Việc chuyển hướng chính sách đối ngoại Mỹ sang châu Á được khởi xướng từ thời người tiền nhiệm của ông Kerry, bà Hillary Clinton. Năm 2009, bà đã thực hiện chuyến công du đầu tiên tới khu vực này trong vai trò Ngoại trưởng. Hai năm sau, bà tuyên bố, thế kỷ này là "Thế kỷ Thái Bình Dương của Mỹ".
Trong vài tháng qua, đã có không ít hoài nghi về việc liệu Mỹ còn sẵn sàng và đủ khả năng tiếp tục thực thi những cam kết tại châu Á. Ernest Bower và Noelan Arbis, cố vấn cấp cao tại Viện Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (ISIS) nói: "Những đối tác trong khu vực đặt câu hỏi về tính bền vững và mức độ cam kết của chiến lược tái cân bằng khi dường như ông Kerry đặt ưu tiên vào cuộc xung đột Syria và tái khởi động tiến trình hòa đàm Israel - Palestine kể từ khi ông đảm nhận chức vụ ngày 1/2".
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tham dự Diễn đàn Khu
vực ASEAN. Ảnh: Getty Images |
Tuy nhiên, Ngoại trưởng mới của Mỹ đã có cách tiếp cận khác tại Diễn đàn khu vực ASEAN năm nay diễn ra ở Brunei. Trong buổi khai mạc, ông Kerry nhấn mạnh rằng, Mỹ sẽ tiếp tục con đường của mình với châu Á - Thái Bình Dương và "đảm bảo sự hiện diện lâu dài trong mọi khía cạnh".
Ra đời năm 1994, Diễn đàn Khu vực ASEAN gồm 27 thành viên. Các cuộc gặp diễn ra hàng năm quy tụ 18 thành viên hội nghị thượng đỉnh Đông Á, trong đó có Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Nga, Hàn Quốc, Mỹ cũng như các nước thành viên ASEAN. Giới phân tích cho rằng, ông Kerry dường như theo đuổi chiến lược đã được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đưa ra tại Đối thoại Shangri-La tháng trước. Khi đó, ông Hagel nhấn mạnh: "Sự thật là Bộ Quốc phòng sẽ có giảm đi ít nguồn lực. Nhưng sẽ không khôn ngoan và thiếu thận trọng khi kết luận rằng, các cam kết tái cân bằng của chúng tôi là không thể duy trì và bền vững".
Theo Bower và Arbis, các thách thức chiến lược mà Mỹ phải đối mặt là khá đa dạng: từ tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, Hoa Đông tới chương trình hạt nhân Triều Tiên và bất ổn ở Myanmar. Cách tiếp cận của Mỹ với tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông được coi là ví dụ tốt cho điều này. Tại Brunei, ông Kerry phát biểu: "Chúng tôi có mối quan tâm mạnh mẽ trong việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông cũng như trong cách ứng xử của các bên. Chúng tôi rất hy vọng sẽ chứng kiến tiến triển về bộ quy tắc ứng xử để góp phần đảm bảo ổn định trong khu vực quan trọng này".
Cùng lúc đó, ông Kerry khẳng định, Mỹ sẽ không liên quan tới tranh chấp cụ thể nào, và thay vào đó là thúc đẩy các quy định quốc tế. "Hành động của chúng tôi không nhằm kiềm chế hay đối trọng với bất kỳ nước nào", ông cho biết.
Thái An (theo Deutsche Welle)