Theo Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN), mẫu nghi xăng được lực lượng chức năng tỉnh Hưng Yên gửi phân tích là một loại chất mới, tới nay cũng chưa xác định được, dù có một số tính chất như xăng.

Chiều 5/4, trao đổi với Tiền Phong, ông Trần Văn Vinh - Tổng cục trưởng Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết: Ngay khi nhận được mẫu và yêu cầu của Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) tỉnh Hưng Yên, Tổng cục đã yêu cầu ngay Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng I phân tích. Kết quả cho thấy, các chỉ tiêu cơ bản của mẫu là xăng. 

Nhưng có 2 chi tiêu ngoài quy chuẩn của Việt Nam là hàm lượng chì gấp khoảng 80 lần quy định, và chỉ số Octan không thể xác định được. “Trên cơ sở ngoại suy, chúng tôi xác định được hàm lượng Octan khoảng 108 – đây là hàm lượng rất cao. Vì vậy, chúng tôi kết luận dung dịch này chưa biết rõ là gì nhưng có tính chất như xăng. 

“Không loại trừ nước nào đó nghiên cứu chất mới rồi nhập về Việt Nam để thử nghiệm, điều đó không chấp nhận được”.  

 Ông Trần Văn Vinh 

Tổng cục trưởng Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng  (Bộ KH&CN).

Chúng tôi đang yêu cầu so sánh với các quy chuẩn trong nước và quốc tế để xác định chất đó là gì”, ông Vinh nói. Theo ông Vinh, nếu là xăng máy bay, hoặc xăng thông thường đều có quy chuẩn cụ thể, nhưng chất thu giữ được không đạt những quy chuẩn của xăng lưu thông trên thị trường.

Theo ông Vinh, đây là lần đầu tiên các đơn vị nghiệp vụ của Tổng cục gặp và phân tích chất này. “Đây là một chất mới, giờ phải xác định đó là chất gì, hay một chất mới được nghiên cứu và nhập về Việt Nam. Thậm chí, không loại trừ nước nào đó nghiên cứu chất mới rồi nhập về Việt Nam để thử nghiệm, điều đó không chấp nhận được”, ông Vinh nói. Ông Vinh cũng dự đoán, có thể chất này được dùng để pha chế xăng dầu, nếu vậy sẽ rất nguy hiểm, vì có nguy cơ ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe con người (do làm lượng chì rất cao), nguy hại cho máy móc (gây chết máy, cháy nổ xe do hàm lượng Octan rất cao)…

Theo báo cáo của Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng I, trung tâm này nhận định: Có thể mẫu hàng trên đã được pha thêm phụ gia có chì để tăng trị số Octan của xăng.

{keywords}

Chiếc xe bồn chở gần 9.000 lít xăng nghi là xăng máy bay không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Ảnh: Cơ quan chức năng cung cấp

Ông Trần Hùng, Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cho biết, ngay khi nhận được báo cáo của Ban chỉ đạo 389 tỉnh Hưng Yên, Ban Chỉ đạo đã yêu cầu điều tra lại để làm rõ. “Chúng tôi chưa nhất trí với cách xử lý chỉ phạt hành chính của địa phương, vì xử lý như vậy có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm khi chỉ căn cứ lời khai của lái xe. Giờ phải làm rõ nguồn gốc số hàng từ đâu, có đường dây hay không, nếu ở quân đội thì đơn vị nào? Nếu là từ trong quân đội phải phối hợp để xử lý, ông Hùng nói.

Trước đó, tại cuộc họp ngày 16/3, giữa Phòng An ninh kinh tế (Công an Hưng Yên) và Chi cục Quản lý Thị trường tỉnh Hưng Yên, đã thống nhất: Hành vi mua bán 8.815 lít nghi là xăng của Trần Mạnh Tiến và Đặng Minh Tâm chưa đủ cấu thành tội phạm. Đây chỉ là hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu nên thống nhất xử phạt hành chính.

Như Tiền Phong đã đưa tin, tối 4/3/2016, đường dây nóng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia nhận được cuộc gọi tố giác hành vi móc nối bơm hút xăng dùng cho máy bay tại khu vực Cty TNHH MTV 165 (thuộc Tổng Cty Xăng dầu Quân đội, tại thị xã Mỹ Hào, Hưng Yên) đưa ra ngoài tiêu thụ. Ngay sau đó, các lực lượng chức năng tỉnh Hưng Yên đã kiểm tra xe téc biển số 29C-391.61, phát hiện xe bồn này vận chuyển hơn 8.815 lít xăng không có hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

(Theo Tiền phong)