Nhỏ chỉ bằng ngón tay, chưa mở mắt, giá mỗi con sóc bay Úc (sugar glider) tại Việt Nam lên tới cả nửa triệu đồng dù rất khó nuôi.

Mốt nuôi sóc bay Úc (sugar glider) rộ lên trong cộng đồng mê sinh vật cảnh từ khoảng hơn 1 năm nay. Các cửa hàng bán thú cưng tại TP.HCM chính là nơi “lăng xê” cho loài vật này. Mỗi con sóc bay sơ sinh chưa mở mắt hiện có giá khoảng 250.000 đồng đến 500.000 đồng. Có thời điểm khan hiếm, giá một con sóc sơ sinh lên tới cả triệu đồng, song vẫn có khách mua. Không ít người chơi, chủ yếu còn trẻ tuổi dám bỏ ra một lúc 500.000 đồng đến cả vài triệu đồng để sở hữu một con sóc bay chỉ nhỏ bằng ngón tay trỏ. Điều đặc biệt là quy trình chăm sóc và nuôi dưỡng loài vật này khá kỳ công.

Hiện tại, trên các diễn đàn chuyên về mua bán thú cưng, một cặp sóc bay trưởng thành trên một năm tuổi đã có khả năng sinh sản được phát giá 3,5-4 triệu đồng. Một người đang rao bán cặp sugar glider với giá 3,5 triệu đồng cho biết đã nuôi được 13 tháng, sinh sản 1 lứa và con cái đang có dấu hiệu mang thai. Riêng con sóc bay con 2 tháng tuổi là “sản phẩm” của cặp bố mẹ nói trên được rao giá 2,2 triệu đồng. “Mức giá này là phải chăng, vì sóc con đã mở mắt và khá khỏe mạnh. Còn loại sơ sinh chưa mở mắt giá 300.000-500.000 đồng/con, xác suất nuôi thành công là rất thấp”, anh này cho biết.

{keywords}

Con sóc bay sơ sinh 2 tháng tuổi đã mở mắt được rao bán giá 2,2 triệu đồng tại TP.HCM.

Anh Tú, một người có kinh nghiệm nuôi sóc bay tại TP.HCM cho biết, nếu đã lớn, mỗi con sóc bay có giá khoảng 1 triệu đến 1,5 triệu đồng. Những con có màu lông đẹp, nhìn mập mạp thậm chí giá còn cao hơn. “Loài này được nuôi nhiều trong cộng đồng người trẻ mê sinh vật cảnh vì nó quấn và biết ‘nịnh’ chủ, biết bộc lộ cảm xúc. Tuy nhiên, việc nuôi một con sóc bay từ lúc còn chưa mở mắt đến lúc trưởng thành không dễ dàng gì”, Tú chia sẻ trên một diễn đàn dành cho người mê nuôi thú cưng.

Theo lời Tú, thường hiện nay các shop bán sóc bay sơ sinh sẽ tặng kèm bình sữa và một số đạo cụ để thuận tiện nhất cho người nuôi loài vật này. Quy trình nuôi sóc bay không khác nhiều so với nuôi chuột hamster - loài vật gây sốt một thời với giới trẻ cả nước, chẳng hạn như không được để cho lông của sugar glider bị ướt nếu không muốn đổ bệnh. Lúc sóc bay còn bé, người nuôi phải cho uống sữa trong bình giống như cho trẻ sơ sinh, còn khi muốn vệ sinh thì dùng một chiếc khăn nhỏ nhúng nước, vắt ráo, lau miệng, chân, bụng thay vì nhúng trực tiếp vào nước.

Xu hướng nuôi sóc bay không chỉ nở rộ tại Việt Nam mà đã xuất hiện trước đó ở cộng đồng mê sinh vật cảnh quốc tế. Chưa nói đến giá loài vật nhỏ này, các phụ kiện cho sugar glider được rao bán với mức giá lên tới cả triệu đồng. Bộ dụng cụ ăn, ngủ cho sóc gồm 15 món được bán trên eBay với giá gần 37 USD, quy ra tiền Việt là hơn 700.000 đồng, các món khác rẻ hơn cũng từ 6 USD đến hơn 10 USD. Thức ăn cho loài này cũng được các trang mua sắm quốc tế như eBay hay Amazon cung cấp với giá không rẻ, dao động từ vài đôla đến vài chục đôla Mỹ.

Hiện tại, sóc bay vẫn được nhiều người yêu thú cưng ở nhiều nước nuôi làm cảnh. Mức giá chào bán mỗi con sugar glider lên tới hơn 100 USD, quy ra tiền Việt thậm là hơn 2 triệu đồng. Thậm chí, trên website chuyên về mua bán thú cưng là Thepetglider.com, một con sóc bay bạch tạng lông trắng có giá dao động 400-650 USD, tương đương 8,5-13,5 triệu đồng tiền Việt. Loại có màu lông truyền thống xám sọc đen đang được nhiều người chơi Việt Nam nuôi giá dao động từ 199 đến khoảng 500 USD.

Tuy nhiên, những người nuôi thú cưng cho biết, không có mức giá chuẩn cho loài vật nuôi nói trên vì tùy theo độ “hot” mà giá thấp hay cao. Chẳng hạn, thời điểm nuôi chuột hamster thành cơn sốt lan truyền trên cả nước, giá mỗi con chuột loại này cũng lên tới cả nửa triệu đồng, nhưng đến khi câu hỏi loài vật nuôi này có truyền bệnh hay không được đặt ra, thì giá rớt thê thảm. Đến nay, cộng đồng mê nuôi thú cưng, sinh vật cảnh cũng không hào hứng với loại động vật này. Hay trước đó, mốt nuôi cá La Hán, cá Rồng đẩy giá loài này lên cao có khi lên tới cả vài trăm nghìn đồng một con cá La Hán chưa có chữ rõ ràng, cá Rồng nhỏ nhưng sau một thời gian, sở thích thay đổi, người chơi lại chuyển sang nuôi những loài khác mới lạ hơn.

“Các cửa hàng bán thú cưng, vật nuôi cũng chỉ biết nhập về để bán theo thị hiếu, chỗ này nhìn chỗ kia. Còn về vấn đề kiểm dịch, tùy loài mới cần có, mà bán cho khách cũng không mấy khi khách hỏi, vì chủ yếu họ nuôi theo sở thích, sau đó lại mua bán trao đổi với nhau. Có khi giá mua tại cửa hàng chỉ 10, nhưng khi bán ra, có người thu lời gấp rưỡi, gấp đôi là chuyện bình thường”, một người kinh doanh thú cưng tại Hà Nội chia sẻ.

Theo Infonet