Từ sở thích cá nhân, Lê Nguyễn Khánh Trình (sinh năm 1984) quyết định khởi nghiệp bằng xà đơn. |
Bỏ công việc nhân viên ngân hàng ngày làm 8 tiếng với mức thu nhập ổn định, Lê Nguyễn Khánh Trình (sinh năm 1984) dấn thân vào khởi nghiệp và đang có những bước tiến đáng kể trong việc đưa sản phẩm của mình ra thế giới.
Cậu bé 1m53 lấy nhánh cây làm xà đơn
Cách đây 20 năm, khi cùng gia đình chuyển từ Nha Trang ra Hà Nội, Lê Nguyễn Khánh Trình bước vào năm học lớp 10. Ở môi trường mới, Trình tự ti về chiều cao 1m53 của mình nên quyết định tập xà đơn.
Không dám xin tiền mẹ để làm xà đơn, anh tập xà bằng nhánh cây mọc ngang trong vườn. Vỏ cây sần sùi, thô ráp khiến đôi tay anh đau rát.
Đến năm 24 tuổi, anh đạt chiều cao 1m67. Sau đó, dù không cao thêm được nữa, nhưng việc tập xà khiến anh hết đau mỏi lưng khi tính chất công việc của anh thường ngồi một chỗ.
Nhưng rồi một ngày, cơn bão lớn khiến nhánh cây xà đơn của anh bị gãy. Thời điểm ấy, để tìm được một bộ xà đơn trên thị trường phù hợp với nhu cầu sử dụng là rất khó khăn. Hầu như những chiếc xà mua về đều rung lắc rất mạnh với những người tập nhiều. Đó là lúc anh nảy ra ý tưởng tự thiết kế xà đơn, trước tiên là cho mình sử dụng.
Đến cuối năm 2008, anh bắt đầu thấy chán công việc ở ngân hàng đang mang lại cho anh thu nhập rất ổn định. Có những buổi sáng, khi dắt xe máy vào hầm để xe, anh đã tự hỏi mình: ‘Chẳng lẽ suốt đời mình sẽ như thế này sao?’.
Thời điểm đó, báo chí viết nhiều về những tấm gương khởi nghiệp thành công. Càng đọc, anh càng hừng hực khí thế phải làm một cái gì đó cho riêng mình. Câu hỏi ‘làm gì’, ‘bán gì’ khiến anh trăn trở suốt ngày đêm.
Ý tưởng thiết kế và sản xuất xà đơn quay trở lại với anh vào lúc này. Không có gì trong tay ngoài khát khao khởi nghiệp, anh phải học lại mọi thứ từ đầu, từ Vật lý phổ thông cho đến Cơ khí, Sức bền vật liệu…
Anh tham khảo các mẫu xà đơn trong nước và quốc tế để cải thiện những điểm hạn chế của các sản phẩm đã có trên thị trường như: không thể gấp gọn, chiều cao hạn chế, rung lắc...
Sau gần 2 tháng bắt tay vào nghiên cứu, sản phẩm đầu tay của anh đã ra đời. Anh vẫn còn nhớ, bố nói ‘thị trường khắc nghiệt lắm, chẳng dễ ăn đâu’. ‘Bố còn bảo, 'chắc 10 năm, mày không bán nổi 100 bộ'’ - anh cười khi nhớ lại.
Đưa sản phẩm ra thị trường nhưng không biết gì về marketing, anh chỉ biết đăng sản phẩm của mình lên các trang rao vặt. Sau khoảng 1-2 tuần thì anh bán được bộ xà đơn đầu tiên.
Nhưng như bố anh từng cảnh báo, khởi nghiệp không hề dễ dàng. Sản phẩm của anh bị các nhãn hàng khác ‘đe doạ’ vì giá rẻ hơn nhiều. Anh nghĩ tới việc đưa sản phẩm sang thị trường Mỹ. Việc đầu tiên anh cần phải làm là xin được bằng sáng chế để được bảo vệ độc quyền.
Hành trình bảo vệ bản quyền
Xà đơn của Khánh Trình đang có doanh số tốt trên Amazon. |
Công cuộc lấy được bằng sáng chế tại Mỹ của anh gian nan không kém gì việc ‘thai nghén’ đứa con tinh thần.
Tự tin với sự khác biệt của sản phẩm, anh dốc tiền thuê luật sư người nước ngoài tư vấn và nộp đơn đăng ký. Sau vài năm thẩm định hồ sơ, Văn phòng Sáng chế và Thương hiệu Hoa Kỳ (USPTO) từ chối cấp bằng sáng chế cho sản phẩm của anh. Họ cung cấp bằng chứng và hình ảnh của 14 sản phẩm mà họ cho là tương tự ở Mỹ và Thuỵ Sĩ, trong đó có cả sản phẩm được công bố từ năm 1902. Cảm xúc đầu tiên của anh là thấy ‘choáng’.
