Những người quan tâm đến chụp ảnh từ điện thoại có lẽ đã không ít lần nghe nói về chế độ Night Mode (chế độ ban đêm), "Night Sight", "Bright Night" hoặc những thuật ngữ tương tự khác. Chế độ chụp mới này đã mang lại cho smartphone kết quả đáng kinh ngạc trên một số sản phẩm, điển hình là các máy Google Pixel.
Thế nhưng Night Mode là gì? Nó hoạt động như thế nào? Nó có phải là công cụ phù hợp với bạn? VnReview xin lược dịch bài viết từ chuyên trang công nghệ Android Authority để giúp các bạn phần nào giải đáp được những thắc mắc này.
Tìm hiểu chụp ảnh trong điều kiện ánh sáng yếu và những hạn chế của nó
Chụp ảnh trong điều kiện ánh sáng yếu là một thách thức kể từ khi máy ảnh ra đời, đơn giản là vì máy ảnh hoạt động gắn liền với ánh sáng. Công nghệ đã đi một chặng đường dài nhưng những hạn chế nhất định vẫn còn tồn tại.
Các yếu tố cần xét đến:
ISO: Đề cập đến độ nhạy của phim đối với ánh sáng. ISO càng cao, phim càng nhạy với ánh sáng, giúp phơi sáng hình ảnh nhanh hơn. Tăng ISO cũng tạo ra nhiều "noise" hơn (hiện tượng vỡ hạt của ảnh hay còn gọi là nhiễu).
Tốc độ màn trập: Đề cập đến thời gian cảm biến tiếp xúc với ánh sáng. Giảm tốc độ màn trập có thể làm cho hình ảnh sắc nét hơn. Tốc độ màn trập dài hơn có thể bị ảnh hưởng bởi chuyển động, tạo ra chuyển động mờ.
Biểu đồ kích cỡ cảm biến máy ảnh trên smartphone và máy ảnh
Kích thước quan trọng khi nói về cảm biến hình ảnh. Cảm biến lớn hơn có thể xử lý các mức ISO cao hơn và tạo ra nhiễu kỹ thuật số ít hơn. Độ nhạy ISO cao hơn cũng làm giảm nhu cầu về tốc độ màn trập dài hơn, giúp hình ảnh sắc nét hơn.
Hầu hết các cảm biến điện thoại thông minh có kích thước 1/1,7 inch hoặc 1/2,3 inch (một số cảm biến có thể thấp hoặc cao hơn một chút). Vậy tại sao không "ném" một cảm biến lớn hơn vào điện thoại thông minh và làm cho tất cả tốt hơn?
Vấn đề chính ở đây là kích thước cũng là một yếu tố quan trọng cần xem xét với điện thoại thông minh. Cụ thể, không gian bên trong smartphone rất hạn chế nhưng ngoài camera thì còn rất nhiều thứ khác cần được tích hợp. Rất khó để ném một cảm biến lớn vào mặt sau của điện thoại. Điều này có nghĩa là các nhà sản xuất điện thoại thông minh có nhiệm vụ cải thiện hình ảnh trong điều kiện ánh sáng yếu trong khi vẫn giữ cảm biến nhỏ và cách tốt nhất để thực hiện điều này là thông qua phần mềm.
Xử lý hậu kỳ có thể tăng phơi sáng, điều chỉnh cân bằng trắng, màu sắc... Những thay đổi này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng hình ảnh. Đây là lý do tại sao Google và các nhà sản xuất khác cung cấp cho người dùng chế độ chụp ban đêm "Night Mode", hay "Night Sight" tùy theo cách đặt tên của nhà sản xuất.
Chế độ ban đêm hoạt động như thế nào?
Các chế độ tăng cường ánh sáng yếu hoạt động tương tự như kỹ thuật được gọi là HDR.
HDR, viết tắt của "High Dynamic Range", là kỹ thuật được sử dụng để cân bằng mức độ chiếu sáng trên một bức ảnh. HDR được thực hiện bằng cách chụp nhiều ảnh ở các mức phơi sáng khác nhau. Những bức ảnh này sau đó được hợp nhất để làm rõ vùng tối và giảm bớt các vùng sáng, giúp bức ảnh có độ chi tiết rõ trên toàn bộ khung hình.
Về cơ bản, Chế độ ban đêm của Android sử dụng trí thông minh nhân tạo để phân tích cảnh bạn đang muốn chụp. Điện thoại sẽ tính đến nhiều yếu tố, chẳng hạn như ánh sáng, chuyển động của điện thoại và chuyển động của các vật thể được chụp.
Sau đó, thiết bị sẽ chụp một loạt hình ảnh ở các mức phơi sáng khác nhau, sử dụng thuật toán để kết hợp chúng lại với nhau nhằm tạo ra một bức ảnh với nhiều chi tiết nhất có thể.
Tất nhiên, có rất nhiều điều diễn ra đằng sau hậu trường. Điện thoại cũng phải đo cân bằng trắng, màu sắc và các yếu tố khác, thường được thực hiện với các thuật toán mà hầu hết người dùng phổ thông không đủ kiến thức để hiểu rõ.
Trong bài viết này, chúng tôi chủ yếu thảo luận về việc triển khai chế độ ban đêm của Google. Tuy nhiên, trong khi các nhà sản xuất khác nhau có thể sử dụng các kỹ thuật hơi khác nhau nhưng quy trình tổng thể vẫn được thực hiện một cách tương tự.
Chế độ ban đêm giúp ích như thế nào?
Với môi trường ánh sáng yếu, nếu chúng ta chỉ đơn giản là tăng ISO, ảnh có thể sẽ vẫn bị quá tối, quá nhiễu hoặc được làm "mềm" quá mức. Bên cạnh đó, bạn có thể phơi sáng dài để tăng khả năng thu sáng nhưng cách này có hạn chế là bạn cần giữ điện thoại rất ổn định (tốt nhất là dùng đến chân đế tripod).
Với Chế độ ban đêm Night Mode, bạn có thể có được ưu điểm của cả 2 giải pháp trên. Bạn có thể cầm máy ảnh trên điện thoại thông minh, chụp ảnh trong vài giây và để phần mềm làm phần còn lại của công việc. Người tiêu dùng thông thường có thể không cần mang theo tripod cồng kềnh và phải tìm hiểu các kỹ thuật chụp ảnh phức tạp để có những bức ảnh thiếu sáng ưng ý nữa.
Nhược điểm chế độ ban đêm
Mọi thứ trong nhiếp ảnh đều có ưu và nhược điểm của nó. Chế độ ban đêm cũng không phải là ngoại lệ. Kỹ thuật này có nhược điểm của nó.
Cụ thể, Chế độ ban đêm thường không làm tốt với các vật thể chuyển động. Bởi vì kỹ thuật này đòi hỏi ghép nhiều bức ảnh, các đối tượng chuyển động có thể bị mờ hoặc xóa hoàn toàn. Chế độ chụp đêm Night phù hợp với các cảnh tĩnh.
Tất nhiên, chụp bất kỳ ảnh nào trong Chế độ ban đêm cũng sẽ mất nhiều thời gian hơn. Cuộc sống đầy những khoảnh khắc thoáng qua, vì vậy nếu bạn không có 3-5 giây rảnh rỗi, tốt nhất bạn nên tránh xa các chế độ chụp chuyên dụng này. Khi thấy một chiếc siêu xe sắp lướt qua, tốt nhất bạn nên chụp tự động thông thường để bắt kịp khoảnh khắc này.