung chuyển" sản phẩm cá tầm nhập lậu hay không. Còn đối với các chợ đầu mối, nếu sản phẩm cá tầm không có nguồn gốc, xuất xứ, không có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y thì phải xử lý tiêu hủy như gia cầm nhập lậu, bà Thu chỉ đạo.
Bảo Hân