Trong bối cảnh hơn 80% nông sản Việt chưa có thương hiệu, thì sự thành công của mô hình mỗi làng một sản phẩm tại một số địa phương khiến các nhà quản lý, nhà khoa học tin rằng đây chính là chiếc chìa khóa vàng cho thương hiệu nông sản Việt.
Kết nối nông dân trong chuỗi sản xuất, tạo thương hiệu
Theo ông Tăng Minh Lộc, Phó Chủ tịch Hội Phát triển khoa học nông nghiệp Việt Nam, mô hình “Mỗi làng một sản phẩm” được khởi xướng ở Nhật Bản từ thập niên 70 của thế kỉ trước, giúp phát triển kinh tế từ các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, truyền thống văn hóa, nâng cao thu nhập cho người dân vùng nông thôn. Đến nay đã có hơn 40 nước học tập và ứng dụng thành công.
Ông Lộc cũng cho biết: Tư tưởng chủ đạo của phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” là: Chính quyền định hướng kiến tạo và hỗ trợ, chủ yếu hướng vào hỗ trợ đổi mới công nghệ, đào tạo lao động. Bên cạnh đó, chính quyền sẽ xây dựng phân cấp sản phẩm, cấp chứng nhận nhãn hiệu sản phẩm và xúc tiến quảng bá sản phẩm.
Người dân nông thôn, bao gồm hộ và nhóm hộ, tự quyết chọn sản phẩm lợi thế, đầu tư công nghệ, đào tạo tay nghề, tổ chức sản xuất và quản lý từ khâu nguyên liệu đến tiêu thụ (bao gồm cả liên kết với nhà khoa học, doanh nghiệp…) để tạo ra sản phẩm chất lượng cao, hướng tới không chỉ đáp ứng yêu cầu tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu.
Kết quả phải đạt được là: Nâng cao thu nhập cho thành viên tham gia. Từ đó thúc đẩy đổi mới cơ cấu kinh tế nông thôn, tăng thu nhập cho người dân, tạo nội lực tốt để phát triển nông thôn bền vững.
Việc người dân chủ động tham gia, tự quyết đầu tư sẽ thúc đẩy tinh thần làm chủ, sáng tạo của họ. Từ đó phát huy được những sản vật độc đáo vốn là thế mạnh của nhiều địa phương. |
Điểm sáng Quảng Ninh
Tại Việt Nam, mô hình mỗi làng một sản phẩm đã được nhiều địa phương thực hiện nhưng kết quả còn hạn chế. Chỉ một số sản phẩm phát triển bứt phá như: bánh tráng Cù Lao Mây, (xã Lục Sĩ Thành, huyện Trà Ôn, Vĩnh Long) hay sản phẩm từ bài thuốc tắm của người Dao đỏ (xã Tả Phìn, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai) nhờ áp dụng khoa học trong hoạt động sản xuất và tự chủ trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường.
Từ 2013, Quảng Ninh bật lên như một điểm sáng của mô hình này khi nghiên cứu học tập rất bài bản từ Nhật Bản và Thái Lan, sớm hình thành được đội ngũ chỉ đạo tham mưu chuyên nghiệp, có nhiều cách làm sáng tạo.
Quảng Ninh thành lập riêng một trung tâm OCOP hướng dẫn người dân cùng tạo thương hiệu địa phương |
Khi thực hiện triển khai, Quảng Ninh đã đặt tên chương trình là “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) và đưa thành chương trình kinh tế trọng điểm của tỉnh.
Trong 4 năm qua, Quảng Ninh tập trung ban hành hàng loạt chính sách hỗ trợ lãi suất tiền vay, hỗ trợ ứng dụng công nghệ, mua sắm máy móc. Quảng Ninh cũng đã chủ động nghiên cứu ban hành bộ công cụ quản lý chương trình như: Xây dựng nhãn hiệu OCOP; Ban hành bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP; Chu trình chuẩn OCOP (gồm 6 bước tiến hành).
Chính quyền địa phương cũng chủ động bỏ ra 300 tỷ đồng đầu tư thuê gian hàng, tổ chức hội chợ tìm đầu ra cho sản phẩm, tạo điều kiện cho các đơn vị tham gia và nền tảng lâu dài cho chương trình.
Nhờ sự tiếp sức của chính quyền, 180 hộ và nhóm hộ (HTX) với tổng số hơn 2.100 lao động tự nguyện đăng ký tham gia OCOP với hơn 210 sản phẩm. Đã có 103 sản phẩm nhận được hỗ trợ của ngân sách tỉnh. 99 sản phẩm được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn 3-5 sao (tiêu chuẩn Quảng Ninh) trong đó có cả các sản phẩm du lịch như làng Yên Đức, lễ hội hoa ở Hoành Bồ, Ba Chẽ... Số nhóm hộ đăng kí tham gia tăng đều theo các năm.
Doanh thu đạt được từ chương trình cũng rất khả quan khi từ 2013-2016, giá trị hàng hóa OCOP tại Quảng Ninh thu được là hơn 670 tỷ đồng (gấp 3 lần kế hoạch).
Đưa ‘chìa khóa vàng’ thương hiệu cho nông dân cả nước
Từ thực tế Quảng Ninh và các trường hợp thành công đơn lẻ tại các tỉnh thành phố khác, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đánh giá: “OCOP là hướng đi đúng, sáng tạo của Quảng Ninh trong phát triển sản phẩm hàng hóa theo chuỗi giá trị, gắn các tổ chức sản xuất với sản phẩm, phát huy những thế mạnh của địa phương”
Ông Tăng Minh Lộc, Phó Chủ tịch Hội Phát triển khoa học nông nghiệp Việt Nam cho rằng, nếu Quảng Ninh đã làm được, các tỉnh thành khác cũng có thể làm được và thành công.
Vấn đề là phải có chính sách chung từ trung ương tới địa phương. Đồng thời từng nơi triển khai cũng phải có giải pháp thúc đẩy liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, chính sách thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ. Rồi phải nghiên cứu ban hành bộ tiêu chí đánh giá sản phẩm để định hướng sản xuất cho người dân, hỗ trợ tổ chức hội chợ cho sản phẩm được cọ xát và chịu sự đánh giá của thị trường.
Đặc biệt quan trọng là phải hình thành được đội ngũ chuyên gia, giúp việc Ban chỉ đạo đúng tầm. Đây có thể coi là yếu tố quyết định sự thành công ở mỗi địa phương
D.Minh - Thu Trà