Hiện tượng của 2011 kéo sang đầu 2012
Dự kiến ngày 15/1 nguyên nhân cháy xe sẽ được công bố, theo thông tin do ông Phan Minh Tân, Giám đốc Sở KH-CN TP.HCM cung cấp mới đây. Tuy nhiên, bản thân ông Tân cũng thừa nhận, trong một thời ngắn khó có thể tìm ra nguyên nhân một cách chính xác.
Trong khi đó, người dân càng thêm hoang mang khi vừa sang năm mới, hàng loạt vụ cháy xe lại xảy ra. Gần đây nhất, chỉ trong vòng 12 tiếng, từ 15h chiều 10/1 đến rạng sáng 11/1, đã có ít nhất 3 vụ cháy xe tại Hà Nội và TP. HCM, trong đó 1 vụ khiến tài xế taxi bỏng nặng.
Những vụ cháy xe đầu 2012 nối dài chuỗi tình trạng cháy xe đã trở thành hiện tượng bất thường của năm 2011, mà đa phần chưa điều tra được nguyên nhân.
Theo Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, CATP. Hà Nội, từ đầu tháng 12/2010 đến ngày 18/12/2011, riêng tại Hà Nội xảy ra 42 vụ cháy ô tô, xe máy.
Còn qua báo chí, trong năm 2011, cả nước đã ghi nhận 89 trường hợp tương tự (trong đó ôtô cháy 50 xe, xe máy cháy 39 vụ) gây thiệt hại nặng nề về tài sản; đồng thời làm 2 người chết, 2 người bị thương.
Chỉ một số ít các trường hợp cháy nổ ô tô, xe máy hiện đã xác định được nguyên nhân. Khoảng hơn 50% số vụ còn lại vẫn chưa được làm rõ.
Các nguyên nhân xác định được bao gồm: chập điện; va chạm, hỏa hoạn tại khu để xe, ống xả tiếp xúc với vật dễ cháy...
Về nguyên nhân cháy nổ xe máy, còn đến 72% số vụ việc (chiếm 31 trường hợp) hiện vẫn chưa xác định được.
Đối với ô tô, số vụ chưa xác định được nguyên nhân cũng chiếm tỷ lệ khá cao, lên tới 50% với 25 trường hợp.
Đại diện một đơn vị thuộc Bộ Công an cho biết, từ tháng 1 đến tháng 10/2011, trung bình cứ mỗi tháng xảy ra 03 vụ cháy xe, riêng tháng 12/2011 có tới 18 vụ, tăng hơn 6 lần.
Các xe máy bị cháy phần lớn thuộc hãng Honda với các dòng xe như Air Blade, SH, Dream, Dylan và Wave, khiến dư luận ban đầu hướng nghi ngờ về chất lượng xe của hãng này.
Tuy nhiên, sau đó hàng loạt vụ cháy xảy ra không chỉ với xe thương hiệu Honda mà còn với một số hãng khác (như Yamaha, SYM...), không chỉ xe máy mà cả ô tô (như Chevrolet Lacetti, Kia Morning, Ford Escape...).
Hàng loạt vụ cháy xe máy, ô tô xảy ra thời gian qua gây hoang mang |
Một số nguyên nhân đã được đặt ra, chẳng hạn việc "độ xe", hay chuột phá hoại, chất lượng hãng xe, quá tải điện.... Tuy nhiên các nguyên nhân trên không đủ thuyết phục, bởi tại sao trong vòng hơn một năm lại đây hiện tượng này mới trở nên phổ biến như vậy?
Một nguyên nhân được nhiều người đồng tình là vấn đề có thể nằm ở chất lượng xăng.
Nghi ngờ này càng được khẳng định khi Báo Thanh niên vừa mới đây công bố loạt bài gây chấn động về nạn "pha chế xăng". Theo đó, đây không phải là một hiện tượng nhỏ lẻ mà đã hình thành "quy trình", đường dây chuyên nghiệp.
Theo thông tin Thanh niên đưa, trên đường vận chuyển xăng từ doanh nghiệp đầu mối đến cây xăng, các xe bồn ghé vào một "bãi đáp". Tại đây, người ta cắt niêm phong các hầm chứa xăng, rút bớt xăng ra rồi bơm một chất lỏng khác vào.
Tuy nhiên, đây không phải là "cú sốc" lớn đầu tiên. Mới đây ngày 29/12/2011, Cục Quản lý chất lượng, Bộ KH&CN gửi công văn gửi hỏa tốc tới các cơ quan báo chí thông tin về 1 cây xăng không đạt tiêu chuẩn tại Hà Nội.
