- Tháp chùa Thiên Mụ danh tiếng in bóng xuống dòng sông Hương êm dịu. Phía trước những bậc thềm rêu phong, có một cõi u tịch. Chính tại nơi đó, chiếc ôtô Austin huyền màu thời gian nằm lặng lẽ đã gần 50 năm, sau khi mang trái tim của Bồ Tát Thích Quảng Đức tới ngã tư Phan Đình Phùng – Lê Văn Duyệt (Sài Gòn cũ) để rồi trở thành trái tim bất tử.

Di vật của lòng yêu nước

Trong từng đoàn phật tử, khách hành hương sau những giây phút tham thiền tại phật đường, quay ra ngước mắt lên tháp chùa Thiên Mụ danh tiếng. Ngọn tháp bao đời vẫn đứng trầm mặc nhìn về phía dòng sông Hương vẫn lững lờ chảy. Không gian gợi về một cõi hư vô, thanh khiết tận cõi lòng.

Chiếc xe từng chở Hoà thượng Thích Quảng Đức đến điểm tự thiêu để phản đối sự tàn ác của đế quốc xâm lược và chế độ độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm, nay được bảo quản ở chùa Thiên Mụ, TP. Huế - Ảnh: Duy Tuấn
 
Nhưng có một không gian khác, nơi dòng người đứng trước một chiếc ga-ra nhỏ, phía trong có một chiếc ôtô cũ mang màu xanh nhạt, phần sơn thì đã tróc loang lổ được ngăn với không gian bên ngoài bởi một tấm chắn gỗ và chiếc bảng sơn màu trắng mang dòng chữ khá to: Di Vật.

Những dòng chữ phía dưới chú thích lai lịch chiếc xe liên quan đến một con người đáng kính: Hòa thượng Thích Quảng Đức, nhân vật nổi tiếng ở Việt Nam và trên toàn thế giới bằng cuộc tự thiêu phản đối chính quyền độc tài Ngô Đình Diệm trong cuộc kháng chiến chống Đế quốc Mỹ xâm lược.

Ngày đáng nhớ đó là 11 tháng 6 năm 1963. Chế độ họ Ngô cũng sụp đổ vài tháng sau sự kiện này. Những người đứng trước chiếc xe đưa Hòa thượng Thích Quảng Đức về nơi hóa thân và được tôn vinh là bồ tát, để lại cõi hồng trần trái tim hình bông sen, không lửa nào có thể thiêu cháy. Chiếc xe thành di vật, để lưu dấu lại tất cả những gì đã xảy ra trong một ngày cách đây gần 50 năm.

Không cần một lời giải thích nào cả vì phía trong ga-ra, xung quanh chiếc xe di vật - Austin đã trở nên nổi tiếng này có treo 3 bức ảnh, cũng đã trở thành di vật: Một bức chụp cảnh Hòa thượng Thích Quảng Đức mặc áo cà sa màu vàng đang ngồi kiết già với ngọn lửa dần trùm phủ toàn thân; hai bức còn lại là ảnh trái tim bất diệt và cảnh Hòa thượng đang ngồi viết lời nguyện cầu cho những người còn lại ở cõi thế.

Trong số dòng người đang chiêm ngưỡng chiếc xe di vật, một phụ nữ luống tuổi, là phật tử của chùa Thiên Mụ bắt đầu hồi tưởng lại những ký ức bằng lời, như tái hiện lại cảnh chân thực với những người xung quanh.

Tấm bảng nằm trước chiếc xe ghi rõ lai lịch của chiếc xe trong sự kiện tự thiêu của vị bồ tát sống Thích Quảng Đức. Nay trái tim đó đã trở thành bất tử. Ảnh: Duy Tuấn
 
Khi đó bà đang cùng gia đình ở Nha Trang. Tiết trời tháng 6 như thiêu đốt, như dự báo sắp có một sự kiện to lớn sẽ xẩy ra giữa sự bức bối của tiết trời và trong lòng người với chế độ độc tài Ngô Đình Diệm. Ở nơi cách xa Sài Gòn đến hàng trăm cây số, nhưng tin tức về Hòa thượng Thích Quảng Đức vẫn đưa về tường tận mọi chi tiết: Ngài mặc rất nhiều lớp áo phía trong lớp cà sa nhà Phật, bên ngoài che phủ bằng áo bình thường để che lấp những ánh mắt soi mói của cảnh sát ngụy Sài Gòn.

