- Xin tạm nghỉ việc để chăm con, chép câu hỏi trên các chương trình truyền hình để giúp con ôn luyện là những cách các bậc phụ huynh cùng con “vượt vũ môn” trong kì thi THPT quốc gia.
Thuộc lòng số báo danh của con
Không phải lần đầu có con đứng trước ngưỡng cửa đại học nhưng mấy ngày nay, chị Trần Thanh Xuân (Yên Thành, Nghệ An) luôn trong trạng thái thấp thỏm, lo âu.
Chị Xuân cho hay, đây là kì thi quan trọng và cũng là bước ngoặt trong cuộc đời của con. Vì vậy, chị đã gạt tất cả những công việc cần phải đi công tác xa để ở nhà chăm sóc cho con gái. Với chị, một ngày con ôn tập là một ngày mẹ lo lắng.
Vì thế, ngay khi có giấy báo dự thi THPT Quốc gia, chị đã thuộc lòng 2 số báo danh của con ở các môn Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ và tổ hợp Khoa học Tự nhiên.
Đưa con làm thủ tục dự thi chiều 21/6. Ảnh: Thanh Hùng |
Cũng từ khi con gái bước vào giai đoạn nước rút, chị bỗng chốc trở thành “khán giả ruột” của các chương trình giáo dục trên truyền hình.
Chị Xuân chia sẻ: “Trong kì thi này, 0.2 điểm cũng có thể tạo ra khoảng cách giữa trượt và đỗ. Vì vậy, tôi luôn đồng hành cùng con bằng cách theo dõi các chương trình trên VTV như Chương trình bổ trợ kiến thức Vật lý hay Đường lên đỉnh Olympia để ghi chép lại các câu hỏi liên quan đến chương trình học.
Dù có thể những câu hỏi đó con sẽ không gặp trong đề thi nhưng đây cũng là cách giúp con bổ sung kiến thức. Tôi mong con hiểu rằng, dù trong hoàn cảnh nào bố mẹ vẫn luôn ở bên để ủng hộ con”.
Những ngày cận kề kì thi, không phải riêng chị Xuân mà chồng chị cũng luôn tất bật, lo lắng.
“Việc bộc lộ tình cảm của người mẹ bao giờ cũng rõ ràng hơn. Mẹ lo lắng cho con từ miếng ăn giấc ngủ, lo cho con có sức khỏe tốt nhất để bước vào kì thi. Còn bố tuy không thể hiện ra bên ngoài nhưng lại luôn quan tâm một cách âm thầm.
Ngày con bước vào giai đoạn nước rút cũng là những đêm 11 giờ bố vẫn đứng đợi con ở ngoài cổng nhà thầy giáo để đón con về” – Chị Xuân bộc bạch.
Thương con, không ít lần chị Xuân rơi nước mắt khi nhìn con gái miệt mài học đến tận đêm khuya. “Có những hôm lên phòng con thấy đèn vẫn bật sáng, còn con ngủ gục ngay trên bàn mà trong tay vẫn cầm tờ đề. Tôi thương con đến thắt lòng. Đến khi nghe tiếng mẹ gọi con mới giật mình ngồi dậy. Mẹ giục con đi ngủ nhưng con nhất quyết phải học cho xong. Khi con thức học bài, mẹ cũng trằn trọc không ngủ nổi.
Cũng có những lúc tôi muốn con nghỉ ngơi nên gọi con xuống bếp phụ mẹ nấu ăn. Vậy mà tay con làm nhưng miệng vẫn lẩm bẩm công thức Toán, Lý,.. Nhiều khi nghĩ thương con mà không biết phải làm thế nào”, chị nói.
“Ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”
Cùng tâm trạng như chị Xuân, nhìn con miệt mài ôn luyện đêm ngày, chị Trần Hương (Đông Hưng, Thái Bình) lo lắng: “Tôi không đặt nặng chuyện con thi trượt hay đỗ. Nhưng tôi thực sự xót con về áp lực của kì thi này”.
Năm nay con trai chị Hương nộp nguyện vọng 1 vào trường Học viện Kỹ thuật Quân sự. Năm ngoái, trường lấy 26,5 điểm đầu vào. Đây cũng là ngôi trường có tỉ lệ chọi khá cao. Những yếu tố trên khiến cả gia đình chị vô cùng lo lắng.
Theo chị Hương, kì thi này áp lực bởi trong một buổi thí sinh phải thi nhiều môn. Nếu môn Lý học sinh làm tốt thì bài thi Hóa sẽ có động lực hơn. Nhưng nếu không làm được sẽ gây ảnh hưởng tâm lý tới các môn còn lại.
Để chuẩn bị tốt cho kì thi, hai mẹ con chị luôn trong tư thế “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”.
“Con thường đi học thêm đến 10 giờ tối. Về đến nhà con lại tranh thủ tắm rửa, ăn uống rồi tiếp tục ngồi vào bàn học.
Đối với con lúc nào cũng chỉ mong có thêm thời gian để ôn luyện. Còn tôi chỉ mong kì thi diễn ra thật nhanh giúp giảm áp lực cho con” – Chị Hương bộc bạch.
Thời gian này, chị cũng luôn tất bật tranh thủ về làm sớm, chuẩn bị món ăn con thích để tiếp thêm năng lượng cho sĩ tử. Mỗi ngày con được ngủ không quá 6 tiếng, còn bản thân chị cũng phờ phạc vì lo lắng.
“Gần sát ngày thi tâm lý con hay gắt gỏng. Gia đình tôi chỉ biết động viên con học hành nhẹ nhàng, ngừng luyện đề, ăn uống ngủ nghỉ điều độ để giữ sức khỏe tốt cho kì thi.
Tôi cũng không ép buộc con phải lo toan chuyện đỗ hay trượt. Tôi muốn con hiểu rằng may rủi trong thi cử là điều bình thường. Vì vậy con không cần phải quá áp lực, tránh dao động để sẵn sàng bước vào kì thi”.
- Thúy Nga