QL21 đoạn từ Phủ Lý về Nam
Định, tuyến đường huyết mạch của ba tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hà Nam và các
huyện phía nam tỉnh Nam Định thường xuyên khiến người dân “xanh mặt” vì tình
trạng tắc nghẽn kéo dài hàng chục km trong nhiều giờ.
Tắc nghẽn kéo dài hàng chục km
Theo phản ánh của cánh lái xe đường dài, Tết ra, nhu cầu đi lại của dân lại
nhiều hơn bao giờ hết. Các tuyến đường từ thị trấn Bình Mỹ huyện Bình Lục đến
thành phố Phủ Lý; đoạn từ trạm thu phí Mỹ Lộc (huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định) đến
địa phận xã Liêm Cần (huyện Thanh Liêm, tỉnh Nam Định), các tuyến từ Nam Đinh,
Thái Bình về Hà Nội đều bị tắc nghẽn kéo dài hàng chục km trong nhiều giờ. Suốt
từ đầu giờ chiều đến tận 19h- 20h hôm đó, tình trạng tắc nghẽn mới được giải
quyết triệt để.
Thực trạng này không phải mới diễn ra mà đã có cách đây vài năm, đặc biệt là 2-
3 năm trở lại đây.
Cảnh sát giao thông “toát mồ hôi” để điều khiển tắc nghẽn - trong không khí lạnh
giá (Nguồn: Internet)
Sự tắc nghẽn này đã gây cản trở nghiêm trọng cho quá trình phát triển kinh tế xã
hội của ba tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hà Nam.
“Hãy tưởng tượng, có hôm, tôi đi từ đây lên Hà Nội mà từ 2h chiều đến tận 10h
đêm mới đến nơi, bởi vì tắc suốt từ đó đến tận 9h tối” bác Bình, huyện Giao
Thủy, Nam Định chia sẻ.
Đồng tình với quan điểm trên, cánh lái xe, người dân lưu chuyển trên đường đều
lắc đầu ngán ngẩm.
Đường “oằn mình” gánh quá tải
Thái Bình, Nam Định và Hà Nam là các tỉnh lớn và đông dân cư phía Bắc. Vài năm
nay, nơi này đã có sự tăng trưởng kinh tế nhất định, kéo theo đó là lưu lượng
giao thông tăng lên đáng kể. Một con đường vốn chỉ có sức chuyển nhỏ và vừa, nay
đã phải gồng lên quá sức mình gấp mấy lần. Hệ lụy đó kéo theo là tình trạng tắc
đường” như cơm bữa”, kéo dài hàng tiếng và suốt hàng chục km.
Quốc lộ 21 đoạn từ Phủ Lý về Nam Định dài hơn 22km có lòng đường rất hẹp. Vấn đề
là rất khó mở rộng tuyến đường này bởi một bên là khu dân cư đông đúc, một bên
là tuyến đường sắt Bắc Nam. Vì thế, hè đường sát lòng đường, nhà dân gần ngay
đường.
QL21, nhỏ, hè sát lòng đường và ngay cạnh nhà dân (Nguồn: Internet)
Chắn tàu trên tuyến đường này không hợp lý về thời gian cũng là lý do tạo ra sự
tắc nghẽn và tắc nghẽn kéo dài hàng ngày.
“Mỗi khi tàu về, chúng tôi đều bị tắc lại cả đoạn đường dài hàng km, khổ lắm”,
một người dân ven đường đã bộc bạch như vây. Thậm chí, chúng tôi được chứng kiến
thực tế là ngay cả khi có sự tham gia của cảnh sát giao thông, tình trạng ấy
cũng không thể giảm tải được bao nhiêu. Đường quá bé, người quá đông, xe quá
nhiều!
QL21, con đường huyết mạch cho các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hà Nam nay đã trở
thành “tắc mạch”. Chị Vân, Thịnh Long, huyện Hải Hậu (Nam Định) chia sẻ “Tôi bị
lỡ giờ đẹp cho đám cưới chỉ vì tắc trên con đường này”.
Phấn đấu giảm tải vào quý II/2013
Nhằm mục đích giảm tải cho tuyến đường “tắc mạch”, công ty CP Tasco- doanh
nghiệp chịu trách nhiệm thi công dự án tuyến đường bộ mới Phủ Lý - Nam Định phấn
đấu sẽ hoàn thành những hạng mục cơ bản của dự án trong cuối năm 2012.
Ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT công ty CP Tasco cho biết, "GPMB là yếu tố
rất quan trọng và then chốt của mỗi dự án. Chúng tôi đã chủ động giải quyết GPMB
21 trên 22km, còn 1km nữa sẽ hoàn thành vào tháng 6/2012.”.
Chính quyền các địa phương dự án đi qua đồng thời bày tỏ cam kết hỗ trợ chủ đầu
tư đẩy nhanh tiến độ dự án.
Ông Phạm Văn Sơn, Phó chủ tịch UBND huyện Bình Lục, Hà Nam chia sẻ, “Chúng tôi
xác định làm đường để phục vụ cho người dân là chính, vì vậy, hy vọng dự án sẽ
giúp người dân sớm thoát khỏi ách tách tuyến đường cũ".
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cũng khẳng định, "Tuyến đường
sẽ được giải quyết dứt điểm công tác GPMB trong thời gian gần nhất. Chúng tôi
cũng mong thủ tướng chính phủ, ban ngành liên quan và Ngân hàng trung ương tiếp
tục hỗ trợ về vốn để dự án được hoàn thành”.
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 2.600 tỷ đồng bằng nguồn vốn trái phiếu chính phủ,
quy mô toàn tuyến 22 km; trong đó, đoạn qua đô thị dài 6 km, chiều rộng mặt
đường 48 m, đoạn còn lại rộng 24 m. Sau 2 năm triển khai, toàn tuyến đã thực
hiện 81% khối lượng thi công.
-
Anh Vũ