Sau khi tôi sinh con trai đầu lòng, mẹ chồng là người hay gây rắc rối và làm tôi stress nhất.
Tôi và chồng quen nhau qua một câu lạc bộ yêu ca hát. Yêu thương nhau cũng 3 năm có lẻ, chúng tôi đưa nhau về thưa chuyện với 2 bên gia đình. Khi tôi về gặp gỡ nhà anh, mẹ anh đã tỏ ý không hài lòng vì ngoại hình của tôi không bằng anh, bố mẹ cũng là người lao động bình thường chứ không phải là quan chức như bố mẹ anh. Tuy nhiên, vì tình cảm của mình với tôi, anh tìm mọi cách thuyết phục gia đình nhận tôi về làm dâu.
Sau đám cưới, tôi nghe lời mẹ chồng nghỉ việc ở nhà mang bầu và sinh con. Mẹ chồng tôi nói: “Nhà này nếu con không đi làm cũng không thiếu tiền. Quan trọng là con nên sinh con để nhà này có người nối dõi. Cưới nhau mãi mà không có con, thiên hạ lại quở quang, đồn đại".
Nghe câu nói của mẹ chồng, tôi hiểu áp lực phải sinh con trai mà tôi phải chịu lớn đến thế nào. 2 tháng sau khi cưới, tôi thử que thấy lên 2 vạch. Biết tin tôi mang thai, mẹ chồng tôi rất mừng, bà chăm sóc, tẩm bổ cho tôi chẳng thiếu món gì. Thấy vậy, bà giúp việc nhà tôi luôn miệng nói tôi có phúc mới được gả vào gia đình bề thế, có điều kiện như thế này.
Sau khi tôi sinh con, mẹ chồng tôi nhìn thấy con tôi lần đầu tiên đã buông thõng một câu: “Xấu thế! Chắc chắn không phải con cháu nhà này".
Tôi mới sinh con, cơ thể còn rất yếu và còn cảm thấy đau đớn, nghe câu nói đó, tôi cảm thấy thực sự choáng váng, buồn bã vô cùng.
Nhưng đó mới chỉ là mở đầu cho những tháng ngày ở cữ kinh khủng khi tôi ở nhà chồng. Sau khi xuất viện trở về nhà, mỗi ngày đều có cả tá họ hàng, bà con nhà chồng đến thăm tôi. Họ đến chẳng hỏi thăm gì tôi mà chủ yếu để soi thằng bé. Những câu nói của họ như: “Chẳng giống bố chút nào”, “Kiểu này là giống y nhà ngoại rồi” “Bố nó thì vừa đẹp trai, vừa tuấn tú, trắng trẻo và đẻ ra con đen sì sì” làm tôi đau đớn như xát muối.
Mẹ chồng tôi cũng nhân đó kể thêm những câu chuyện “hết sức ẩn ý” như: “Chồng mày thì như lột từ bố mày ra, chẳng khác tý nào". Nhìn đứa con gầy gò, đỏ hỏn, nhiều khi tôi rơi nước mắt vì thương con, vì tủi thân mà không ai hiểu cho.
Có sinh con ra, tôi mới hiểu việc sinh được đứa con có ngoại hình giống bố nó là quan trọng như thế nào. Vì gia đình nào cũng mong con phải giống nhà nội nhiều hơn. Nhưng ngoại hình của con là do gen quy định mà, tự tôi cũng không thể quyết định được ngoại hình của em bé.
Kể từ đó, thái độ của mẹ chồng với tôi lạnh nhạt hẳn, tuy tôi vẫn đang ở cữ nhưng bà cũng chỉ cho tôi ăn uống qua loa và bà đã bắt tôi làm việc nhà từ khi con tôi được 15 ngày tuổi.
Hôm đó, tôi nhờ mẹ trông con để ra siêu thị mua ít đồ cho bé. Khi ra về, trời đổ mưa to, tôi tình cờ gặp lại nam đồng nghiệp. Anh ấy thấy trời mưa nên đã đưa tôi về bằng xe của anh ấy. Tuy nhiên, khi về đến cổng, tôi gặp mẹ chồng tôi đi đổ rác. Nhìn thấy tôi, bà chẳng nói chẳng rằng rồi vứt phịch túi rác xuống đường.
Hôm đó chồng tôi đi công tác, bà giúp việc thì nghỉ ốm, mẹ tôi không nấu ăn vì vậy, tôi nhờ bà trông cháu để nấu ăn cho cả nhà.
Thấy con trai tôi khóc, mẹ chồng tôi nói mát: “À ơi, con đừng khóc nữa. Giá con giống bố với ông nội con chút thì bà còn bớt nghi ngờ. Đằng này con giống hệt nhà ngoại, mẹ con lại hay đi giao du với người ngoài, bà làm sao biết con có phải là cháu bà hay không".
Nghe câu nói của mẹ chồng, tôi cảm thấy không thể chịu được nữa. Tôi tắt bếp, đi lên phòng. Tôi giành lại đứa bé từ tay mẹ chồng tôi và nói: “Con chưa bao giờ nói nó không phải con của anh Huy (chồng tôi) và dù thế nào, nó cũng là con của anh Huy. Nếu mẹ thấy rằng nó không phải con của chồng con. Con sẽ gửi nó vào trại trẻ mồ côi rồi con và chồng con sẽ sinh cho mẹ một đứa con khác cho đến khi mẹ hài lòng".
Sau khi nghe tôi nói, mẹ chồng tôi cứng họng. Từ đó bà không hề ca cẩm hay phàn nàn gì nữa.
Thấm thoắt, đã 5 năm kể từ khi tôi về làm dâu nhà anh, tôi cũng hòa hợp với mẹ chồng hơn trước. Con trai tôi càng lớn càng khôi ngô và có nhiều nét của giống chồng tôi nên mọi người bớt xì xào, bàn tán. Có mang thai, sinh con mới biết lòng mẹ chồng, thỉnh thoảng, nghĩ lại chuyện xưa, tôi vẫn thấy lòng mình nhói đau.
'Nàng dâu ở với nhà chồng cả năm, ngày Tết nên về với bố mẹ đẻ'
TS Thế Hùng cho rằng con dâu đã sống cả năm cùng bố mẹ chồng thì ngày Tết nên dành thời gian cho nhà ngoại.
(Theo Dân Việt)