- “Nếu những lá đơn tố cáo Bệnh viện FV đến sớm hơn thì chẳng đời nào tôi đưa bố tới đó. Tại sao khi chúng tôi phản ánh ra công luận gia đình những bệnh nhân bị Bệnh viện FV tắc trách mới dám nói? Đến giờ tôi vẫn không tin mình mất bố rồi”, chị Mai Thị Thu Trang, con gái bệnh nhân Mai Trung Kiên uất nghẹn.

“Bệnh viện FV thiếu thành tâm, không đàng hoàng”? 

Sau cái chết oan uổng của ông Mai Trung Kiên tại Bệnh viện FV, phía bệnh viện và gia đình bệnh nhân chưa thể đi tới thỏa thuận, thậm chí vụ việc căng thẳng đến mức phải nhờ đến pháp luật can thiệp.

Bệnh viện FV cho rằng không thể đồng ý do yêu cầu của gia đình bệnh nhân muốn một số tiền quá lớn. Tuy nhiên gia đình bệnh nhân lại phản ánh Bệnh viện FV “không đàng hoàng, thiếu thành tâm và sự tôn trọng”.

Bệnh viện FV

Để tìm hiểu rõ thêm câu chuyện, ngày 5/9, phóng viên Báo VietNamNet đã trực tiếp gặp chị Mai Thị Thu Trang, con gái của ông Mai Trung Kiên.

Chị Trang cho biết, gia đình mình không hài lòng về Bệnh viện FV ở 3 vấn đề.

Thứ nhất, sau khi ông Kiên qua đời, Bệnh viện FV và bác sĩ điều trị Đức Tuấn không hề hỏi thăm, xin lỗi. Mãi tới khi vụ việc được đưa ra công luận phía bệnh viện mới có động thái.

“Khi bố tôi mất, cả gia đình tôi phủ phục quanh thi thể. Trong không khí tang thương như thế mà bác sĩ Đức Tuấn đi qua đi lại, nhìn thấy nhưng không nói một tiếng nào. Bệnh viện cho khoảng chục bảo vệ đứng xung quanh chúng tôi. Người duy nhất chia buồn cùng gia đình tôi là bác trông nhà xác”, chị Trang kể.

Điều thứ 2 là bệnh viện đã bàn bạc với gia đình bệnh nhân rằng, tất cả thông cáo báo chí liên quan tới ông Mai Trung Kiên đều phải cho gia đình chị biết và được sự đồng ý. Tuy nhiên, khi báo chí thông tin chị mới biết bệnh viện đã tự ý gửi thông cáo báo chí mà “quên” hỏi gia đình chị.

Điểm khiến chị Trang và gia đình thấy sốc hơn cả là cách cư xử của Bệnh viện FV.

“Khi Sở Y tế chưa có kết luận về cái chết của bố tôi, Bệnh viện FV có tới thắp nhang và nói lời xin lỗi, đồng thời bày tỏ sẽ bồi thường, chịu trách nhiệm nhằm bù đắp phần nào sự mất mát. Tuy nhiên, lúc Sở Y tế có kết luận bố tôi chết do vết mổ ruột thừa xuất huyết nội, Bệnh viện FV lại cho người tới nói với tôi và em gái là Mai Thu Huyền bằng thái độ hết sức xúc phạm rằng: vụ việc này nếu đưa ra tòa cùng lắm cũng chỉ phải đền 30 ngàn USD.

Họ quá coi thường mạng người. Bệnh viện FV do nước ngoài đầu tư tại Việt Nam. Họ đến Việt Nam tổ chức khám, chữa bệnh, thu tiền của người Việt với chi phí rất cao nhưng lại quá coi rẻ tính mạng chúng ta. Họ nghĩ đồng tiền có thể bịt miệng dư luận”  - chị Trang bức xúc.

“Đền vài triệu USD là có cơ sở”

Trả lời câu hỏi có thông tin gia đình chị yêu cầu Bệnh viện FV bồi thường số tiền vài triệu USD? Chị Trang cho rằng không phải tự nhiên mình đưa được ra con số đó, tất cả đều có cơ sở và do luật sư tính toán.

