- Chính sách ngoại giao ngày một quả quyết trong việc tuyên bố chủ quyền tại các vùng biển tranh chấp (Biển Đông, Hoa Đông) của Trung Quốc, cuộc biểu tình của phe Áo đỏ làm tê liệt Bangkok, bán đảo Triều Tiên bên miệng hố chiến tranh… Châu Á đã trải qua một năm của những đụng độ, căng thẳng, chia rẽ nhiều hơn là hòa giải…

Ngoại giao “quả quyết”

Năm năm với những tuyên bố thực hiện chính sách ngoại giao cùng có lợi, gia tăng hòa bình và xã hội hòa hợp đã nhanh chóng trôi qua. Theo giới phân tích, trong năm 2010, Trung Quốc dường như đã có chọn lựa sai lầm trong chính sách ngoại giao: Đầu năm là những mắc mớ với Google, khiến hai bên Mỹ - Trung lời qua tiếng lại; hạn chế xuất khẩu đất hiếm (thậm chí còn có thời gian ngừng xuất khẩu đất hiếm sang Nhật); tranh cãi chủ quyền với các nước Đông Nam Á đặc biệt với việc đưa ra cái gọi là “lợi ích cốt lõi” với khu vực Biển Đông; yêu cầu xin lỗi từ Nhật Bản và Hàn Quốc về các vụ đụng độ ở khu vực đảo tranh chấp…


Tuy nhiên, thời gian gần đây, có những dấu hiệu cho thấy, Trung Quốc đã “giảm âm lượng” trong sự ủng hộ với Triều Tiên, thúc giục Bình Nhưỡng chấp nhận các thanh sát viên hạt nhân và kiềm chế trong phản ứng với Hàn Quốc. Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã nhận lời mời từ Tổng thống Mỹ Obama tới Washington ngày 19/1, có một bữa tiệc tối chính thức cùng lịch trình gặp gỡ ở phòng Bầu dục với nỗ lực “khôi phục hình ảnh”.

Người ta hy vọng về sự khởi đầu của một xu hướng mới.

Nước Mỹ trở lại

Những bước đi sai lầm của Trung Quốc (trong chính sách đối ngoại kể trên) đã mở đường để Mỹ trở lại “ấn tượng” hơn tại châu Á. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Obama đã nhanh chóng phản ứng với sự quan ngại ngày một lớn của khu vực về việc Trung Quốc không ngừng tăng cường sức mạnh quân sự.

Tổng thống Mỹ Obama, Ngoại trưởng Hillary Clinton, Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates đã đi khắp Đông, Nam và Đông Nam Á để củng cố những mối quan hệ cũ và thiết lập các quan hệ mới.

Một số nhà phân tích Trung Quốc chỉ trích Mỹ làm xói mòn quan hệ của Trung Quốc trong khu vực. Nhưng ngược lại, không ít nhà quan sát cho rằng, chiến lược của Mỹ không phải là vấn đề, tâm điểm nằm ở chính chính sách ngoại giao của Trung Quốc và chính sách ấy cần cân nhắc.

Cuộc khủng hoảng Triều Tiên

Trong khi các nhà phân tích bên ngoài cố gắng dự đoán, đưa ra những phân tích tình hình, thì bán đảo Triều Tiên lại đi từ cuộc khủng hoảng này tới cuộc khủng hoảng khác. Trong tháng 3, tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc chìm, làm 46 thủy thủ thiệt mạng. Một tổ điều tra quốc tế đưa ra kết luận là do ngư lôi Triều Tiên. Bình Nhưỡng phủ nhận mạnh mẽ việc này.

Tháng 11, Bình Nhưỡng tiết lộ một cơ sở làm giàu uranimum mới. Và cuối tháng ấy, quân đội Triều Tiên đã nã pháo vào đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc làm bốn người tử nạn, trong đó có hai dân thường. Người ta đặt ra dự đoán các hành động của Triều Tiên có liên quan tới quá trình chuyển giao quyền lực từ Chủ tịch Kim Jong-il cho con trai út là Kim Jong -un hoặc là chiến lược để Bình Nhưỡng đưa Mỹ quay lại bàn đàm phán. Mỹ và Hàn Quốc tiến hành các cuộc tập trận chung, không chỉ làm Triều Tiên phải đưa ra lời đe dọa trả đũa, mà còn khiến Trung Quốc cũng không vừa lòng khi coi các cuộc tập trận chung ấy sẽ gây bất ổn trong khu vực.

