Theo nghiên cứu độc lập của tập đoàn tư vấn Boston Consulting Group (BCG), việc người dân chia sẻ phương tiện giao thông vừa tăng hiệu quả giao thông (tính bằng số người/km) vừa dự tính giúp giảm thiểu 40% nhu cầu sở hữu xe ôtô cá nhân.

Giảm 27% lượng xe lưu thông

Theo khảo sát do Uber và công ty nghiên cứu thị trường Audience Project phối hợp thực hiện, người dân ở TP.HCM và Hà Nội đang phải đối mặt với tình trạng kẹt xe diễn biến ngày càng phức tạp.

Thống kê cho thấy, trung bình một ngày, người dân lãng phí tầm 58 phút tại Hà Nội và 45 phút đến 2 giờ đồng hồ tại TP.HCM chỉ vì ùn tắc giao thông. Chưa kể, vấn nạn này khiến cho công việc và tinh thần của người dân bị ảnh hưởng không ít. Cụ thể, trên 70% người dân phản hồi rằng họ bị trễ việc và cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi khi phải đối mặt với tình hình giao thông quá tệ như hiện nay.


Thống kê cho thấy, trung bình một ngày, người dân lãng phí tầm 58 phút tại Hà Nội và 45 phút đến 2 giờ đồng hồ tại TP.HCM chỉ vì ùn tắc giao thông.

Trong tình trạng giao thông căng thẳng này, mô hình chia sẻ phương tiện, tức tận dụng xe gắn máy và ô tô hiện có như một phương tiện công cộng nhằm thay thế cho sở hữu phương tiện cá nhân trở thành một giải pháp tiềm năng.

Theo nghiên cứu độc lập của tập đoàn tư vấn Boston Consulting Group (BCG), việc người dân chia sẻ phương tiện giao thông không chỉ tăng hiệu quả giao thông (tính bằng số người/km) mà được dự tính sẽ giúp giảm thiểu 40% nhu cầu sở hữu xe ô tô cá nhân ở Việt Nam.

Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, dịch vụ chia sẻ phương tiện được nhìn nhận là một sáng tạo công nghệ hàng đầu kết nối chặt chẽ giữa cung và cầu. Chỉ với một thao tác chạm, hành khách đã có thể bắt được xe trong vòng vài phút. Nếu dịch vụ chia sẻ xe được áp dụng rộng rãi và là lựa chọn ưu tiên đối với người dân thì trên 27% số phương tiện lưu thông trên đường phố sẽ được loại bỏ.

Không "đau đầu" tìm chỗ đậu xe

Một thực tế cho thấy, các bãi đậu xe tại khu vực trung tâm cả hai đầu cầu kinh tế TP.HCM và Hà Nội đang quá tải. Theo khảo sát của Uber, 63% người đồng tình rằng khó khăn trong việc tìm kiếm bãi đậu xe là vấn đề căng thẳng thứ hai sau ùn tắc giao thông.

Thực tế cho thấy, vấn đề về bãi đậu xe không chỉ là gánh nặng của các cấp quản lý mà còn là nỗi khổ của người dân khi phải gánh mức phí "trên trời". Anh Nguyễn Thanh An (nhân viên văn phòng) chia sẻ câu chuyện dở khóc dở cười: "Bây giờ có hẹn bạn bè chỉ dám đi ở khu vực gần nhà hay nơi có bãi đậu xe. Có lần ăn tiệc của công ty, uống hơi say nên tôi gửi xe qua đêm tại Saigon Center gọi Uber về, sáng hôm sau lấy xe mất hơn 300.000đ".

Cũng theo nghiên cứu độc lập của Công ty tư vấn Boston Consulting Group (BCG), nếu các dịch vụ chia sẻ phương tiện như Uber trở thành phương tiện di chuyển phổ biến thay thế cho phương tiện cá nhân thì ước tính lượng xe lưu thông sẽ giảm đi từ 40 - 70%. Điều này đồng nghĩa với việc tìm kiếm bãi đỗ xe sẽ dễ dàng hơn cho các “xế hộp”. Đồng thời, khi tình trạng ùn tắc giao thông giảm người dân sẽ được hít thở bầu không khí trong lành hơn, tiết kiệm được nhiều thời gian, tiền bạc.

Nếu áp dụng hình thức chia sẻ phương tiện, chúng ta có thể giảm đi khoảng 40-70% số xe đang lưu thông, đồng nghĩa với việc những người sử dụng phương tiện cá nhân sẽ tìm bãi đậu xe sẽ dễ dàng hơn.

Hỗ trợ giải quyết những vấn đề giao thông

Một trong những giải pháp để giảm thiểu tình trạng kẹt xe là khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng Việt Nam còn nhiều hạn chế, đồng thời việc sử dụng của người dân còn nhiều bất tiện do điểm dừng đậu xe buýt chưa chắc đã gần nơi ở. Vì thế, việc chia sẻ phương tiện phần nào đẩy mạnh thói quen sử dụng phương tiện công cộng của người dân từ đó thành tiền đề tạo thói quen chung của xã hội.

Bằng việc hỗ trợ đưa đón người dân đến hoặc về từ trạm xe buýt, xe điện ngầm… các dịch vụ như Uber góp phần làm tăng tỉ lệ sử dụng phương tiện công cộng của người dân.

Ở thời điểm hiện tại, Việt Nam đang chú trọng đầu tư vào cơ sở hạ tầng, tiêu biểu là xây dựng tuyến đường Metro và nhiều cây cầu như 2 cầu vượt ở cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất và cầu vượt tại vòng xoay Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn để giải quyết kẹt xe. Tuy nhiên, trong quá trình thi công, lô-cốt dựng lên vẫn khiến cho việc ùn tắc phức tạp và hình thức chia sẻ phương tiện sẽ giúp làm dịu căng thẳng trong thời điểm này.

Đơn cử ở một số nơi tại Hoa Kỳ, chính phủ lùi thời điểm xây dựng cơ sở hạ tầng, đồng thời tăng cường phối hợp với các dịch vụ chia sẻ phương tiện để giảm tần suất ách tắc. Nếu áp dụng ở Việt Nam, mỗi người lao động sẽ tiết kiệm được khoảng 1 giờ đồng hồ mỗi ngày, và những vấn đề về hạ tầng cũng sẽ được giải quyết hiệu quả khi nhà nước chủ động trong thời điểm triển khai, tránh đầu tư lãng phí.

Thanh Triết