- Hàng xóm cạnh nhà tôi căng dây điện trần để bảo vệ vườn cây ăn quả và ao cá. Do không biết điều này nên một em học sinh trong lúc lẻn vào vườn vặt trộm quả không may bị điện giật dẫn đến tử vong.
Gia đình em học sinh đó yêu cầu được bồi thường, nếu không sẽ khởi kiện ra tòa. Về phía nhà người hàng xóm kia thì cho rằng họ không có lỗi gì cả nên không phải bồi thường. Chính em học sinh đó lẻn vào ăn trộm nên mới gặp hậu quả như vậy.
Trong trường hợp này thì bên nào có lỗi và phải chịu trách nhiệm ra sao thưa luật sư?
Hành vi chăng dây điện trần khi chưa được cho phép là vi phạm pháp luật (Ảnh minh họa) |
Điều 59 Luật Điện lực quy định:
“1. Sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp là dùng nguồn điện có mức điện áp thích hợp đấu nối trực tiếp vào hàng rào, vật cản, vật che chắn của khu vực được bảo vệ (sau đây gọi chung là hàng rào điện) để ngăn cản việc xâm phạm khu vực được bảo vệ và phát tín hiệu báo động cho người bảo vệ khu vực đó biết.
2. Sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp chỉ được thực hiện khi sử dụng các biện pháp bảo vệ khác không hiệu quả và phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
3. Hàng rào điện phải được thiết kế, lắp đặt tránh được mọi tiếp xúc ngẫu nhiên đối với người và gia súc, có biển báo nguy hiểm, không gây ảnh hưởng tới hoạt động của hệ thống điện, không gây nguy hiểm cho khu vực lân cận và môi trường sống. Người quản lý, sử dụng hàng rào điện phải được đào tạo, huấn luyện chuyên môn, nghiệp vụ về điện”.
Điều luật này cũng quy định: “Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình quy định khu vực được phép sử dụng hàng rào điện. Bộ trưởng Bộ Công nghiệp quy định tiêu chuẩn và điều kiện sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp”.
Như vậy, việc hàng xóm nhà bạn sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp khi chưa được cấp phép là hành vi vi phạm pháp luật.
Hơn nữa, khi căng dây điện trần, hàng xóm nhà bạn biết và buộc phải biết là hành vi này có thể dẫn đến chết người. Tuy nhiên, hàng xóm nhà bạn vẫn cố tình thực hiện, bất chấp hậu quả xảy ra nên theo hướng dẫn tại công văn số 81/2002/TANDTC hàng xóm nhà bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người theo quy định tại Điều 93 Bộ Luật Hình Sự, cụ thể:
"Để xét xử đúng tội cần phải xem xét từng trường hợp cụ thể. Về nguyên tắc chung, Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn như sau:
a. Đối với trường hợp sử dụng điện trái phép để chống trộm cắp mà làm chết người thì người phạm tội phải bị xét xử về tội giết người."
Tuy nội dung trên chỉ là công văn hướng dẫn của TAND tối cao và không được xác định là văn bản quy phạm pháp luật, nhưng đây là đường lối giải quyết của ngành toà án trong những vụ việc có tình tiết tương tự.
Tư vấn bởi Luật sư Hoàng Tuấn Anh; Công ty Luật Themis; SĐT: 0986663459
Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)
Ban Bạn đọc