Kết luận về đề xuất sửa luật Công an nhân dân, luật Sỹ quan quân đội nhân dân, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định, việc phong, thăng quân hàm cấp tướng đối với một số trường hợp đưa ra trong dự thảo luật phù hợp với với đặc thù của Công an, Quân đội.
Thủ tướng đã chính thức ký thông qua nghị quyết phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 3.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo Bộ Công an tại hội nghị công an toàn quốc tháng 12/2012. Ảnh: Minh Quang |
Trong số 7 dự án luật được đưa ra Chính phủ thảo luận, cho ý kiến khi đó, luật Công an nhân dân (sửa đổi) và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Sỹ quan Quân đội nhân dân được Chính phủ nhận định, về cơ bản, cả 2 dự án luật đã được chỉnh lý, hoàn thiện theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị.
Về việc phong, thăng quân hàm cấp tướng đối với một số trường hợp, Đại tướng Trần Đại Quang – Bộ trưởng Công an đề xuất cho ngành công an thêm một cấp hàm Đại tướng dành cho Thứ trưởng thường trực. Cùng với đó, Bộ Công an “xin” cho mỗi Tổng cục một cấp hàm Trung tướng dành cho Phó Tổng Cục trưởng phụ trách, song song với hàm Trung tướng dành cho Tổng Cục trưởng hiện nay.
Cơ quan soạn thảo cũng đưa vào dự thảo quy định GĐ Công an thành phố Hà Nội, TP.HCM mang cấp hàm Trung tướng. 3 thành phố trực thuộc TƯ khác là Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và 3 tỉnh có địa bàn rộng lớn, phức tạp là Thanh Hóa, Đồng Nai, Bình Dương được đề xuất cấp hàm Thiếu tướng dành cho GĐ Công an. GĐ Công an các tỉnh còn lại mang cấp hàm Đại tá.
Những đề xuất về việc phong, thăng quân hàm cấp tướng này được Chính phủ đánh giá là phù hợp với tính đặc thù của công an, quân đội.
Chính phủ thống nhất giao Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ tại phiên họp để chỉnh lý, hoàn thiện các quy định liên quan của 2 dự thảo luật để bảo đảm sự tương quan, cân đối giữa 2 lực lượng.
Theo Dân trí