“Vài triệu USD không làm bố tôi sống lại, tôi không rao bán bố mình. Nhưng vấn đề cần làm rõ là, không phải vì Bệnh viện FV từ chối con số bồi thường, buộc chúng tôi đưa vụ việc ra pháp luật, đề nghị khởi tố. Dù Bệnh viện FV có đền tiền thì chúng tôi cũng vẫn đề nghị khởi tố và ngược lại, có ra tòa Bệnh viện FV cũng vẫn phải bồi thường tiền”.

Một trong những lá đơn tố cáo

Theo chị Trang, số tiền Bệnh viện FV phải đền cho gia đình khi ông Mai Trung Kiên qua đời dựa trên các căn cứ về phần cứng và mềm. Phần cứng gồm những chi phí điều trị cho bệnh nhân, tiền tang lễ, ma chay.

Phần mềm dành cho những người đang phải sống phụ thuộc vào thu nhập của ông Kiên như vợ, cha mẹ… Đó còn chưa kể những thiệt hại tinh thần đối với người thân hai bên nội ngoại của ông Kiên khi ông Kiên từ trần.

Chị Trang nói thêm: “Chúng tôi không quan tâm Bệnh viện FV nói gì với báo chí nữa. Sau khi có kết luận của Sở Y tế, bệnh viện cử một cô trợ lý tên Trinh tới nói chuyện với thái độ rất coi thường chúng tôi.

Cô ta chưa đủ tư cách để đứng ra trong chuyện này. Giám đốc của Bệnh viện FV không ra mặt cho thấy họ thiếu thiện chí, không thành tâm. Mọi chuyện cứ để pháp luật giải quyết”.

Chị Trang bày tỏ không chỉ gia đình chị mà nhiều bác sĩ giàu kinh nghiệm cũng đồng tình rằng: ngành y tế nên mở một cuộc thanh tra về trình độ chuyên môn của bác sĩ Bệnh viện FV để cân nhắc, nên để bệnh viện này hoạt động nữa hay không?

“Đối với viện công lập, bác sĩ bị quá tải, thu nhập thấp nên khám chữa chưa kỹ càng để xảy ra sơ sót còn có thể thông cảm. Nhưng ở Bệnh viện FV, chi phí khám, điều trị rất cao, như bố tôi vừa qua tốn gần 80 triệu đồng, trong khi mổ ruột thừa không phải một kỹ thuật, bệnh lý quá phức tạp mà bố tôi chết là điều không thể chấp nhận” - chị Trang bức xúc nói.

“Sáng nay đọc báo, tôi thấy một số nhìn nhận khác đi về vụ việc dù thông tin họ đưa ra không sai. Tôi bỏ cả công ty, con cái ngoài Hà Nội vào đây để cùng em gái quyết theo vụ này tới cùng. Ngoài trách nhiệm đem lại công bằng để bố tôi có thể ngậm cười nơi chín suối, tôi thấy mình cần có trách nhiệm đưa sai phạm của Bệnh viện FV ra công luận với mục đích khỏi còn ai chết oan như bố tôi.

Khi tôi gửi đơn khiếu nại Bệnh viện FV, rất nhiều gia đình bệnh nhân khác cũng gửi theo. Nếu những lá thư tố cáo đó gửi tới cho báo chí sớm hơn thì chẳng đời nào tôi để bố tới đó và bố tôi đã không chết”, chị Trang nói trong uất nghẹn.

Ngày 4/9, Báo VietNamNet nhận được thông cáo báo chí lần 2 của Bệnh viện FV về vụ việc của ông Mai Trung Kiên.

Nội dung của thông cáo cho biết, vụ việc sẽ được đưa ra công an do gia đình bệnh nhân yêu cầu một số tiền cực lớn, bệnh viện không thể đồng ý được. Khi có quyết định kỷ luật những bác sĩ liên quan, bệnh viện sẽ thông báo trong thời gian sớm nhất…

Thanh Huyền