Tia hy vọng nối lại đàm phán sáu bên vẫn nhen nhóm khi Trung Quốc đưa ra đề xuất và gần đây nhất, Tổng thống Hàn Quốc đã khẳng định, cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên chỉ được giải quyết thông qua hội đàm.

Con đường của Ấn Độ

Tổng thống Mỹ Obama tới New Delhi với tuyên bố quan hệ Mỹ - Ấn là một trong những “định nghĩa đối tác của thế kỷ 21”. Mỹ cam kết ủng hộ Ấn Độ có một ghế tại Hội đồng Bảo an, hai nước nhất trí hợp tác gần gũi hơn trong hàng hải, năng lượng mới và các vấn đề khai thác mạng Internet. Vị thế của Ấn Độ không ngừng được mở rộng. Tuy nhiên, câu chuyện lớn nhất vẫn là các vấn đề nội địa. Bất ổn tại Kashmir, đặc biệt là nạn tham nhũng đã khiến người dân không ít bất bình. Thông tin hàng ngày được tiết lộ về hối lộ, lạm dụng quyền lực, tư túi ngân quỹ công đã làm tê liệt quốc hội Ấn Độ và nhấn chìm đảng Quốc đại vào cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất từ nhiều năm nay.

Những ông trùm với nhiều bạn hữu ở vị trí cao. Nhân viên công quyền hành xử sai quy tắc. Hàng chục tỉ USD tổn thất cho ngân khố. Bộ trưởng nội các bị cáo buộc và cả Thủ tướng cũng bị chỉ trích. Bê bối đã làm lu mờ hình ảnh của Thủ tướng Singh, được coi là chính khách chính trực và “sạch” nhất Ấn Độ. Ông không liên quan tới bất kỳ sai phạm nào nhưng hình ảnh của ông như một nhà quản lý giỏi giang đã bị phá hỏng khi ngày càng có nhiều chỉ trích về các thành viên trong nội các.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, các vụ bê bối sẽ là phép thử lớn với sự quản lý của Ấn Độ, và để đo lường việc hệ thống có thể có những biện pháp trừng phạt thế nào với hành động sai phạm.

Tương lai bất định của Thái Lan

Những người biểu tình Áo đỏ, phần lớn tới từ khu vực nông thôn, nhưng cũng được sự ủng hộ của tầng lớp lao động thành thị, đã chiếm giữ một khu vực lớn ở trung tâm Bangkok, trong cuộc biểu tình phản đòi giải tán quốc hội, tổ chức bầu cử mới.

Sau vài tháng thương lượng, chính phủ Thái Lan đã tiến hành một cuộc trấn áp người biểu tình, chấm dứt tình trạng tê liệt hoạt động tại thủ đô. Kết quả: ít nhất 90 người đã thiệt mạng, người biểu tình giải tán, nhiều lãnh đạo Áo đỏ bị bắt giữ, tình trạng khẩn cấp được ban bố.

Chính phủ Thái đang bắt tay vào thực hiện một kế hoạch hòa giải dân tộc, nhưng chính họ cũng phải thừa nhận rằng quá trình hòa giải sẽ không hề dễ dàng.

Cuộc chơi quyền lực thay đổi?

Ít nhất một thập niên, chi tiêu quốc phòng Trung Quốc tăng ở mức hai con số. Chính quan chức Trung Quốc còn “bóng gió” rằng, họ có thể ra mắt tàu sân bay đầu tiên trong năm tới. Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, đô đốc Robert Willard đã xác nhận rằng, tên lửa Đông Phong - 21D (tên lửa mang biệt danh sát thủ tàu sân bay) của Trung Quốc đã hoàn thành “khả năng vận hành ban đầu”, những hình ảnh về J-20, một loại máy bay chiến đấu mới tràn ngập trên Internet.

Chưa rõ ý định của Trung Quốc cũng như khả năng thực tế của các loại vũ khí này, nhưng nguy cơ tiềm ẩn của một cuộc chạy đua vũ trang sẽ khiến các nhà lãnh đạo trong khu vực sẽ phải rất nỗ lực để đưa châu Á trở lại đúng hướng.

Chào 2011

Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, ASEAN và những phần còn lại của châu Á sẽ phải cùng nỗ lực, vì mục tiêu một khu vực ổn định, hòa bình và thịnh vượng. Không ai mong muốn châu Á chìm vào những căng thẳng triền miên, hay bùng nổ xung đột. Câu hỏi “làm thế nào” sẽ tiếp tục là thách thức.

Với những người chơi chính trong khu vực, một số quy tắc có thể chấp thuận được trên con đường phát triển chung sẽ không còn dễ dàng như trong quá khứ.

  • Thụy Phương