Lo Covid-19, chần chừ đến bệnh viện
Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM, từ đầu tháng 8 đến nay, số bệnh nhi nhập viện vì sốt xuất huyết có dấu hiệu tăng so với những tháng trước. Cụ thể, đã có 50 trẻ được điều trị tại Khoa Sốt xuất huyết, trong đó, 5 bé bị đưa đến trễ khiến bệnh diễn tiến nặng, rơi vào sốc sốt xuất huyết phải cấp cứu và điều trị tích cực.
Ngoài ra, khoảng 20-30 trẻ bị sốt xuất huyết cảnh báo cần được truyền dịch theo dõi mỗi ngày, những trường hợp còn lại được điều trị ngoại trú.
Các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi đồng 1 đang theo dõi các dấu hiệu mới nhất của bé D. (8 tuổi, ngụ quận Bình Tân) để tránh viêm màng não
Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, cách đây 2-3 tuần, số trẻ nhập viện vì sốt xuất huyết tăng trở lại. Hiện Khoa Nhiễm của bệnh viện đang điều trị 25 ca sốt xuất huyết, trong đó, có một số trẻ chuyển biến nặng mới được gia đình cho vào viện cấp cứu.
Vài ngày trước, bé L.T.Đ.K. (4 tuổi, ngụ Bình Dương) bị sốt, gia đình tự mua thuốc cho bé uống vì nghĩ bé bị lở miệng sinh sốt. Tuy nhiên, sau 2 ngày, tình trạng bé không thuyên giảm mà còn đau bụng nên chị N.T.T. (28 tuổi, mẹ bé K.) cho bé đến bệnh viện địa phương điều trị.
Sau 3 ngày bé K. vẫn không khỏi nên gia đình cho bé đến Bệnh viện Nhi đồng 2 khám bệnh. Lúc này, bé K. có biểu hiện khó thở phải thở oxy.
Sau khi thăm khám và thực hiện các xét nghiệm, bác sĩ cho biết, bé bị sốc sốt xuất huyết, bạch cầu giảm. Sau khi truyền máu, bù dịch, bé đã qua cơn nguy kịch, nhưng vẫn cần theo dõi và điều trị.
Bé C.T.D. (8 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TP.HCM) cũng trở nặng khi vào viện chậm trễ.
Nhìn con nằm mê man trên giường bệnh phải thở oxy, truyền dịch do sốc sốt xuất huyết, mẹ bé D. nghẹn ngào nói, bé bị sốt ngày 20/8. Nghĩ bé chỉ sốt thông thường nên gia đình tự cho bé uống thuốc.
Tuy nhiên, sáng hôm sau, bé D. sốt lại. Vì lo ngại dịch Covid-19 nên người mẹ chỉ đưa bé đến bác sĩ tư khám bệnh. Bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm mũi họng, cho thuốc về uống.
Đến trưa, bé D. vẫn sốt cao không hạ, tay chân nổi hồng ban, mẹ tiếp tục đưa con đến một bệnh viện gần nhà khám lại. Tại bệnh viện, bé D. được xét nghiệm máu và chẩn đoán sốt xuất huyết ngày 1. Sau đó, bác sĩ cho về nhà theo dõi, hẹn ba ngày sau tái khám.
Về nhà, ngày thứ 2, bé D. vẫn mệt mỏi, li bì, đau nhức người nên tiếp tục quay lại bệnh viện cấp cứu. Tuy nhiên, do tiểu cầu của bé giảm mạnh, rơi vào sốc sốt xuất huyết nên được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM, bé D. nhập viện trong tình trạng sốt xuất huyết ngày thứ 3 trên nền thừa cân, béo phì. Bệnh đã vào giai đoạn nguy hiểm, bạch cầu, tiểu cầu đều giảm, phải thở oxy, truyền dịch…
Tính từ khi bệnh khởi phát, bé đã sốt xuất huyết vào ngày thứ 5 nên có nguy cơ biến chứng lên não. Các bác sĩ đang theo dõi sát các dấu hiệu mới nhất của bé để tránh viêm màng não cho bé.
BS CK2 Đỗ Châu Việt, Trưởng Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2, chia sẻ, khoảng 90% trẻ sốt xuất huyết đều có thể theo dõi triệu chứng tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ.
