Năm 2017, Cục Xuất bản sẽ tập trung đẩy mạnh công tác phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát điều kiện hoạt động, quy trình xuất bản, chấn chỉnh quy trình hoạt động của các nhà xuất bản, đặc biệt là hoạt động liên kết xuất bản,...

Chiều 20/12/2016, Cục Xuất bản – In và Phát hành (Cục Xuất bản), Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017. Tới dự và phát biểu chỉ đạo có Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo. Cùng tham dự Hội nghị có ông Võ Quốc Trường, Giám đốc Trung tâm Thông tin, Bộ TT&TT; đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ, Cục Thông tin đối ngoại, Vụ Thông tin cơ sở, Vụ khoa học Công nghệ, Vụ Kế hoạch Tài Chính cùng toàn thể lãnh đạo, công chức, viên chức và người lao động thuộc Cục Xuất bản.

{keywords}

Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo


Theo báo cáo của Cục Xuất bản – In và Phát hành, trong năm 2016, Cục đã tham mưu, trình lãnh đạo Bộ về việc thoản thuận bổ nhiệm chức danh lãnh đạo 11 nhà xuất bản; xác nhận 4.065 giấy đăng ký kế hoạch với 59.418 xuất bản phẩm, hơn 1 triệu bản sách; cấp 56 giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh; cấp 83 chứng chỉ hành nghề biên tập cho cán bộ, biên tập viên của các nhà xuất bản

Về lưu chiểu xuất bản phẩm: Tính đến ngày 20/11/2016, toàn Ngành đã nộp lưu chiểu 26.090 xuất bản phẩm với 275.512.717 bản. Trong đó sách in có 24.762 xuất bản phẩm với 259.274.307 bản; sách điện tử có 120 xuất bản phẩm; văn hóa phẩm (tranh ảnh, bản đồ, đĩa và lịch các loại) cò 1.208 xuất bản phẩm với 16.238.410 bản.

{keywords}
Bản in Chiếc lá cuối cùng bị lỗi gây bức xúc dư luận 

Về xử lý vi phạm: Qua công tác kiểm tra, Cục đã phát hiện và xử lý 179 xuất bản phẩm vi phạm (trong đó 114 xuất bản phẩm vi phạm nội dung, 6 xuất bản phẩm mạo danh nhà xuất bản, in lậu, nhập lậu và lưu hành bất hợp pháp, 59 xuất bản phẩm vi phạm khác).

Đối với lĩnh vực in, Cục Xuất bản đã cấp 50 giấy phép hoạt động in, 13 giấy phép in gia công xuất bản phẩm cho nước ngoài; 1.693 giấy phép nhập khẩu thiết bị in.

Đối với lĩnh vực phát hành, Cục Xuất bản đã cấp 755 giấy xác nhận nhập khẩu xuất bản phẩm để kinh doanh với 96.637 tên sách, 39.162.122 bản sách và 15.699.547 bản băng, đĩa; Cấp 25 giấy phép nhập khẩu không kinh doanh với 3.030 tên sách, 53.609 bản sách, 40 bản băng, đĩa; Cấp 17 giấy xác nhận đăng ký hoạt động phát hành xuất bản phẩm và cấp 4 giấy phép tổ chức triển lãm, hội chợ xuất bản phẩm...

{keywords}

Năm 2017, Cục Xuất bản tập trung: Đẩy mạnh công tác phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát điều kiện hoạt động, quy trình xuất bản, chấn chỉnh quy trình hoạt động của các nhà xuất bản,..


Về công tác thanh tra, kiểm tra, Cục Xuất bản đã tổ chức triển khai 6 cuộc thanh tra chuyên ngành, 16 cuộc kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất chuyên ngành, và cùng tham gia Đoàn liên ngành phòng, chống in lậu Trung ương tiến hành 16 cuộc thanh tra, kiểm tra. Kết quả, Cục đã ban hành 9 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt là 235 triệu đồng.

Đặc biệt, trong năm 2016, Cục Xuất bản đã chỉ đạo các nhà xuất bản xuất bản nhiều xuất bản phẩm phục vụ nhiệm vụ chính trị, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII; tuyên truyền bầu cử Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2020; tuyên truyền về chủ quyền biên giới, hải đảo quốc gia.

Một điểm nổi bật khác trong năm 2016 là Cục Xuất bản đã phối hợp với Trung tâm Thông tin của Bộ TT&TT và Cục CNTT & Thống kê của Tổng cục Hải quan triển khai hoàn thành việc liên thông dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 về cấp giấy xác nhận danh mục xuất bản phẩm nhập khẩu để kinh doanh trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Cũng trong năm qua, trong lĩnh vực xuất bản, Cục đã trình lãnh đạo Bộ cấp đổi 6 giấy phép thành lập nhà xuất bản, cấp lại 1 giấy phép thành lập Văn phòng đại diện tại Việt Nam của nhà xuất bản nước ngoài, điều chỉnh, bổ sung thông tin 2 giấy phép thành lập Văn phòng đại diện tại Việt Nam của nhà xuất bản nước ngoài.

