Lạc là một trong những cây trồng chủ lực, mũi nhọn phát triển kinh tế - xã hội của người dân xã Xuân Lâm (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An).

Về vùng đất bãi bồi bên bờ sông Lam trù phú, người dân ở xã Xuân Lâm phấn khởi ở kỳ thu hoạch lạc. Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Lâm Lý Thị Hồng, chia sẻ cứ đến mùa thu hoạch lạc giữa nắng nóng “bỏng rát da" nhưng bà con ai cũng vui vẻ rạng ngời, tiếng nói rôm rả.

“Hàng năm từ tháng 6 đến tháng 8, nghề ép dầu lạc lại rộn ràng vào mùa chính vụ, có thời điểm sản xuất hàng nghìn lít/ngày. Khi vấn đề chất lượng thực phẩm được người tiêu dùng quan tâm hơn thì dầu lạc lại trở thành mặt hàng được ưa thích. Sản phẩm mộc mạc, mang đậm chất quê vừa ngon, không có chất bảo quản. Tinh dầu lạc ở Xuân Lâm có mặt khắp mọi nơi từ Bắc vào Nam”, bà Hồng nói.

W-dau-lac-6-1.jpg
Bà Lý Thị Hồng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Lâm (trái) và bà Phạm Thị Bé bên sản phẩm dầu lạc được chứng nhận OCOP. (Ảnh: Quốc Huy)

Dẫn chúng tôi đến chủ cơ sở sản xuất tinh dầu lạc của hai vợ chồng ông Bùi Đình Trung và bà Phạm Thị Bé (xóm 1, xã Xuân Lâm), bà Hồng cho biết, gia đình làm nghề ép dầu lạc truyền thống gần 20 năm nay. Nhân dân khắp nơi ở các xã tại huyện Nam Đàn thường mang lạc, hạt mè, lúa đến nhờ gia đình ép lấy tinh dầu.

Bà Phạm Thị Bé cho hay, từ đầu những năm 2000, gia đình dùng các dụng cụ bình thường làm bằng tay để ép ra tinh dầu lạc. Ở thời điểm này, dầu lạc được ép bán chỉ ở người dân quanh xã và những địa bàn lân cận. Giá dầu lạc bán ra ngoài thị trường ở các năm đó từ 70.000 – 80.000 đồng/lít.

Đến năm 2017, ông Trung mạnh dạn đầu tư nhiều thiết bị máy móc để tăng gia sản xuất, dầu lạc có hạn sử dụng lâu hơn so thủ công. “Sau nhiều làm bằng thủ công, hai vợ chồng quyết định mua máy ép để kiểm soát được độ chín của tinh dầu lạc. Dầu lạc làm ra có thể để được từ 2 đến 3 năm vẫn sử dụng bình thường. Mỗi lít dầu lạc bán ra thị trường có giá 120.000 đồng. Gia đình không chỉ ép dầu bán mà còn ép giúp cho người dân quanh vùng khi mang lạc khô đến cơ sở”, bà Bé bộc bạch.

Bình quân mỗi ngày, gia đình bà Bé ép 600-800 kg lạc, cho ra khoảng 300-400 lít dầu. Cơ sở này còn ép hạt mè đen, hạt lạc cho bà con lối xóm cũng như người dân các xã lân cận.

Sau nhiều năm bền bỉ giữ nghề truyền thống, đến tháng 10/2022, tinh dầu lạc được UBND tỉnh Nghệ An chứng nhận là sản phẩm OCOP tiêu chuẩn 3 sao. Cũng từ đây, sản phẩm được nhiều khách hàng các tỉnh Đắk Lắk, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, TP Vinh… liên hệ đặt hàng. 

“Dầu lạc được người dân trồng ở bãi bồi phù sa. Người dân làm bằng thủ công và không sử dụng thuốc thực vật. Lạc được trồng vùng đất được đánh giá là tốt nhất Nghệ An. Dầu làm hàng ngày được bao nhiêu thì tiêu thụ hết bấy nhiêu", bà Bé chia sẻ.

W-dau-lac-3-1.jpg
Bà Bé bên sản phẩm tinh dầu được ép ra từ hạt mè đen có giá trị dinh dưỡng cao. (Ảnh: Quốc Huy)

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hồ Thế - Chủ tịch UBND xã Xuân Lâm (huyện Nam Đàn) cho biết, từ tháng 10/2022, trên địa bàn xã có 3 sản phẩm được chứng nhận tiêu chuẩn OCOP gồm dầu lạc Trung Bé, bánh gai Dũng Hoà và kẹo cu đơ Hưng Định. Tất cả các nguyên vật liệu đều được sản xuất phát ở địa phương.

“Về sản xuất bánh gai đang dừng lại ở quy mô nhỏ thủ công truyền thống. Từ khi sản phẩm được chứng nhận, mỗi ngày có hơn 1.000 chiếc bánh được bán ra thị trường. Về kẹo lạc thì gia đình có bí quyết làm không ngọt quá và có vị rất ngon. Riêng về dầu lạc thì hộ gia đình này sản xuất quy mô lớn và bán rộng rãi ở nhiều địa phương. Góp phần xoá đói, giảm nghèo cho bà con nhân dân” – ông Thế giới thiệu sản phẩm đặc trưng.

Quốc Huy