- "Có lần đang say sưa hát, em còn bị người ta ném trứng. Lúc cảm nhận những quả trứng bay vào người, vào mặt rồi vỡ ra, em tủi thân muốn khóc...".
Hơn một ngày sau đêm biểu diễn được ca sĩ Mỹ Tâm tặng hoa và song ca cùng bài "Sầu tím thiệp hồng", chàng trai khuyết tật Nguyễn Đức Mạnh (SN 1988) vẫn chưa hết xúc động.
Mạnh kể: “Em vừa hát xong một bài thì chị Mỹ Tâm lên sân khấu tặng hoa cho em. Chị khen em hát hay. Sau đó chị đề nghị song ca cùng em. Chị hỏi em hay hát dòng nhạc nào? Em nói em thích hát dòng nhạc Bolero. Thế là chị đề xuất bài “Sầu tím thiệp hồng”.
Nói thật, lúc đó em không biết chị là ca sĩ Mỹ Tâm. Hơn nữa, giọng nói của chị rất thân thiện và tình cảm, em không nghĩ một ca sĩ nổi tiếng lại có thể gần gũi đến vậy. Em ngỡ đó là một vị khách qua đường”.
Đức Mạnh song ca cùng Mỹ Tâm trong đêm Noel tại sân khấu ở đường Hoàng Cầu. Ảnh cắt từ clip |
“Em thấy chị hát rất hay. Lúc đó, em cảm nhận các khán giả đến xem em hát mỗi lúc một đông rồi cổ vũ, reo hò. Điều đó khiến em rất cảm động.
Đến khi kết thúc tiết mục biểu diễn, em mới biết đó là ca sĩ Mỹ Tâm - ngôi sao nổi tiếng trong làng giải trí. Em cứ ngồi ngẩn người với cảm giác xúc động và tự hào vô cùng…. Cả đêm hôm đó em không thể ngủ được” - Đức Mạnh xúc động nhớ lại.
Được biết, Nguyễn Đức Mạnh sinh năm 1988 (quê ở Đông Anh, Hà Nội). Chàng trai khuyết tật hiện là thành viên Đoàn nghệ thuật nhân đạo Thăng Long, Hội nạn nhân chất độc da cam TP Hà Nội.
Tâm sự với PV, Mạnh cho biết, em là con út trong gia đình có 5 anh, chị em. Bố mẹ em là nông dân. Tuy nhiên không được may mắn như các anh, chị của mình, Mạnh bị khuyết tật về mắt. Vì thế cả tuổi thơ và đến tận bây giờ em luôn có cảm giác tủi thân và tự ti về mình.
Đức Mạnh chia sẻ: "Cả đêm em không ngủ được vì hạnh phúc khi được hát cùng chị Mỹ Tâm". |
Sau khi học xong lớp 7 trường Nguyễn Đình Chiểu, Mạnh theo một đoàn hát tự do vào miền Nam kiếm sống. Nhưng cuộc sống mưu sinh quá khó khăn và vất vả nên Mạnh về lại quay về miền Bắc. Tại đây Mạnh được thầy Đỗ Trắc Lộc - Trưởng đoàn biểu diễn nghệ thuật nhân đạo Thăng Long nhận về đoàn.
“Mới sinh hoạt ở đoàn nghệ thuật Thăng Long được 2 năm nhưng em thấy rất gắn bó với nơi này. Các bạn ở đây hòa đồng, dễ gần và đùm bọc lẫn nhau. Bản thân em được đi hát mỗi tối, được thỏa mãn niềm đam mê âm nhạc và được mang tiếng hát đến với mọi người.
Đồng thời, cũng qua đó, em thấy mình tự lập khi có thể kiếm sống mà không cần dựa dẫm bố mẹ” - Mạnh nói.
Nguyễn Đức Mạnh tại Trung tâm nghệ thuật nhân đạo Thăng Long |
Tuy nhiên, khi được hỏi về những kỷ niệm buồn, giọng Mạnh chùng xuống. Em nói: “Có rất nhiều hành động của những người vô tâm khiến em tủi thân vô cùng”.
“Cũng vì không có điều kiện, hầu hết các sân khấu của chúng em đều được dựng ở ven đường. Nhiều người dân sống xung quanh không hài lòng, họ chạy đến to tiếng và đuổi chúng em đi.
Buồn hơn, có lần đang say sưa hát, em còn bị người ta ném trứng. Lúc cảm nhận những quả trứng bay vào người, vào mặt rồi vỡ ra, em thấy tủi thân muốn khóc. Tuy nhiên, em lại không thể khóc được. Em cứ đứng như trời trồng trên sân khấu, mất một lúc mới xuống được…”, Mạnh kể tiếp.
Các thành viên đoàn Nghệ thuật nhân đạo Thăng Long tập nhạc tại trung tâm |
“Thế nhưng ngoài những lúc đó, nhiều khán giả cũng khiến em thấy vui và tự hào vô cùng. Một lần, em đang hát thì có vị khán giả chạy lên sân khấu và giật mic của em. Sau khi giật mic xong, họ phát hiện em không hát nhép mà là hát thật. Họ xin lỗi và giải thích là do em hát giống ca sĩ. Lúc đó, em thấy cũng vui vì được khen hát hay...
Tuy nhiên, những niềm vui ấy vẫn chưa thấm vào đâu so với buổi biểu diễn hôm Noel vừa rồi. Đó là lần đầu tiên có nhiều khán giả đến xem và lắng nghe em đến vậy. Họ reo hò, cổ vũ cho em một cách nhiệt tình khiến em xúc động vô cùng…”.
Xem clip Mỹ Tâm song ca "Sầu tím thiệp hồng" cùng Đức Mạnh:
Ông Đỗ Trắc Lộc, Trưởng đoàn nghệ thuật nhân đạo Thăng Long, nơi Đức Mạnh đang sinh hoạt, cho biết: "Đoàn nghệ thuật nhân đạo Thăng Long trực thuộc Hội Nạn nhân chất độc da cam TP Hà Nội. Hiện tại, đoàn có 35 người, được chia thành 3 đội. Hai đội đi biểu diễn thường xuyên dưới sự cho phép của Sở Văn hóa, Hội nạn nhân Thành phố và chính quyền khu vực - nơi đặt sân khấu biểu diễn và một đội ở nhà học văn hóa, tập nhạc. Mỗi năm, ngoài việc lo ăn ở cho các cháu khuyết tật là thành viên của đoàn, Đoàn nghệ thuật Thăng Long còn trích được quỹ để đóng góp xây nhà tình thương cho các nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn khác theo tiêu chí "Lá lành đùm lá rách". |
Minh Anh