Tuổi thơ gắn liền với cơ khí và điện tử
Phùng Anh Tuân xuất thân từ một gia đình có bố làm về máy móc tự động hóa. Ngay từ nhỏ, Tuân đã có cơ hội được tiếp xúc với sản phẩm cơ khí, đồ điện, điện tử. Những thứ đó đã ngấm vào người cậu trong suốt những năm tháng tuổi thơ, và góp phần tạo nên niềm đam mê công nghệ bên trong chàng trai này, và dẫn lối Tuân thi đỗ vào trường Đại học Bách Khoa Hà Nội với chuyên ngành Công nghệ vật liệu.
Thành tích học tập của Tuân được cậu tự đánh giá là "không nổi bật", dù Tuân cho rằng những kiến thức thu lượm từ Đại học Bách Khoa đã giúp ích cho cậu khá nhiều với đam mê hiện tại. Thời điểm ấy, Tuân dành nhiều thời gian cho Robocon, sân chơi sáng tạo robot mà cậu gắn bó 2 năm liền, khi mà Đại học Bách Khoa Hà Nội là một "thế lực" với nhiều đội xuất sắc. Tuân thậm chí giữ vai trò đội trưởng của một đội Robocon, và năm đó đội thi của Tuân đã đạt được giải Nhất ở cấp trường và lọt vào vòng loại khu vực Miền Bắc.
Robocon với Tuân không phải là thành tích, cậu học được rất nhiều điều từ sân chơi này, kiến thức "thực chiến" thậm chí còn nhiều hơn là trên giảng đường. Tuân học được cách mất ăn mất ngủ cùng đồng đội để tạo ra những con robot có độ hoàn thiện cao nhất. Tuân học được cả cách "dân vận" phụ huynh tài trợ thêm cho đội có kinh phí hoạt động.
Ba tháng tự nghiên cứu và chế tạo robot, thêm hai tháng để chỉnh sửa và hoàn thiện, đội Robocon của Tuân gần như tự làm tất cả mọi thứ liên quan đến robot, từ cơ khí, điện tử cho tới lập trình. Nói cách khác, Robocon giúp Tuân rèn luyện được kỹ năng tự nghiên cứu, so với những kiến thức ở trường, mà theo Tuân là " hàn lâm, rất khó để áp dụng trực tiếp được vào những sản phẩm mình tạo ra".
Liên hệ giữa "Retrofit" với "Robocon", Tuân nhìn ra nhiều điểm tương đồng. "Nó cũng giống như khi thực hiện Retrofit một chiếc xe, ngoài tháo lắp cơ khí thì cũng cần hiểu về hệ thống điện của nó, vì nó liên quan đến điện, điện tử cũng như cần phải hiểu rõ về lập trình, hiểu về phần mềm hoạt động ra sao, hai cái đó liên quan khá mật thiết đến nhau".
Bén duyên với Retrofit
Tôi không phải là người am hiểu về độ xe, nên trước khi gặp Tuân, tôi lục tìm một số thông tin về món độ xe mà dân chơi gọi là “Retrofit”. Thuật ngữ này không quá mới mẻ với dân chơi xe hơi, nó xuất hiện ở nước ngoài cách đây nhiều năm. Trong các tài liệu chính hãng, Retrofit thường được hiểu là quá trình nâng cấp các option còn thiếu cho xe. Ở nước ngoài, trong các đại lý Mercedes-Benz, còn có cả các bộ phận riêng phục vụ cho các khách hàng có nhu cầu retrofit.
Tại Việt Nam, khái niệm này vẫn còn khá mới, bởi người ta quen sử dụng chung Retrofit với cụm từ “độ xe”. Độ xe thường được biết đến là việc lắp những món đồ phụ kiện không chính hãng, hoặc mang tính chất giải trí như đầu DVD, loa,… thậm chí khi lắp những món linh kiện Trung Quốc, vẫn được gọi là độ xe. Với khái niệm chung như vậy, Retrofit chưa thực sự phát triển tại Việt Nam, sau khoảng 2-3 năm du nhập, số lượng người hiểu biết về Retrofit vẫn khá hạn chế. Tuân là một trong số ít những con người đó.
Không phải Mercedes-Benz, cũng không phải xe hơi, thứ mà Tuân "Retrofit" đầu tiên là... máy bay! Tất nhiên, đây là một chiếc flycam, máy bay điều khiển từ xa. Với những kiến thức nền tảng khá vững chắc, cùng với sự yêu thích sẵn có, khi sở hữu bất kỳ một món đồ công nghệ nào, Tuân đều muốn tối ưu hóa tính năng sử dụng của nó.
