Trong suốt 3 năm qua, có một nỗi sợ vô hình đã bao trùm lên các nhà đầu tư của Apple: nhà Táo vẫn sống bằng iPhone, mà thị trường smartphone thì đã liên tục suy giảm. Như một phép màu thần kỳ, Apple đã luôn đánh bại nỗi sợ đó. iPhone 6s không ra mắt với cải tiến nào đáng giá (3D Touch); iPhone 7 gần như là bản tái chế, thậm chí lại còn bỏ cổng tai nghe; iPhone X và iPhone 8 thì quá đắt đỏ... Ấy thế mà trong suốt 3 năm liền, cứ đến mùa mua sắm bận rộn cuối năm, Táo vẫn liên tục tăng trưởng doanh số.
Cho đến mùa đông 2018 thì phép màu chấm dứt: với doanh thu "chỉ" 84 tỷ USD, quý 4/2018 đã chứng kiến Apple lần đầu tiên bị sụt giảm so với cùng kỳ một năm trước đó. Cho dù đây vẫn là quý kinh doanh tốt thứ nhì của Táo (cao hơn tất cả các quý 4 từ 2016 về trước), rõ ràng là Apple đã không thể duy trì tăng trưởng... vĩnh viễn.
iPhone X đã tạo ra một giấc mơ hoang đường cho các nhà đầu tư của Apple.
Tăng trưởng vĩnh viễn dĩ nhiên là một giấc mơ bất khả thi, nhưng khi iPhone X ra mắt với giá nghìn đô và "tai thỏ" đầy tranh cãi mà vẫn liên tiếp đứng đầu thế giới, các nhà đầu tư đã từng hy vọng giấc mơ đó có thể kéo dài thêm ít lâu. Khi giấc mơ tan vỡ, họ phải trở về với hiện thực tàn khốc: tất cả các thị trường trọng điểm (Mỹ, Trung Quốc, Nhật, Tây Âu) đều đã bão hòa. Smartphone toàn cầu đã bão hòa .
Kể từ nay, doanh số iPhone nói riêng và cả thị trường smartphone nói chung sẽ không thể tăng trưởng "nóng" được nữa.
Sống tốt trong hiện thực
Hiển nhiên, ngừng tăng trưởng không có nghĩa rằng Apple sẽ chết: iPhone vẫn sẽ là một nguồn thu hàng chục tỷ đô đều đặn, ít nhất là cho đến khi ai đó nghĩ ra một loại thiết bị mới có thể thay thế vai trò của smartphone. Song, cuộc chơi của Phố Wall là cuộc chơi của những dự đoán và kỳ vọng: Tim Cook phải bằng cách nào đó thuyết phục được các nhà đầu tư rằng Apple sẽ tiếp tục sống tốt khi nguồn thu chính của hãng này tất yếu sẽ suy giảm.
Với các công ty khác, hàng đã bán ra là gánh nặng, là trách nhiệm...
Đó là nhiệm vụ mà Tim Cook đã làm rất tốt. Khi công bố kết quả đáng thất vọng cho quý 4 vừa qua, Tim Cook cũng hé lộ những tín hiệu, để nhìn từ đó, người ta hoàn toàn có thể yên tâm về tương lai của Táo:
- Có tổng cộng 900 triệu iPhone đang được sử dụng thường xuyên: tiềm năng cho mảng dịch vụ là cực kỳ lớn. Quý vừa rồi, Apple Music, Apple Pay, App Store v...v... mang lại cho Apple 10,8 tỷ USD doanh thu. Con số này ngang ngửa với tổng doanh thu của Xiaomi trong suốt nửa đầu 2018.
- Tiềm năng cho các loại thiết bị phụ trợ trong nhà Táo cũng không hề nhỏ. Quý vừa qua lại là một quý kỷ lục cho Apple Watch và AirPods, tốc độ tăng trưởng lên tới 50%. Một hiện tượng rất dễ hiểu, bởi khi iPhone đã bão hòa, người ta sẽ chú ý nhiều hơn tới những món hàng có thể giúp cải thiện trải nghiệm iPhone.
- Tổng cộng, các mảng kinh doanh ngoài-iPhone tăng 19%. Doanh thu Mac tăng 9%, doanh thu iPad tăng 17%. Có vẻ như, hiện tượng "doanh thu lan tỏa" của thập niên 2000 đã trở lại với Táo.
- Số lượng iPhone được sử dụng thường xuyên đã tăng 75 triệu đơn vị trong vòng 12 tháng. Con số này cho thấy rằng, trong khi sức mua mới từ iFan sẵn có đã giảm sút, Apple vẫn có thể thu hút thêm khách hàng mới.
Với Apple, hàng đã bán ra là tiềm năng cho các mảng kinh doanh có quy mô to lớn hơn cả Xiaomi.
90 ngày 1 lần
Trong buổi họp công bố kết quả, CEO của Apple đã "chốt" một câu đắt giá: "Chúng tôi không đánh giá thành công theo kiểu 90 ngày 1 lần. Chúng tôi quản lý Apple vì mục tiêu tương lai lâu dài".
Nhưng cũng chẳng cần phải đợi "lâu dài", Phố Wall đã ngay lập tức đưa ra phản hồi rất tốt với thông điệp đó: trong vòng 1 tuần kể từ khi công bố kết quả quý 4, cổ phiếu Apple lại thăng hoa. Phiên giao dịch ngày 4/2, Apple thậm chí đã có lúc vượt mặt Microsoft để trở thành công ty có trị giá số 1 thế giới. Hết phiên giao dịch ngày 5/2 (giờ Mỹ), trị giá thị trường của Apple đạt 821 tỷ USD, chỉ thua kém Microsoft 1 tỷ USD và bỏ xa Google (798 tỷ USD).
Lý do không khó để nhận ra: Phố Wall đã thực sự hiểu tầm nhìn "lâu dài" của Tim Cook. Năm 2018 không phải là năm chứng kiến tất cả các nhà sản xuất thua cuộc, nhưng những kẻ tăng trưởng đều phải cắn răng phá giá cấu hình – Huawei và Xiaomi là điển hình. Những kẻ muốn kinh doanh có lãi như Apple và Samsung đang tiếp tục đà đi xuống, và cả thị trường cũng đang u ám hơn bao giờ hết.
Phố Wall: iPhone đúng là đang lao dốc. Tim Cook: Thì sao?
Với những thông điệp được gửi đi trong lần công bố vừa rồi, Tim Cook đã xác nhận tình cảnh u ám đó. Vị CEO thẳng thừng hé lộ, doanh thu iPhone đã giảm tới 15%. May mắn thay, kéo nhà đầu tư xuống đất, Tim Cook cũng đã đưa họ bay cao bằng lời khẳng định:
iPhone đang suy giảm, tất yếu mà. Nhưng không sao cả, trong thế suy giảm đó, Apple vẫn đang - và sẽ - sống tốt đấy thôi!