- "Một ông huấn luyện viên bóng đá ở Anh, qua hai lần bị sa thải cũng được bồi thường hợp đồng với tổng trị giá 16 triệu bảng Anh, nếu sống ở Việt Nam, ba đời nhà ông ấy ăn không hết. Trong khi chắc chắn một điều ở Việt Nam chẳng có họa sĩ nào đợi giá tranh cao đến 1 triệu đô la mới bán".
Năm 2013, mỹ thuật Hải Phòng có nhiều hoạt động ngành nghề. Từ những triển lãm giao lưu giữa các khu vực, đến những triển lãm cá nhân … Những triển lãm này tạo nên một không khí hoạt động nghệ thuật khá sôi động ở Hải Phòng.
Hoạ sĩ Đặng Tiến, Phó Chủ tịch Hội LHVHNT Hải Phòng, Chủ tịch Hội Mỹ Thuật Hải Phòng cho biết: "Năm 2013 là một năm có thể nói là “bận rộn” của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hải Phòng (Hội LHVHNTHP) và Hội Mỹ thuật Hải Phòng nói riêng. Ngoài các sự kiện thường niên, Hải Phòng tổ chức Cuộc thi và sáng tác nhiếp ảnh, mỹ thuật về đề tài Hoa phượng và Thành phố Hoa Phượng Đỏ dịp đầu năm; tổ chức Trại sáng tác và Triển lãm Mỹ thuật Hồng Bàng –Hải Phòng 2013 theo phương thức xã hội hóa.
Ngoài 2 triển lãm lớn nêu trên, năm nay Hội Mỹ thuật Hải Phòng còn tổ chức được tất cả 9 cuộc triển lãm lớn nhỏ (chưa kể vận động anh chị em sáng tác tác phẩm tham dự Triển lãm mỹ thuật Khu vực). Đây là một kỷ lục đối với mỹ thuật Hải Phòng. Hội Mỹ Thuật thành phố vừa tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 2013-2018, Ban Chấp hành khóa này là những gương mặt được trẻ hóa, nhiệt tình, tâm huyết và có điều kiện về thời gian dành cho hoạt động của Hội.
Hy vọng trong thời gian tới, hoạt động của mỹ thuật Hải Phòng tiếp tục được đẩy mạnh. Là một trong 9 Hội chuyên nghành của Hội LHVHNTHP, những hoạt động của Hội Mỹ thuật gắn liền với chương trình hoạt động của Hội Liên hiệp. Anh chị em họa sĩ Hải Phòng có nhiệt huyết và trình độ chuyên môn cao, có thể tham gia, đảm đương những công trình, sự kiện văn hóa lớn của thành phố.
Tuy nhiên, cũng giống những Hội chuyên nghành khác, với tâm lý “Bụt chùa nhà không thiêng”, rất tiếc nhiều sự kiện văn hóa lớn của thành phố, các văn nghệ sĩ của Hải Phòng rất ít khi được huy động tham gia. Và tôi thấy tiếc là những việc (về mỹ thuật) đi thuê họa sĩ các nơi khác thực hiện gây thất vọng với giới chuyên môn và những người am hiểu".
Mỹ thuật Hải Phòng năm qua như đang trở mình. Liên tiếp các triển lãm được mở và vào ngày 18/12 lại có một triển lãm chung của các hoạ sĩ Hải Phòng. Phải chăng sức sáng tạo cá nhân của các hoạ sĩ đang được khai mở?
Đặng Tiến: Hơn một năm qua, kể từ khi Triển lãm mỹ thuật “Hôm nay và mãi mãi” được tổ chức vào tháng 11/2012, mỹ thuật Hải Phòng thực sự chuyển mình. Năm 2013, tại Hải Phòng có 9 triển lãm được tổ chức với chất lượng chuyên môn khá cao, có sự hưởng ứng tích cực từ các họa sĩ Hải Phòng (trong đó có cả những họa sĩ Hải Phòng sống và làm việc tại Hà Nội, TP.HCM…) và nhiều họa sĩ của Hà Nội và các tỉnh thành phố khác, trong đó có những gương mặt tiêu biểu của mỹ thuật Việt Nam.
