- "Vợ chồng chúng tôi vẫn phải đi thuê nhà. Tháng nào có sô thì đỡ lo tháng nào ế là sống trong nỗi lo. Chẳng biết đến bao giờ mới đủ tiền mua một mét đất ở chốn đô thành" - giải nhì Sao Mai Ngọc Ký bộc bạch.
Ngọc Ký sinh ra và lớn lên trong một gia đình bần nông. Gia đình không có ai theo nghệ thuật nhưng anh may mắn được thừa hưởng giọng hát từ bố. "Bố tôi làm Bí thư đoàn nên hay dạy các cô chú đoàn viên trong xã hát và tôi hay được đi theo bố để ngồi nghe. Cứ thế tình yêu nghệ thuật và yêu ca hát có trong tôi từ khi còn nhỏ.
Tôi đã luôn ước mơ sau này mình được đi hát như các cô chú và điều đó đã nhanh biến thành sự thật. Năm học lớp 3 tôi được cô giáo chủ nhiệm cử đi thi hát. Lần đầu tiên được đứng trên sân khấu để hát một cảm giác rất run và hồi hộp..." - Ngọc Ký trải lòng.
Nghe Ngọc Ký hát "Trở về"Lớp 8, Ngọc Ký giành giải nhất một cuộc thi cấp tỉnh và từ đó đi hát ở đâu ai cũng khen anh có một giọng hát rất khỏe và sáng. Hết cấp 3, Ngọc Ký thi vào trường nghệ thuật tỉnh, sau đó bằng nhiều nỗ lực anh đã thi đỗ vào Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam. 11 năm theo học thanh nhạc với Ngọc Ký có biết bao buồn vui, cùng những bươn chải vật lộn mưu sinh.
Có hai người thầy mà Ngọc Ký luôn trân trọng và yêu quý đó là NSND Quý Dương và NSND Quang Thọ. Anh kể, khi được nhận học thì thầy giáo Quý Dương đã bị tiểu đường rất nặng. Nhiều hôm cả lớp đang học đường huyết của thầy tăng cao nên các học trò lại đưa thầy vào bệnh viện.
"Mặc dù bệnh nhưng thầy luôn cố gắng lên lớp để dạy chúng tôi. Thầy không chỉ truyền cho chúng tôi những kỹ thuật thanh nhạc mà còn dạy về cách cư xử của người nghệ sĩ. Những năm cuối đời thầy nói với chúng tôi không bao giờ quên đó là: Thầy không còn sống được bao lâu nên ai học chăm chỉ sẽ được thầy truyền lại hết kỹ thuật thanh nhạc".
Ngọc Ký bảo nếu như NSND Quý Dương cho anh những động lực sống và sự đam mê với nghề thì NSND Quang Thọ lại là người truyền cảm hứng và đưa ra những chiến lược tốt giúp anh làm nên thành công khi đoạt giải nhì dòng dân gian cuộc thi Sao Mai 2009.
Dòng nhạc dân gian lâu nay thường chỉ các ca sĩ nữ theo đuổi là phần nhiều. Tuy nhiên, việc Ngọc Ký vẫn tâm huyết đi theo quả là dũng cảm và nhiều khó khăn. Chàng ca sĩ gốc Nam Định không giấu giếm cuộc sống của vợ chồng anh giờ vẫn nghèo nhưng tình yêu anh dành cho dòng nhạc dân gian thì không thay đổi.
"Vợ chồng chúng tôi vẫn phải đi thuê nhà. Tháng nào có sô thì đỡ lo, tháng nào ế là sống trong nỗi lo. Tôi đi hát cũng chỉ để trang trải cho tổ ấm nhỏ của mình. Chằng biết đến bao giờ mới đủ tiền mua một mét đất ở chốn đô thành. Nhưng cứ sống với đam mê và khát vọng, tôi tin rồi khán giả sẽ thương mình" - Ngọc Ký bộc bạch.
Ngọc Ký vừa cho ra mắt album "Trở về quê hương". Với 11 ca khúc, như 11 góc cảm xúc dành cho quê hương, nó tựa như một câu chuyện âm nhạc xuyên suốt để Ngọc Ký dẫn dắt người nghe về với miền ký ức thân thương đã xa.
Ca sĩ Ngọc Ký với "Nam Định mình ơi"Ở đó, khán giả sẽ được đắm chìm với cảm xúc của một người con xa quê khi "Trở về" đến những xốn xang rạo rực trong "Về quê" khi chợt nhìn thấy dáng những người phụ nữ liêu xiêu như dáng mẹ, dáng chị yêu thương của mình với Quê hương tôi, Chuyện làng tôi.
Đặc biệt, trong album có hai ca khúc Nam Định mình ơi của nhạc sĩ Nguyễn Tiến và Em có về Nam Trực quê anh của nhạc sĩ Thanh Hà. Nam ca sĩ chia sẻ rằng đây là món quà dành cho quê hương. Ở đó, vừa có những ca khúc đã quen thuộc, lại vừa có những ca khúc mới nhưng điều mà Ngọc Ký đặt lên hàng đầu là ca khúc hay, giai điệu đẹp.
"Làm sao để khi khán giả nghe lần đầu là phải cảm nhận được luôn bài đó có hay không, có lột tả được bức tranh rất đẹp về quê hương hay không? Cũng vì thế tôi không quan trọng tác giả là nhạc sĩ nổi tiếng hay nghiệp dư mà chú ý đến việc sau khi ca khúc đó qua tiếng hát của tôi được vang lên mọi người sẽ đón nhận và yêu thích" - Ngọc Ký nói.
S.Hà