Ngày 4/8, tại tỉnh Bắc Kạn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp UBND tỉnh Bắc Kạn tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý, điều hành hoạt động của Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo.

Tham dự Hội thảo có ông Ngô Trường Thi, Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo; ông Phạm Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn và lãnh đạo 31 Sở LĐ-TBXH các tỉnh, thành phố.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Ngô Trường Thi, Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, cho biết: Từ 16 Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) của giai đoạn 2011 - 2015, Quốc hội đã quyết định giai đoạn 2016 – 2020 rút xuống chỉ còn 2 CTMTQG là Xây dựng nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững. Theo đó, Quốc hội yêu cầu Chính phủ kiện toàn lại bộ máy Ban chỉ đạo CTMTQG. Theo Nghị quyết của Chính phủ, từ Trung ương đến địa phương hình thành 1 Ban chỉ đạo.

{keywords}
Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo Ngô Trường Thi phát biểu khai mạc

Về cơ chế quản lý, điều hành, Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện CTMTQG cấp Trung ương do Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ làm Trưởng ban; Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan tổng hợp 2 Chương trình; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan chủ trì CTMTQG xây dựng nông thôn mới; Bộ LĐ-TBXH là cơ quan chủ trì CTMTQG giảm nghèo bền vững; Ủy ban Dân tộc và các Bộ, ngành có liên quan là thành viên Ban Chỉ đạo. Ban Chỉ đạo Trung ương vừa họp sơ kết 6 tháng đầu năm, tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo việc củng cổ bộ máy chính quyền địa phương rất quan trọng và cần thiết; nếu không kiện toàn bộ máy BCĐ thì sẽ không thể thực hiện được CTMTQG.

Nghị quyết của Chính phủ quy định việc hình thành bộ máy giúp việc BCĐ các cấp ở địa phương theo nguyên tắc: Không tăng biên chế, không tăng chi phí; không tạo ra từng nấc trung gian, không tăng thêm thủ tục hành chính; đảm bảo yêu cầu thiết thực, hiệu quả, xử lý nhanh công việc, thường xuyên theo dõi, đôn đốc và tổng hợp tình hình, kịp thời đề xuất, kiến nghị; UBND tỉnh Quyết định thành lập bộ máy giúp việc theo yêu cầu thực tiễn.

{keywords}
Ông Phạm Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn chia sẻ kinh nghiệm tại Hội thảo

Hiện nay, đã có 8 tỉnh, thành phố kiện toàn và thành lập bộ máy giúp việc BCĐ cấp tỉnh về giảm nghèo bền vững gồm: Bắc Kạn, Đồng Nai, Hòa Bình, Quảng Ngãi, thành phố Hồ Chí Minh, Thừa Thiên - Huế, Trà Vinh và Quảng Nam. Về mô hình tổ chức, thành phố Hồ Chí Minh, Trà Vinh thành lập Văn phòng giảm nghèo chuyên trách. Tỉnh Bắc Kạn thành lập Văn phòng điều phối CTMTQG nông thôn mới và giảm nghèo bền vững trực thuộc UBND tỉnh. Các tỉnh còn lại, Văn phòng giảm nghèo do UBND tỉnh Quyết định thành lập, đặt tại Sở LĐ-TBXH.

Về chức năng, nhiệm vụ của BCĐ là tham mưu xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo trên địa bàn; nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù của địa phương; xây dựng kế hoạch vốn, đề xuất bố trí, phân bổ vốn Chương trình, giám sát kết quả, tiến độ thực hiện; tham mưu, chuẩn bị nội dung các kỳ họp của BCĐ…

Theo ông Ngô Trường Thi, để BCĐ hoạt động hiệu quả, cần chủ động tham mưu, đề xuất, đồng thời tăng cường phối kết hợp theo chức năng, nhiệm vụ, chia sẻ thông tin. BCĐ thường xuyên nắm bắt thực tiễn, đề xuất giải pháp xử lý, tháo gỡ khó khăn; sử dụng công nghệ thông tin trong hoạt động. Đồng thời, xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo trong công việc.

Tại hội thảo, ông Phạm Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn, cho biết: Bắc Kạn hiện có 2 huyện nghèo thuộc diện hỗ trợ Chương trình 30a, 60 xã đặc biệt khó khăn, 153 thôn đặc biệt khó khăn thuộc diện đầu tư Chương trình 135 giai đoạn 2017 – 2020. Theo kết quả khảo sát năm 2017, toàn tỉnh có 26,61% hộ nghèo. Các chính sách giảm nghèo đã tác động tích cực, làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi; đời sống người dân từng bước được cải thiện và nâng cao. Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo của tỉnh chưa thật sự bền vững; số hộ thoát nghèo lên cận nghèo còn lớn, tỷ lệ tái nghèo hàng năm còn cao; đời sống của nhân dân, nhất là dân cư ở vùng nông thôn miền núi còn nhiều khó khăn.

Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011 – 2020 và Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư các chương trình muc tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020, Bắc Kạn quyết định thành lập Ban Chỉ đạo CTMTQG nhưng bộ máy giúp việc 2 cơ quan khác nhau: CTMTQG nông thôn mới do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan thường trực, CTMTQG giảm nghèo do Sở LĐ-TBXH là cơ quan thường trực nên dẫn đến sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, bộ máy cồng kềnh.

Từ những bất cập trên, ngày 1/1/2017, tỉnh Bắc Kạn quyết định Văn phòng điều phối xây dựng NTM và giảm nghèo trực thuộc UBND tỉnh. Theo đó, Văn phòng điều phối có chức năng tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý và tổ chức triển khai thực hiện các CTMTQG về NTM và giảm nghèo giai đoạn 2016 – 2020. Đến nay, Văn phòng điều phối đã ổn định về tổ chức, bộ máy, bước đầu đi vào hoạt động có hiệu quả.

Các đại biểu tham dự hội thảo cũng đã được nghe lãnh đạo một số Sở LĐ-TBXH chia sẻ kinh nghiệm về việc thành lập, quản lý và điều hành của Văn phòng giảm nghèo, Văn phòng điều phối tại các địa phương...

Thu Trà