Về phương hướng công tác trọng tâm năm 2017, Cục Xuất bản tập trung: Đẩy mạnh công tác phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát điều kiện hoạt động, quy trình xuất bản, chấn chỉnh quy trình hoạt động của các nhà xuất bản, đặc biệt là hoạt động liên kết xuất bản; Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiẻm tra, phòng chống in lậu; Triển khai thực hiện dự án “Đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu ngành xuất bản, in, phát hành”, đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, triển khai số hóa sách lưu chiểu, áp dụng các phần mềm chuyên ngành vào thực tế công việc hàng ngày, đặc biệt là thực hiện các thủ tục hành chính...

Phát biểu tại Hội nghị, Giám đốc Trung tâm Thông tin, Bộ TT&TT Võ Quốc Trường đánh giá cao Cục Xuất bản là một trong những đơn vị đi đầu trong việc triển khai ứng dụng CNTT và triển khai dịch vụ công trong các hoạt động của mình theo tinh thần Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về CNTT và Nghị quyết 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử. 

Cũng trong thời gian qua, Trung tâm Thông tin và Cục Xuất bản đã có sự phối hợp chặt chẽ với nhau để đưa dịch vụ công của Cục Xuất bản trên Cổng dịch vụ công quốc gia cũng như Cổng thông tin điện tử của Bộ và Cổng thông tin điện tử của Cục nhằm đảm bảo đúng tiến độ đề ra. Về công tác thông tin, trong tổng hợp thông tin báo chí hàng tuần, Trung tâm Thông tin đã kịp thời tham mưu cho lãnh đạo Bộ và đề nghị Cục Xuất bản những thông tin liên quan đến xuất bản, để có những phản ứng quả góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý của Cục.

Đối với việc triển khai ứng dụng CNTT, trong năm 2017, Trung tâm Thông tin được lãnh đạo Bộ giao đẩy mạnh triển khai hệ thống dịch vụ công, và triển khai hệ thống phần mềm văn bản, Giám đốc Trung tâm Thông tin đề nghị Cục Xuất bản có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa góp phần hoàn thành nhiệm vụ được lãnh đạo Bộ giao.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, thay mặt lãnh đạo Bộ, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo đã biểu dương và đánh giá cao những kết quả đạt được của Cục Xuất bản trong năm 2016. 

Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng lưu ý Cục Xuất bản cần chủ động xây dựng các chương trình công tác hàng năm một các cụ thể. Trong quá trình xây dựng văn bản pháp luật phải chú ý về mặt thời gian, tiến độ và đúng quy định. Đối với những chương trình, đề án được chấp nhận đưa vào chương trình công tác Cục phải triển khai các bước thực hiện cụ thể, đảm bảo tính khả thi. Phải phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng thuộc Bộ xác định rõ những việc cần làm và phải có văn bản (như Thông tư về tem chống giả, khi đưa ra phải khẳng định rõ cơ sở pháp lý; xác định rõ đối tượng bị tác động để đảm bảo tính khả thi để khi ban hành Thông tư phải đi vào cuộc sống).

Đối với công tác thanh tra, xử lý vi pham, chú ý phát hiện lỗ hổng trong văn bản, chính sách, tránh chồng chéo, bất hợp lý.

Đối với việc triển khai các đề án, dự án theo tinh thần kết luận và thông báo của Văn phòng Chính phủ đối với đề án Quảng bá xuất bản phẩm Việt Nam ra nước ngoài giai đoạn 2016 – 2020; Khôi phục, duy trì và phát triển mạng lưới phát hành xuất bản phẩm cấp huyện tại các địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn… tránh tình trạng Thủ tướng đã kết luận nhưng Bộ chưa triển khai…

Cũng tại Hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo yêu cầu Cục Xuất bản cần lựa chọn công việc và xếp thứ tự ưu tiên, cái già cấp bách làm trước để tập trung làm bài bản, quyết liệt. Mặt khác, Cục cần bám sát Chỉ thị 42-CT/TW nhằm đánh giá việc thực hiện của các Bộ, ngành liên quan đối với việc thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động xuất bản, giá thuê đất, nhà xưởng, thuế… kịp thời kiến nghị Thủ tướng có văn bản thực hiện công việc cho hiệu quả.

Đồng thời, phối hợp tốt với Trung tâm Thông tin của Bộ về hoạt động thông tin, tuyên truyền. Đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT trong cải cách thủ tục hành chính, đó là giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu nhân lực như hiện nay. Tập trung triển khai số hóa lưu chiểu, xuất bản điện tử; Phối hợp với Trường Cao đẳng In trong việc đào tạo, cấp chứng chỉ cho người đứng đầu cơ sở in trong thời gian tới….

PV