Những triển lãm này được giới chuyên môn trong nước chú ý và đánh giá cao. Đặc biệt, hiệu ứng của nó mang ý nghĩa rất tích cực: Không khí sáng tác mỹ thuật tại Hải Phòng trở nên sôi động. Anh chị em họa sĩ đã tích cực sáng tác, sáng tác nhiều hơn và chất lượng thấy tốt hơn. Sự nghiêm túc, chu đáo trong tổ chức các triển lãm đã tạo được thiện cảm và sức hút đối với anh chị em họa sĩ các tỉnh, thành phố khác.
Triển lãm mỹ thuật thường niên của giới mỹ thuật Hải Phòng vừa được khai mạc ngày 18/12 cũng có nhiều nét mới: số lượng tác giả, tác phẩm nhiều hơn các năm trước; chất lượng chuyên môn cao hơn; chất liệu phong phú hơn…
Và đặc biệt, từ triển lãm này, Hội LHVHNTHP quyết định trao giải thưởng cho các tác phẩm xuất sắc nhằm đánh giá, động viên các tác giả trong sáng tạo nghệ thuật. Ban Giám khảo là những họa sĩ có uy tín và không tham gia giải, làm việc với sự vô tư vì mục đích chung, cẩn trọng và chính xác.
Giá trị giải thưởng không cao, song đã nhận được sự đồng cảm của mọi người. Sáng tác mỹ thuật là công việc mang tính tự thân của mỗi người, nói sức sáng tạo của các họa sĩ được khai mở từ những hoạt động gần đây của mỹ thuật Hải Phòng thì hơi quá. Nhưng phải nói rằng, những hoạt động ấy góp phần tích cực tạo động lực, sự hứng khởi trong sáng tác cho anh chị em họa sĩ thành phố.
Nhiều năm qua, các họa sĩ Hải Phòng đã thành danh như Mai Trung Thứ, Trần Văn Cẩn, rồi Thọ Vân, Nguyễn Hà, Lưu Yên, Phạm Ngọc Lâm, Sơn Trúc… tiếp đến là Sơn Lâm, Đinh Quân, Trần Vinh, Trần Quang Huân, Đặng Tiến… Những tác phẩm của họ tạo được những ấn tượng và đánh dấu vị trí của mình trong dòng chảy mỹ thuật Việt Nam. Vậy theo anh, mỹ thuật Hải Phòng có bản sắc gì riêng biệt?
Đặng Tiến: Hải Phòng là vùng địa linh nhân kiệt. Lịch sử đã chững minh điều đó. Nhiều văn nghệ sĩ tên tuổi của nước nhà ở các bộ môn văn học nghệ thuật (trong đó có mỹ thuật) là người Hải Phòng hoặc từng sống và làm việc tại Hải Phòng. Mỹ thuật Hải Phòng qua các thế hệ họa sĩ cũng tạo được nét riêng. Không quá tách bạch trong dòng chảy mỹ thuật Việt Nam, song xem tranh của các họa sĩ Hải Phòng người ta thấy đậm sự chân thành với đối tượng thể hiện, sự mạnh mẽ trong bút pháp và rành mạch trong ý tưởng; chưa thực sự cấp tiến, nhưng cũng không quá xưa cũ. Tranh của các họa sĩ Hải Phòng không nặng về cái vỏ bên ngoài mà chú trọng ở cái chất bên trong.
Những triển lãm chung của hoạ sĩ Hải Phòng với các hoạ sĩ tỉnh bạn, liệu có thể đẩy lên được thành một triển lãm thường niên và thường xuyên? Các hoạt động giao lưu này có ảnh hưởng như thế nào đối với mỹ thuật Hải Phòng?
Đặng Tiến: Các triển lãm bày chung với họa sĩ các địa phương khác trong nước hiện nay chắc chưa trở thành thường niên được. Điều đó phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Song chắc chắn một điều, chúng tôi sẽ tăng cường tổ chức các triển lãm như vậy..
Dự kiến trong năm 2014, triển lãm 15 họa sĩ Hà Nội với 15 họa sĩ Hải Phòng sẽ được tổ chức. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ phối hợp tổ chức các trại sáng tác chung tại Hải Phòng cũng như tại các tỉnh, thành phố khác. Xa hơn, chúng tôi cũng mở rộng giao lưu với họa sĩ một số thành phố của các nước kết nghĩa với Hải Phòng… Những triển lãm như vậy chắc chắn có ảnh hưởng tích cực tới mỹ thuật Hải Phòng.
