Bếp than tổ ong vẫn hiện hữu tại các con phố trên địa bàn TP Hà Nội bởi tính tiện dụng và hiệu quả kinh tế.
Mặc dù cửa hàng ăn uống của ông Nguyễn Văn Tạo (đường Nguyễn Ngọc Vũ, Thanh Xuân) đơn sơ nhưng trong khung thời gian buổi sáng, lượng thực khách đến quán của ông Tạo khá đông đúc. Bởi lẽ giá thành đồ ăn khá rẻ và dân dã.
Ông Tạo cho biết, để giữa được giá thành rẻ trong thời gian dài, ông Tạo đã tận dụng mặt bằng là diện tích ngôi nhà ông đang ở và sử dụng bếp than tổ ong để đun nấu.
Hà Nội đặt mục tiêu từ ngày 1/1/2020 sẽ chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng bếp than trên địa bàn, tuy nhiên, chuyên gia cho rằng, mục tiêu này khó khả thi nếu thành phố không có phương án hỗ trợ thay thế tương đương. |
"Giá thành của than tổ ong khá rẻ, chỉ có 3.000 đồng/viên. Tôi chỉ bán đồ ăn vào buổi sáng đến trưa và dùng hết khoảng 5 viên than. Dù biết là độc hại nhưng giá thành không hề cao mà lại cho thời gian giữ nhiệt kéo dài nên tôi không thể không dùng bếp than tổ ong", ông Tạo cho hay.
Trong những ngày gần đây, chỉ số chất lượng không khí đều nằm trong mức kém, một trong những nguyên nhân gây ra hiện tượng ô nhiễm không khí kéo dài là khí CO2 có từ bếp than tổ ong.
Bếp than tổ ong vẫn hiện hữu tại các con phố trên địa bàn TP Hà Nội bởi tính tiện dụng và hiệu quả kinh tế. |
Để kiểm soát và hạn chế nguồn ô nhiễm từ bếp than tổ ong, Sở TN&MT Hà Nội đã đưa ra lộ trình trong 3 năm liên tiếp là từ năm 2018 – 2020, tức là còn khoảng hơn 2 tháng nữa sẽ thay thế hoàn toàn bếp than tổ ong trên toàn địa bàn.
Tuy nhiên, với tình hình thực tế hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, mục tiêu này sẽ rất khó thực hiện.
Hà Nội hiện nay đang tiêu thụ khoảng 5.000 tấn than tổ ong mỗi ngày. |
Trao đổi với PV, PGS.TS Lưu Đức Hải, nguyên chủ nhiệm khoa Môi trường (ĐH KHTN – ĐHQGHN) cho rằng, đối với những người kinh doanh mà mức thu nhập thấp thì bếp than tổ ong vẫn là giải pháp để mang lại hiệu quả kinh tế với họ. Cho nên, dù có nhiều giải pháp đi chăng nữa mà người dân chưa nhận thức và chưa phương án hiệu quả kinh tế hơn thì chắc chắn khó mà đạt được mục tiêu.
Trước đó, Hà Nội đã cho người dân mượn bếp than thân thiện môi trường để đảm bảo khí thải và hiệu quả nhiên liệu. Tuy nhiên, sau ít ngày thí điểm thì toàn bộ số bếp này đã bị trả lại bởi khó sử dụng, khó đáp ứng nguồn nguyên liệu.
Đối với người kinh doanh và thu nhập thấp, bếp than tổ ong vẫn là giải pháp mang lại hiệu quả kinh tế. |
Theo GS.TS Hoàng Xuân Cơ, chuyên gia độc lập về môi trường, để thay thế hoàn toàn bếp than tổ ong trên địa bàn, nhà nước cần rõ ràng với người dân về tính hiệu quả môi trường, hiệu quả kinh tế và cần đảm bảo nguồn nguyên liệu bếp than thân thiện môi trường thì người dân mới có thể an tâm thay thế, sử dụng.
Dự thảo lộ trình không sử dụng bếp than tổ ong trên toàn địa bàn thành phố của Sở TN&MT đề xuất từ ngày 1/1/2021 sẽ chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng bếp than tổ ong trên địa bàn TP. Các hành vi vi phạm, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật có liên quan về trật tự đô thị, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường và PCCC.
Với tình trạng ô nhiễm đang diễn ra tại Thủ đô mà một trong những nguyên nhân xuất phát là bếp than tổ ong thì mục tiêu xóa sổ bếp than tổ ong là hoàn toàn đúng đắn.
Tuy nhiên, khi áp dụng lại rất cần có biện pháp tổng thể, mà ở đây là sự hỗ trợ từ nhà nước. Đồng thời, mỗi người dân cũng cần có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường chung.
(Theo Gia đình và Xã hội)