Anh Nguyễn Hồng Huy (28 tuổi, Đà Nẵng) bắt đầu đam mê nhiếp ảnh, đặc biệt là chụp chim hoang dã từ năm 2019. 

Thời điểm bắt đầu học chụp ảnh, anh Huy thường leo núi Sơn Trà để tìm kiếm khung cảnh thiên nhiên ấn tượng. Tại đây, anh bắt gặp hình ảnh nhiều loài chim độc đáo, hót ríu rít trong bụi cây, tự do chuyền cành, bay lượn... "Tôi bị thu hút bởi những chú chim nhỏ xinh, nhanh nhẹn ấy. Tôi bắt đầu tìm hiểu và "săn" ảnh về chúng", anh Huy cho biết.

Bức ảnh chú chim sẻ bụi đầu đen săn mồi (Ảnh: Nguyễn Hồng Huy)

Nằm cách trung tâm thành phố Đà Nẵng gần 10km về phía Đông Bắc, bán đảo Sơn Trà được xem là “lá phổi xanh” của thành phố. Nơi đây có diện tích hơn 4.400 ha, là ngôi nhà chung gần 1.000 loài thực vật, hàng trăm loài động vật, trong đó “báu vật” là voọc chà và chân nâu với hàng trăm cá thể đang được bảo tồn nghiêm ngặt.

Bên cạnh voọc quý hiếm, bán đảo Sơn Trà là “sân ga” của các loài chim di cư trên thế giới. Chúng bay từ phương Bắc về phương Nam vào những tháng cuối năm để trú đông hoặc ghé vào tháng 4,5 để sinh sản. Đây cũng chính là thời điểm thích hợp nhất để các “tay máy” từ khắp nơi đổ lên Sơn Trà săn tìm những tấm hình đẹp nhất về cuộc sống của các loài chim quý hiếm.

Cò trắng dạo chơi trên bờ biển (Ảnh: Nguyễn Hồng Huy)

Loại chim hiếm nhất anh Huy từng có cơ hội "chạm mặt" là sẻ đồng ngực vàng - loại chim được đưa vào danh mục cực kỳ nguy cấp trong Sách Đỏ. "Theo tôi tìm hiểu, loài sẻ này hay bị săn bắt, bẫy lưới nên chúng rất nhát. Để chụp được ảnh, tôi phải "ăn dầm, ở dề", dầm mưa dãi nắng mấy ngày liền trong rừng để tiếp cận, ghi hình", anh Huy kể.

 Sẻ đồng ngực vàng là loài chim rất khó tiếp cận (Ảnh: Nguyễn Hồng Huy)

Theo anh Huy, để có những tấm ảnh ấn tượng về mỗi loài chim thì phải tiếp cận được ở cự ly gần với chúng. Anh Huy thường lên mạng tìm đọc về tập tính của từng loài, dành thời gian quan sát từ xa (để nắm rõ giờ kiếm ăn, khu vực xuất hiện, tập tính cơ bản) rồi mới lên kế hoạch tiếp cận.

"Chúng tôi phải ngụy trang, ẩn mình di chuyển dưới các lùm cây, có lúc bò trườn trên cát thật nhẹ nhàng để tiếp cận chim, tập trung quan sát để "bắn" liên thanh, bắt những khoảnh khắc quý. Nhiều khoảnh khắc có thể chỉ xuất hiện một lần, khó có thể gặp lại", anh cho biết.

 (Ảnh: Nguyễn Hồng Huy)

"Nếu các loài chim sống sát biển thì đôi khi phải cho máy ảnh đặt trên phao để tiếp cận từ ngoài mặt nước vào bờ. Tôi không muốn ảnh hưởng tới cuộc sống tự do của chúng, khiến chúng e sợ mà rời đi", anh nói thêm.

Choắt mỏ thẳng đuôi vằn - loài chim thuộc cấp độ bảo tồn NT (Sắp bị đe dọa) (Ảnh: Nguyễn Hồng Huy)

Yêu các loài chim tại Sơn Trà, anh Huy tham gia Chi hội Nghiên cứu và Bảo tồn Chim hoang dã Việt Nam (VBCS), tích cực tuyên truyền về bảo vệ chim di cư, hạn chế săn bắt. 

Mỗi chuyến đi săn hình chim, điều anh Huy e ngại nhất là chứng kiến cảnh tượng người dân đặt bẫy, tìm cách săn bắt chim di cư. Khi anh Huy khuyên họ từ bỏ hành động này, nhiều người cho rằng anh lo việc bao đồng. "Có một số trường hợp, tôi và các thành viên trong Chi hội phải báo cáo và kết hợp cơ quan chức năng để có biện pháp răn đe, xử phạt hành chính, nhằm bảo vệ được các loài chim", anh cho biết.

Nhàn đen (trái) và cắt Amur đang săn mồi (Ảnh: Nguyễn Hồng Huy)

Hệ chim ở Sơn Trà đa dạng, từ các loài định cư như bói cá, hút mật, gà rừng, gà nước, sơn ca, hoét đá cho đến các loài di cư như chìa vôi núi, choắt mỏ thẳng đuôi vằn, mòng bể...

Mòng bể (Herring Gull), một loài chim di cư lần đầu tiên được ghi nhận tại vùng biển Đà Nẵng (Ảnh: Nguyễn Hồng Huy)

"Săn hình chim di cư là công việc đòi hỏi sự kiên trì, kì công và thậm chí là mạo hiểm. Tuy nhiên, tôi hy vọng những bức ảnh của mình có thể lan tỏa tới người dân Đà Nẵng, khách du lịch... ý thức bảo vệ chim hoang dã, trân trọng thiên nhiên", chàng trai chia sẻ.

Đàn cò trắng (Ảnh: Nguyễn Hồng Huy)