Để tăng cường sức đề kháng và chăm sóc trẻ bị bệnh, phụ huynh nên cho trẻ uống nhiều nước lọc, nước trái cây, súp, sữa. Tuy nhiên, trẻ cần tránh những loại thức ăn đỏ và đen để phòng trường hợp trẻ nôn ói, đi tiêu sẽ không bị nhầm lẫn với xuất huyết tiêu hóa.
Phòng sốt xuất huyết cũng như phòng Covid-19 tránh để dịch chồng dịch
Theo bác sĩ Việt, Bệnh viện Nhi đồng 2 và các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM đều có phương án sàng lọc bệnh nhân, thân nhân có triệu chứng nghi ngờ Covid-19.
Thời gian gần đây, theo khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM, những trường hợp về từ các địa phương có ca mắc Covid-19 trong cộng đồng sẽ phải lấy mẫu xét nghiệm và khai báo y tế nên bệnh viện cũng thực hiện theo quy định.
Sau khi vào Bệnh viện Nhi đồng 2, bé K. (4 tuổi, ngụ Bình Dương) được truyền máu, bù dịch và qua cơn nguy kịch
Đối với trường hợp trẻ có biểu hiện sốt, ho, đau họng… trước khi thăm khám sẽ phải khai báo y tế và lấy mẫu xét nghiệm. Nếu trẻ có tiếp xúc gần với bệnh nhân Covid-19, có yếu tố nguy cơ sẽ được thực hiện cách ly.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, mỗi khoa đều có phòng cách ly tạm thời và khu cách ly tập trung của bệnh viện. Với những trẻ có nhiều yếu tố nguy cơ, sau khi lấy mẫu xét nghiệm sẽ được cách ly đủ 14 ngày.
Theo bác sĩ Việt, đến thời điểm hiện tại, hầu hết trẻ đều có kết quả xét nghiệm âm tính. Vì vậy, cha mẹ không nên quá lo lắng dịch Covid-19 mà để trẻ điều trị chậm trễ, tránh dịch chồng dịch sẽ càng nguy hiểm hơn.
Bác sĩ Tuấn cho hay, hiện TP.HCM vẫn đang phòng chống Covid-19, nên phụ huynh đừng quá lo lắng mà để con ở nhà khi nghi ngờ bé bị sốt xuất huyết. Bởi sốt xuất huyết và Covid-19 đều là các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra với các biểu hiện ban đầu giống nhau, có thể gây nhầm lẫn như sốt, đau đầu, đau mỏi cơ…
Vì vậy, khi trẻ sốt cao không hạ, cần phải đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức tránh trường hợp trẻ trở nặng sốc sốt xuất huyết.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, tất cả thân nhân và bệnh nhi đều phải rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, khai báo y tế, đo thân nhiệt trước khi vào khám bệnh và điều trị nội trú. Ngay từ khu vực khám bệnh, nếu phát hiện ca nghi ngờ, bệnh viện đã có kế hoạch cách ly ngay để khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời. Vì vậy, cha mẹ hãy yên tâm nếu như trẻ bắt buộc phải nhập viện điều trị.
Bác sĩ Tuấn khuyến cáo, khi trẻ sốt hai ngày không hạ hoặc từ ngày thứ ba sau khi khởi phát sốt xuất huyết, phụ huynh nên đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám, theo dõi và điều trị.
Bất kỳ trường hợp nào trẻ sốt cao đột ngột từ ngày thứ 2 trở đi, có dấu hiệu tăng nặng hay có bệnh lý nền như suy dinh dưỡng, thừa cân, bệnh mạn tính đi kèm gồm tim mạch, phổi, gan, thận… khi trẻ mắc sốt xuất huyết, bệnh sẽ tiến triển nặng hơn, khó điều trị so với trẻ có bệnh thường. Lúc này, cha mẹ phải đưa trẻ đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt, tránh trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra.
Liên Anh
Nam thanh niên Hà Nội tử vong vì sốt xuất huyết
Nam thanh niên mắc sốt xuất huyết nhưng vì sợ Covid-19 nên gia đình giữ tại nhà truyền dịch dẫn tới tử vong.