Tuân đã tự mày mò và nâng cấp camera nguyên bản chiếc Phantom 2 Vision bằng chiếc GoPro Hero thế hệ mới với bộ phận chống rung và "độ" lại phần mềm giúp chiếc flycam trở nên hoàn thiện hơn nhiều.
Năm 2016, Tuân sở hữu xe Mercedes-Benz lần đầu tiên, một chiếc C 200 đời 2007 "không có gì để hỏng", với giá khoảng 600 triệu đồng. Đây cũng là sự khởi đầu cho niềm đam mê retrofit những chiếc xe Mercedes-Benz của Tuân. Sở hữu xe, chàng trai trẻ bắt đầu mày mò, lên các trang web và diễn đàn xe hơi nước ngoài để tìm hiểu về những trang thiết bị tiện nghi và an toàn. Khi đó, Tuân nhận ra rằng trên những chiếc xe Mercedes-Benz được mua tại Việt Nam, phần trang bị kém hơn rất nhiều so với những chiếc xe được mua ở nước ngoài.
Ở nước ngoài, người ta hoàn toàn có thể được lựa chọn những trang thiết bị tiện nghi an toàn khi mua xe, trong khi đó đại lý lại không cho phép làm điều này. Chính vì vậy, Tuân đã tìm đọc các tài liệu để xem chiếc xe của mình có thể nâng cấp lên tất cả các option mà mình muốn hay không. May mắn, Tuân khám phá ra một điều rất thú vị, tất cả các xe ở Việt Nam hay nước ngoài đều có thiết kế sẵn để có thể nâng cấp được.
Theo Tuân, có một thực tế là ở Việt Nam người ta không bao giờ bán một chiếc xe có đầy đủ tất cả các option, mà thay vào đó chỉ lựa chọn một số option mà nhiều người dùng quan tâm. "Ở Việt Nam có đến 3 phiên bản của dòng Mercedes-Benz C-Class, tuy nhiên ngay cả chiếc C 300 cao cấp nhất cũng không được trang bị tất cả những option an toàn mà các xe nước ngoài có", Tuân chia sẻ.
Đối với chiếc Mercedes-Benz C 200 đời 2007, Tuân đã thử nghiệm "nhẹ nhàng" với gói nâng cấp vô lăng và đầu DVD, với chi phí khoảng 100 triệu đồng. Một năm sau, Tuân lên đời chiếc Mercedes-Benz thứ 2, một chiếc C 250 đời 2012 với giá 800 triệu, và chi thêm hơn 100 triệu cho nhiều option lắp thêm hơn, như cảm biến áp suất lốp, đồng hồ và vô lăng AMG.
Chiếc Mercedes-Benz C 250 AMG mà Tuân đang đi là lần Retrofit gây "trầm trồ" nhất. Riêng tiền nâng cấp option của xe, Tuân đã “đốt” hết gần 600 triệu đồng, gồm nhiều trang bị tiện ích như Camera 360, Cốp điện, Đá cốp, Hiển thị kính lái HUD, và những option an toàn cao cấp nhất của xe Mercedes-Benz toàn cầu như: Tự giữ làn đường Active Lane Keeping Assist, Cảnh báo điểm mù chủ động Active Blind Spot Assist, Phanh khoảng cách hỗ trợ tự đánh lái Distronic Plus with Steering Assist, nhận diện biển báo giao thông và hàng loạt trang bị khác. Chiếc C250 AMG của Tuân có thể nói là một trong những chiếc C-Class nhiều option chính hãng nhất tại Việt Nam.
Dùng chính những chiếc xe của mình để khám phá Retrofit, chàng trai trẻ Phùng Anh Tuân tỏ ra khá tự tin rằng cậu đã có thể nâng cấp được tất cả các option mà trên thế giới có cho những chiếc xe Mercedes-Benz ở Việt Nam.
Tuy nhiên theo lời khuyên của Tuân, đừng "dại dột" mua một chiếc C 200 rồi nâng cấp lên cho giống C 300, vì chi phí cho Retrofit có khi còn cao hơn nhiều lần so với chênh lệch giá xe giữa 2 phiên bản. Những thứ mà Tuân khuyên mọi người nên nâng cấp, ví dụ trên C-Class, là những trang bị cao cấp vốn không có mặt trên các mẫu C-Class ở Việt Nam, như: cảnh báo áp suất từng lốp, giữ làn đường, cảnh báo điểm mù, phanh khoảng cách, hỗ trợ tự đánh lái,…
Không chỉ C-Class, với mọi dòng xe của Mercedes-Benz, Tuân đều thích thú nhất với việc Retrofit Gói hỗ trợ lái - Driving Assistant Package. Đây là option có đầy đủ 9 tính năng an toàn cho người lái như: Tự động phanh khẩn cấp, tự động ga, tự đánh lái, tự phát hiện người băng qua đường, tự phòng tránh va chạm… Theo Tuân, đây là một option vô cùng hữu ích cho các tài xế, bởi nó không những phòng tránh được va chạm, mà còn giúp người lái "nhàn" hơn nhiều khi điều khiển một chiếc xe, đặc biệt đối với những người thường xuyên lái xe đường dài.
