“Thời điểm đó, mình cảm thấy quá áp lực với công việc. Mình xin tạm nghỉ, dành thời gian đi du lịch một vài nơi để giải tỏa căng thẳng, trong đó có Đà Lạt”, Hoàng Anh chia sẻ. Sau 10 ngày ở lại thành phố mờ sương, Hoàng Anh bị nơi đây thu hút. Anh bắt đầu nghĩ tới việc sẽ về Đà Lạt sống và làm việc.

“Ban đầu, mình dự định sẽ tìm một công việc phù hợp để trụ lại tại Đà Lạt. Nhưng mình cũng sợ, khi đi làm, mình sẽ lại rơi vào vòng luẩn quẩn: căng thẳng, mệt mỏi, chán chường. Sau khi khảo sát hoạt động du lịch tại thành phố này, và dựa trên những trải nghiệm đã có của bản thân tại nhiều vùng du lịch trên cả nước, mình quyết định mở một homestay, vừa kinh doanh, vừa là nơi để tự nuông chiều chính mình”, Hoàng Anh chia sẻ.

Homestay của Hoàng Anh nho nhỏ, nằm nép mình ở khu vực xa trung tâm thành phố. Đây là nơi anh ở, nuôi thú cưng, chia sẻ nơi ăn nghỉ với bạn bè khi lên thăm Đà Lạt và đón một lượng khách nhỏ, chỉ đón tối đa 8 khách. 

{keywords}

Chàng trai trẻ “chán phố thị” về Đà Lạt làm nhà vườn, nuôi thú cưng


Sau khi chia sẻ quyết định nghỉ việc lên Đà Lạt sinh sống với bố mẹ, Hoàng Anh trả nhà Sài Gòn, bán hết những thứ anh có như xe, đồ điện tử…. Anh mang một vali hành lý 10kg và toàn bộ số tiền tích lũy lên Đà Lạt.

Trước đó, Hoàng Anh đã tìm hiểu và nhờ những người bạn làm ngành dịch vụ du lịch tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm. Chàng trai tính toán kĩ mô hình homestay, khả năng thu hồi vốn, đối tượng khách hàng, chi phí vận hành, đầu tư…

“Toàn bộ chi phí đầu tư homestay ban đầu của mình là 200 triệu đồng”, Hoàng Anh cho biết.  Anh tự xây dựng, trang trí căn nhà, chăm sóc, làm vườn, quản lý fanpage, phục vụ khách hàng…

“Du khách thường đi xe đêm tới Đà Lạt nên mình thường xuyên phải đón khách từ 4 - 5 giờ sáng. Sáng sớm Đà Lạt vừa lạnh, vừa mờ sương, việc phải dậy làm việc không dễ dàng.

Nhưng lâu dần mình cũng quen và có thói quen dậy sớm đón bình minh, hít hà không khí trong lành”, Hoàng Anh chia sẻ. 

"Mọi chi phí nhân công ở Đà Lạt đều đắt đỏ. Nếu không học cách tự làm, mà việc gì cũng thuê người thì bạn sẽ "thu không đủ chi". Vì thế công việc quản lý, vận hành homestay không đơn giản, mộng mơ như mọi người tưởng", anh nói thêm.

So với công việc nhân viên sân bay, việc tự kinh doanh homestay vất vả không kém nhưng bốn năm qua, chàng trai này vẫn say mê, hạnh phúc. 

{keywords}

Hoàng Anh tự xây dựng, trang trí nhà, chăm vườn, phục vụ khách

 {keywords}

Nhiều đồ dùng trong homestay được chàng trai tự đóng, lắp đặt

{keywords} 

Quầy bar được Hoàng Anh thiết kế và tự thực hiện


Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã khiến cho Hoàng Anh gặp không ít khó khăn. Bốn năm gắn bó với Đà Lạt, chưa khi nào anh thấy thành phố lặng lẽ, vắng khách đến vậy. Từ tháng 6 tới nay, hàng loạt homestay đăng trả nhà, đóng cửa.

“Mình không nhận đón khách trong gần 3 tháng qua, vừa thực hiện quy định của thành phố vừa để bảo vệ an toàn bản thân. Khu vực homestay của mình có mức thuê không quá cao, cộng thêm được cô chú chủ nhà hỗ trợ nên mình có thể dùng tiền tích lũy duy trì”, Hoàng Anh cho biết.

Với kinh nghiệm làm đồ gỗ trang trí và chăm sóc hoa, cây cảnh, Hoàng Anh tranh thủ thời gian này nhận làm vườn hữu cơ cho một số gia đình bạn bè, người quen; trồng, chăm sóc cây giống để bán online.

Chàng trai cũng tận dụng thời gian “ế” khách hiếm hoi trong năm để cải tạo không gian xung quanh homestay, làm một khu vườn “trên mây”. 

{keywords}

Hoàng Anh tận dụng khu đất phía sau nhà làm thành vườn xanh

Vườn chia làm 2 phần, một phần sàn gỗ nâng cao khỏi mặt đất khoảng 2m, có diện tích 10m2 và khoảng đất cạnh bên khoảng 6m2.

Sẵn một số tấm gỗ còn thừa từ đợt làm sàn nhà, Hoàng Anh tự đóng thành các bồn gỗ lớn nhỏ làm nơi gieo trồng.

Có nhiều hôm, anh cặm cụi làm tới 8-9 giờ tối. Để giữ được nước, phân bón, anh lót một lớp nylon mỏng trước khi đổ đất vào. Ngoài ra, một số sọt tre, giỏ xách không dùng tới cũng được anh tận dụng.

 {keywords}

Hoàng Anh trồng đa dạng các loại rau như cải kale, cải cầu vồng, xà lách, cần tây, hẹ, ớt, bí ngòi, dưa peptino và rau thơm.


Ở khu đất trống rộng khoảng 6m2 sát sàn gỗ, Hoàng Anh trồng thêm một số loại cây chịu mưa hơn như dưa chuột, mướp đắng, cà tím, su hào.

Phần khung tường rào bao quanh cũng đều được anh sử dụng vật liệu thân thiện môi trường như củi khô nhặt trong rừng.

Để hạn chế sâu bệnh, Hoàng Anh áp dụng biện pháp anh học được trên mạng xã hội là xịt dung dịch tỏi, ớt, gừng, rượu Anh cho biết các biện pháp hữu cơ cũng đạt hiệu quả phòng chống sâu bệnh tới 70%.

Ngoài ra, anh ủ rác thải sinh hoạt như vỏ trái cây, rau củ để làm phân bón tưới cây.

{keywords}


Khi chia sẻ hình ảnh khu vườn lên mạng xã hội, Hoàng Anh nhận được rất nhiều phản hồi tích cực. “Mình dự định sẽ tiếp tục chăm sóc khu vườn để tạo cảnh quan mới lạ cho homestay và sau này, du khách có thể trải nghiệm hoạt động chăm sóc, thu hoạch rau ngay tại đây”, chàng trai chia sẻ.

Linh Trang (Ảnh: NVCC)