Kết quả kiểm nghiệm cho thấy, hàm lượng ôxy thực tế tại cây xăng này chiếm 8,8% khối lượng (theo tiêu chuẩn là 2,7%), cao hơn 3 lần mức quy định. Trong khi, hàm lượng methanol trong xăng lên tới 15,3% thể tích (theo tiêu chuẩn là 0,5% thể tích), gấp tới 30 lần tiêu chuẩn cho phép.
Trước đó, cú "sốc" đầu tiên cho người tiêu dùng xăng dầu là ngày 30/11/2011, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Sở Khoa học Công nghệ Tp HCM bất ngờ công bố danh tính 11 cây xăng vi phạm về chất lượng xăng dầu.
Xăng ở các cây xăng này đều có trị số octan thấp hơn so với quy định. Ví dụ, cửa hàng treo biển bán xăng A92 nhưng chỉ số octan chỉ hơn 83, hay nói cách khác là bán ruột xăng A83.
Khó có lời giải thỏa đáng
Trên các phương tiện truyền thông, một số người cho rằng xăng bị pha các chất dễ cháy như cồn methylic (còn gọi là methanol trong vai trò nhiên liệu), acetone, xăng A83, tạp chất kim loại trong methanol như kali, natri... là những nguyên nhân gây cháy xe. Trong đó, đáng chú ý là 2 chất methanol và acetone.
Năm 2006, ở nước ta đã rộ lên một thời gian về loại xăng pha acetone. Đã có hàng trăm xe máy bị hỏng van cao su trong bộ chế hòa khí.
Còn về xăng pha methanol, theo Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng I , chất này là dung môi gây ăn mòn, làm phá hủy nhanh các kết cấu bằng cao su và nhựa. Nếu hàm lượng này vượt quá mức quy định cho phép có thể dẫn tới hiện tượng rò rỉ, cháy nổ xe.
Tuy nhiên, những phát hiện này không đồng nghĩa với việc chứng minh được hàm lượng acetone, methanol cao hay sử dụng xăng A83 sẽ dẫn đến cháy nổ xe. Chẳng hạn, đến nay, trong các tài liệu tham khảo liên quan, không thấy tài liệu, văn bản nào nói đến nguy cơ gây cháy, nổ khi dùng hỗn hợp nhiên liệu xăng - methanol. Hay năm 2006, cũng chưa phát hiện vụ cháy xe nào có liên quan đến hiện tượng pha acetone.
Thêm vào đó, trong các vụ cháy nổ xe (ví dụ như xe Atila bị cháy ở phố Thái Hà, Hà Nội, hoặc xe bị cháy ở Đà Nẵng), kết quả phân tích mẫu xăng còn xót lại không cho thấy dấu hiệu nào bất thường.
Đối với vụ việc "pha chế" xăng do báo Thanh niên phát hiện, chiều nay 12/1, ông Hoàng Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Tiêu chuẩn đo lường, chất lượng khu vực 3 (Trung tâm 3) cho biết kết quả kiểm nghiệm mẫu xăng lấy từ cây xăng do xe bồn "ăn cắp" xăng chở đến cũng không có dấu hiệu bất thường.
Với kết quả trên, các chuyên gia Trung tâm 3 nghi ngờ có thể mẫu được lấy đem đi phân tích không chuẩn. Bên cạnh đó, mẫu chất lỏng được pha chế vào xăng tại các "bãi đáp" cũng chưa thu thập được.
Hàng loạt vấn đề còn tồn tại khiến người dân có thể hoài nghi về việc sớm có những kết luận khoa học thỏa đáng lý giải nguyên nhân cháy xe bất thường thời gian qua.
Hải Tâm (tổng hợp)
Chất chiết từ cây thông tăng cường trí nhớ
Từ những cây thông trang trí Lễ Giáng sinh và năm mới, các nhà khoa
học đã phát hiện được một công dụng mới, khác hẳn: Làm thuốc.
Còn hàng tỷ hành tinh giống Trái đất
Có tới 10 tỷ ngôi sao trong dải Ngân hà đang có những vệ tinh xoay quanh ở một quỹ đạo thích hợp với sự sống.
NASA: “2012 - Thế giới sẽ không tận thế”
Rất giống với vụ Y2K năm 2000, năm 2012 rộ lên tin đồn về Ngày tận
thế. Liệu có thể xảy ra điều đó? Câu trả lời của các nhà khoa học NASA là: Không.
|