Trong bài phát biểu tại Học viện Hải quân Mỹ ở Annapolis, Maryland, Ngoại trưởng H.Clinton khẳng định, không có sự thay thế nào cho sức mạnh của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton. Ảnh: AP |
Bà Clinton còn thừa nhận những căng thẳng với Trung Quốc khi trích dẫn cái mà bà gọi là “các vụ xâm nhập không gian mạng”. Ngoại trưởng Mỹ bác bỏ những lo ngại tồn tại trong khu vực rằng, đề cập tới vai trò lãnh đạo của Mỹ là chủ yếu bảo vệ những đặc quyền phương Tây.
Khẳng định Mỹ không tìm cách hành động trong mối xung đột với một Trung Quốc trỗi dậy, Ngoại trưởng Clinton nói, nước bà đang chuẩn bị cho những thách thức an ninh mới chứ không phải Chiến tranh lạnh ở châu Á.
Phủ nhận rằng Mỹ muốn ngăn chặn sự gia tăng của Trung Quốc như một cường quốc trỗi dậy, bà Clinton nói, Mỹ không mất đi những người bạn cũ và không tìm kiếm những kẻ thù mới. Bà phát biểu: “Trung Quốc không phải là Liên Xô và chúng ta không ở bên bờ vực một cuộc Chiến tranh Lạnh mới tại châu Á”.
"Địa chính trị ngày này có thể không còn là cuộc chơi có tổng bằng 0. Một Trung Quốc thịnh vượng là tốt cho Mỹ và ngược lại, miễn là cả hai chúng tôi phát triển theo hướng đóng góp những điều tốt đẹp cho khu vực và toàn cầu. Hãy để tôi nói rõ hơn. Chúng ta sẽ chỉ xây dựng thành công một châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, thịnh vượng nếu chúng ta thành công trong việc xây dựng một mối quan hệ Mỹ - Trung hiệu quả”.
Theo Ngoại trưởng Mỹ, có một số cường quốc mới nổi ở châu Á đang hành động như những người chơi có chọn lọc. Bà cảnh báo điều này sẽ không có lợi cho họ về lâu dài. "Một số cường quốc đang trỗi dậy hôm nay ở châu Á đang hành động như những người chơi có chọn lựa, chọn lựa khi tham gia xây dựng và khi tách rời khỏi hệ thống quốc tế”. Bà nhấn mạnh, họ cần làm việc với nhau để thích nghi và tự nâng cấp mình, thậm chí tạo ra các thể chế mới nếu cần thiết.
Bà cho rằng, có những nguyên tắc phổ biến và cần được bảo vệ: các quyền tự do căn bản và giá trị con người; một hệ thống kinh tế mở, tự do, minh bạch và công bằng; giải pháp hòa bình cho các tranh chấp và tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia.
Ngoại trưởng Mỹ nói, các nước đang trỗi dậy ở châu Á - Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia - đã có thể phát triển thịnh vượng nhờ vào một hệ thống quốc tế được Mỹ hỗ trợ.
Mỹ sẽ “thẳng thắn”
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã coi châu Á là tâm điểm trong chính sách đối ngoại của ông và mối liên quan tự nhiên trong quan hệ Mỹ - châu Á đã nhấn mạnh tầm quan trọng của chiến lược “xoay trục” mà Washington đang hướng về khu vực, bà Clinton khẳng định.
Theo bà, xuất khẩu sang châu Á là điều sống còn với sự phục hồi kinh tế Mỹ và tiếp cận người tiêu dùng trong tầng lớp trung lưu đang ngày một phát triển của khu vực là trọng tâm để tăng trưởng. “Định dạng kinh tế toàn cầu, sự tiến bộ trong dân chủ và nhân quyền cũng như hy vọng của chúng ta về một thế kỷ 21 ít đẫm máu hơn thế kỷ 20… tất cả xoay quanh phần lớn những gì xảy ra ở châu Á - Thái Bình Dương”, Ngoại trưởng Mỹ nói.
Triều Tiên và các vấn đề an ninh khác sẽ tiếp tục thúc đẩy Mỹ tham gia nhiều hơn trong khu vực. Kế hoạch phóng tên lửa tầm xa của Bình Nhưỡng nếu được thực hiện, sẽ là hành động vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an và đặt nhiều nước láng giềng vào sự nguy hiểm, bà Clinton cho biết.
Chỉ vài tuần sau khi Triều Tiên nhất trí hoãn các vụ thử hạt nhân và tên lửa, bà Hillary nói, thì “tốc độ thay đổi” của họ đã đặt ra những câu hỏi về sự nghiêm túc khi Bình Nhưỡng tuyên bố muốn cải thiện quan hệ với Mỹ và láng giềng. “Lịch sử gần đây cho thấy một cách mạnh mẽ rằng, các hành động khiêu khích hơn nữa có thể tiếp tục diễn ra sau đó”, bà cảnh báo.
Ngoại trưởng Clinton tuyên bố, Mỹ sẽ tiếp tục “rất thẳng thắn” về các lĩnh vực còn căng thẳng, chẳng hạn tấn công mạng đe dọa kinh tế và an ninh quốc gia. Bà cho rằng: “Vì Mỹ và Trung Quốc là những nước có không gian mạng lớn nhất toàn cầu, nên việc thiết lập các thực tiễn rõ ràng và được thừa nhận trong không gian mạng là điều rất quan trọng”.
Ngoại trưởng Mỹ khẳng định sự cần thiết có một mạng lưới chặt chẽ trong khu vực của các tổ chức, như Thượng đỉnh Đông Á, nhằm thực thi các quy định và giải quyết tranh chấp bao gồm cả cạnh tranh tuyên bố chủ quyền ở vùng giàu tài nguyên dầu khí là Biển Đông.
Các thỏa thuận như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương gồm 9 thành viên cũng tạo ra một sân chơi kinh tế cho phép “một nền kinh tế Thái Bình Dương hội nhập luôn luôn cởi mở, minh bạch, công bằng”, bà nói.
Hệ thống kinh tế quốc tế với những quyền tự do căn bản khiến các cường quốc đang trỗi dậy như Ấn Độ và Trung Quốc sẽ phải bảo vệ khi họ có được vị thế lớn hơn, Ngoại trưởng Clinton nhấn mạnh. “Họ đã hưởng lợi từ an ninh mà nó cung cấp, những thị trường mà nó mở ra và lòng tin mà nó thúc đẩy. Kết quả là, họ có phần thực sự trong thành công của hệ thống ấy, và khi sức mạnh của họ phát triển, khả năng đóng góp mở rộng thì thế giới mong chờ sự gia tăng của họ sẽ là tốt đẹp”.
Thái An (theo Bloomberg, Zeenews)