Các họa sĩ Hải Phòng sẽ có dịp “cọ xát” với họa sĩ các nơi, được xem, được tiếp nhận các thông tin mới về hoạt động mỹ thuật trong nước cũng như nước ngoài, qua đó có thêm động lực, nâng cao tính chuyên nghiệp trong sáng tạo nghệ thuật. Ngoài ra, người dân thành phố cũng có dịp thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật của họa sĩ các nơi. Năm 2013, qua một số triển lãm tại Hải Phòng, một số tác phẩm của các họa sĩ Hà Nội, TP.HCM đã được người yêu mỹ thuật Hải Phòng mua với giá khá cao (có bức giá tới 100 triệu đồng), góp phần lưu giữ tại thành phố một số tác phẩm nghệ thuật giá trị. Tôi cho rằng những triển lãm như vậy thật đặc biệt, có lợi cho họa sĩ và có lợi cho cả thành phố.
Vai trò của những hoạ sĩ trẻ trong những hoạt động của Hội Mỹ Thuật Hải Phòng? Hội có những chủ trương gì để động viên và tiếp sức trong công việc sáng tác đầy khó khăn, vất vả như hiện nay?
Đặng Tiến: Hội Mỹ thuật Hải Phòng hiện có 72 người, song chiếm tỷ lệ khá lớn là các họa sĩ tuổi cao, đã bỏ vẽ hoặc vẽ rất ít, quan niệm nghệ thuật cũng cũ. Thời gian qua, một số họa sĩ quan trọng của mỹ thuật Hải Phòng cũng qua đời, tạo ra những hao hụt đáng kể về đội ngũ. Rất may, hiện nay Hải Phòng có một số gương mặt trẻ nhiều triển vọng.
Các em đều có đam mê, hăng say sáng tác và tích cực tham gia các hoạt động của Hội (trong đó có người chưa phải hội viên). Và điều đáng mừng là tại các triển lãm, các tác phẩm của họa sĩ trẻ luôn tạo được ấn tượng với người xem. Hội Mỹ thuật luôn quan tâm tới đối tượng này, động viên, khích lệ, tạo điều kiện có thể để các họa sĩ trẻ hoạt động. Năm vừa qua, Hội kết nạp mới 8 hội viên, trong đó có 6 họa sĩ trẻ. Triển lãm mỹ thuật Hải Phòng vừa qua, 5/6 họa sĩ được trao giải là các gương mặt trẻ…
Thời gian qua, như nói ở trên, Hội Mỹ thuật Hải Phòng cố gắng tổ chức nhiều triển lãm, tạo điều kiện để các họa sĩ công bố tác phẩm (trong đó có những triển lãm, trại sáng tác được tổ chức bằng sự vận động tài trợ của các cá nhân, đơn vị). Hội cũng đề nghị Hội LHVHNTHP hỗ trợ các triển lãm cá nhân, hỗ trợ cơ sở vật chất trong các hoạt động mỹ thuật; tăng cường giao lưu, trao đổi, đoàn kết các hội viên vì sự phát triển của mỹ thuật Hải Phòng. Nhìn chung, các họa sĩ trong đó có các họa sĩ trẻ rất nhiệt tình hưởng ứng và đều tìm thấy sự hứng khởi làm việc.
Xin cảm ơn ông!
Chẳng họa sĩ Việt Nam nào đợi giá tranh lên 1 triệu USD mới bán Thực ra tôi thấy chúng ta có nhiều họa sĩ giỏi, không kém các nước trong khu vực và trên thế giới (cả tác phẩm của họ cũng vậy). Tôi đã xem một số tranh do Sotheby’s bán đấu giá, trong đó có tranh của các họa sĩ Việt Nam và thấy rằng tranh của các họa sĩ Việt Nam rất đẹp nhưng giá thấp hơn so với tranh các nước khác. Tôi nghĩ vấn đề chính là chúng ta nghèo và chúng ta lạc hậu. Chúng ta nghèo thì giá không thể bán cao được. Một ông huấn luyện viên bóng đá ở Anh, qua hai lần bị sa thải cũng được bồi thường hợp đồng với tổng trị giá 16 triệu bảng Anh, nếu sống ở Việt Nam, ba đời nhà ông ấy ăn không hết. Trong khi chắc chắn một điều ở Việt Nam chẳng có họa sĩ nào đợi giá tranh cao đến 1 triệu đô la mới bán. |