Cái giá của theo đuổi đam mê
Để có đủ sự tự tin Retrofit cho các mẫu xe Mercedes-Benz "không phải của mình", Tuân đã tốn "học phí" khoảng 800 triệu đồng cho việc nâng cấp 3 đời xe Mercedes-Benz của bản thân. Bên cạnh đó là rất nhiều thời gian cậu dành cho nghiên cứu về Retrofit thông qua Internet và các diễn đàn về công nghệ xe ở nước ngoài, trong bối cảnh Tuân là một trong những người đi đầu trong phong trào làm Retrofit ở Việt Nam, không có nhiều cơ hội để gặp gỡ, giao lưu với những người cùng đam mê sở thích.
Tuân chia sẻ, hầu hết linh kiện để thay thế, lắp đặt phục vụ cho việc nâng cấp xe đều không có sẵn tại Việt Nam, nên để hoàn thiện một chiếc xe cần mất khá nhiều thời gian. Lâu nhất là khoảng thời gian order hàng từ nước ngoài, chờ đợi để nhận hàng. Các sản phẩm điện tử cũng có tỷ lệ lỗi nhất định, nếu không may đặt nhầm hàng lỗi, lại phải chờ đợi thêm vài tuần nữa. Với những chiếc xe độ các option đơn giản, Tuân thường thực hiện ngay tại Hà Nội, tuy nhiên với option phức tạp hơn, Tuân sẽ đưa về garage của anh trai tại Thanh Hóa để có nhiều thời gian nghiên cứu hơn.
Mặc dù công việc Retrofit cũng đem lại cho Tuân một nguồn thu đáng kể, tuy nhiên Tuân không có ý định "làm giàu" từ đây. Hiện cậu đang cùng bố mẹ và anh trai quản lý công việc kinh doanh của gia đình, còn Retrofit là niềm đam mê của Tuân, và đáp ứng nhu cầu cơ bản cho thú chơi xe của mình.
Tuy khẳng định sẽ khó giàu lên từ Retrofit, Tuân vẫn chia sẻ dự định sẽ mở ra một cửa hàng chăm sóc xe hơi, như một sân chơi cho những người có cùng sở thích, niềm đam mê về xe để giao lưu, trao đổi, chia sẻ thông tin và thậm chí tự tay chăm sóc cho những chiếc xe của chính họ. Tuân muốn mình không phải là một "thợ Retrofit", mà là một người truyền kinh nghiệm và cảm hứng cho những người chơi khác, đó mới là tham vọng của cậu sinh viên Bách Khoa đam mê công nghệ ngày nào.
Xa hơn, Phùng Anh Tuân mong muốn một ngày nào đó có thể tham gia vào ngành công nghiệp ôtô trong nước, với lĩnh vực chế tạo, cung cấp linh kiện ôtô "Made in Việt Nam". Hiện tại, Tuân đã và đang tìm hiểu về các sản phẩm phụ trợ để đưa ra lựa chọn phù hợp cho kế hoạch này.
"Tôi sẽ mua Mercedes-Benz E-Class trong năm nay, và sẽ tiếp tục Retrofit những gì tôi thích, những gì chiếc C-Class không làm được", Tuân đang tiếp tục hạnh phúc với đam mê của mình, với Retrofit và Mercedes-Benz.
Cậu tự tin rằng mình có thể sắp xếp hợp lý giữa công việc kinh doanh của gia đình, giữa đam mê nghiên cứu công nghệ và Retrofit, cũng như với mục tiêu tìm kiếm người bạn đời tương lai. Tuy nhiên như nhiều chàng trai kỹ thuật quá đam mê công nghệ, giữa mục tiêu sở hữu một chiếc Porsche và tìm kiếm người trong mộng, khó biết cái nào sẽ tới trước với Tuân.
Theo Zing
9x "phù phép hồi xuân" cho cô nàng Kia 20 năm tuổi
Một chiếc Kia Pride CD5 1999 được độ lại khá đặc biệt với chủ nhân là một người trẻ 9X tài năng và đam mê ô tô.