Sau lần thứ 2 tiếp tục bị từ chối, anh đổ hết hi vọng vào việc làm đơn phúc khảo. Khi chỉ còn đúng 1 tuần nữa là hết hạn nộp đơn, anh quyết định sẽ tự mình ‘cãi nhau’ với USPTO. ‘Tôi quyết định sẽ chứng minh một luận điểm bằng vật lý (phân tích lực) để họ thấy sản phẩm của chúng tôi là hoàn toàn khác’.
Một thời gian sau, anh nhận được thư trả lời của USPTO. Anh hồi hộp đến mức không muốn mở thư để đọc. Cuối cùng, bao nỗ lực của anh đã được đáp trả bằng lời chấp nhận.
Anh hầu như không bao giờ khoe thành công của mình lên mạng xã hội. Nhưng hôm ấy, anh đã không kìm nén được niềm vui sướng và chụp ảnh tấm bằng để đăng lên Facebook. Bạn bè, người thân vào chúc mừng anh nhưng ít ai biết được anh đã mất ăn, mất ngủ vì nó như thế nào.
Tính đến thời điểm hiện tại, anh đã nhận được bằng sáng chế của 5 quốc gia: Mỹ, Việt Nam, Úc, Nigeria và Nam Phi.
Mặc kệ những lời cười nhạo
Anh đã rất vất vả để lấy được bằng sáng chế của Mỹ cho sản phẩm của mình. |
Nhớ lại những ngày đầu, khi anh bảo mình khởi nghiệp bằng việc bán xà đơn, bạn bè ai cũng cười nhạo. Thậm chí, khi đã có những thành công nhất định, tham gia chương trình Shark Tank để gọi vốn, ‘tôi vẫn bị mọi người chế giễu’.
‘Mọi người nghĩ sản phẩm của mình quá đơn giản để gọi mức vốn đầu tư 5 triệu đô. Các ‘shark’ dùng từ ‘điên rồ’ và cho rằng mình đang đẩy giá’ - anh chia sẻ.
Nhưng bỏ qua những lời chỉ trích, ‘ném đá’ của cộng đồng mạng, anh vẫn quả quyết tin vào giá trị sản phẩm của mình. ‘Tôi không trách họ vì họ không trải qua quá trình làm ra nó’.
Hiện tại, xà đơn Khánh Trình đã được bán trên Amazon, tới tay khách hàng ở 45 quốc gia nhưng phần lớn vẫn là ở Mỹ. Doanh số mà thị trường Mỹ mang lại hiện là khoảng 1 tỷ đồng/tháng trong tổng doanh số 1,3-1,4 tỷ đồng. Các đại lý bán hàng của anh nằm rải rác từ Bắc vào Nam, cộng thêm 1 đại lý ở Colorado, Mỹ.
Giá của một bộ xà đơn ở trong nước dao động từ 1,5 tới gần 2 triệu đồng, trong khi sản phẩm bán trên Amazon có giá 6,7 triệu đồng do chi phí vận chuyển, quảng cáo cao hơn trong nước rất nhiều.
Mục tiêu trong thời gian tới của anh là nhắm tới thị trường Nga, Nhật Bản và tiếp tục kêu gọi vốn đầu tư để có những bước phát triển vượt bậc hơn nữa.
Đúc kết những kinh nghiệm của mình tới thời điểm này, anh cho rằng làm khởi nghiệp cần sự nỗ lực và ‘cháy’ hết mình với sản phẩm.
Anh khuyên các bạn trẻ yêu thích kinh doanh và khởi nghiệp nên xem một bộ phim của Mỹ mang tên ‘Người phụ nữ mang tên niềm vui’ - một bộ phim mà anh rất tâm đắc và đồng cảm. Bộ phim kể về một người phụ nữ tạo nên cơ nghiệp tỷ USD từ hai bàn tay trắng nhờ lòng quyết tâm và tư duy ‘làm cái đơn giản nhưng nhiều người cần’.
Chàng trai khởi nghiệp kiếm tiền tỷ năm nào cũng đi thi đại học
SN 1987, Nguyễn Văn Mão có sự nhạy bén với kinh doanh, chất lãng mạn của một nghệ sĩ thổi sáo và nhiều nét mơ mộng của một chàng sinh viên.
Nguyễn Thảo