Chỉ khi rời khỏi cửa xe, tọa sen giữa ngã tư và lửa bùng lên, tất cả xung quanh mới kịp hiểu đó là thời khác hóa thân của vị Bồ tát cho sự vững bền của một niềm tin trong cõi thiện. Câu chuyện của phật tử nhẹ thoảng trong tiếng lá xào xạc rơi trước sân ngôi chùa cổ kính, trong khi những dòng người thay nhau vào chiêm ngưỡng chiếc ôtô...

Ngọn lửa chính nghĩa bất diệt

Giữa hai khoảng thời gian tụng kinh, dâng lời cầu nguyện cho khách dâng hương, có một vị hoà thượng cao tuổi đã dành cho người quan tâm đến chiếc xe di vật câu chuyện đã xảy ra trong quá khứ.

Bậc trưởng lão khiêm tốn không tiết lộ ngôi vị nhà phật cũng như tuổi tác của mình. Trong tiếng cười sảng khoái, cụ cho biết, mình đã trông nom ngôi chùa này 49 năm, kể từ năm 1962, trước ngày Hòa thượng Thích Quảng Đức hóa thân một năm.

Lai lịch chiếc ôtô di vật – Austin vốn là của một phật tử chùa Thiên Mụ có tên là Trần Quang Thuận, pháp danh Tâm Đức đã có duyên với Phật sự khi cho mượn để đưa rước Hòa thượng Thích Quảng Đức từ chùa Ân Quang tới ngã tư Phan Đình Phùng – Lê Văn Duyệt.

Sau đó Nha cảnh sát Sài Gòn đã thu giữ chiếc xe như một vật chứng.

Hình ảnh Hoà thượng Thích Quảng Đức tự thiêu vào ngày 11/6/1963 tại ngã tư Phan Đình Phùng - Lê Văn Duyệt (Sài Gòn cũ). Ảnh tư liệu.
 
Phải 2 năm sau, năm 1964 khi ông Trần Quang Thuận tiến cúng lại chiếc xe cho chùa Thiên Mụ, các vị sư trong chùa đã làm đơn xin chiếc xe về trưng bày làm di vật, chiếc xe Austin mới được đưa từ Sài Gòn ra Huế và nằm lại đó với thời gian.

Một tài liệu của nhà phật khi viết về tiểu sử thân thế của Bồ tát Thích Quảng Đức cũng có nhắc đến sự hiện diện của chiếc xe này: Người lái chiếc xe của Phật tử Trần Quang Thuận gửi ở chùa Ân Quang đưa Hòa thượng Thích Quảng Đức tới ngã tư Phan Đình Phùng – Lê Văn Duyệt, trước tòa Đại sứ Cao Miên (Campuchia), dừng lại đó, làm bộ chữa xe để Hòa thượng bước xuống đường.

Bồ tát Thích Quảng Đức khoan thai bước xuống xe, chắp tay xá bốn phương, rồi tĩnh tại ngồi kiết già trên đường, mặt quay về hướng tây, miệng lâm râm niệm Phật. Khi bàn tay Bồ tát Thích Quảng Đức vừa thả que diêm xuống, ngọn lửa bùng lên rừng rực như bó đuốc khổng lồ bao quanh người. Nhưng người vẫn tĩnh tại ngồi kiết già, tay chắp trước ngực, gương mặt không lộ chút nét đau đớn.

Tăng ni, phật tử bao quanh ngọn lửa đang bùng lên dữ dội. Người lâm râm tụng kinh, người hô to khẩu hiệu chống chính quyền. Nhiều người, kể cả một số cảnh sát chống biểu tình đã quỵ xuống khóc và lạy bồ tát đang vị pháp thiêu thân…

“Tôi pháp danh Thích Quảng Đức, hòa thượng trụ trì chùa Quán Thế Âm Phú Nhuận (Gia Định). Nhận thấy nước nhà đương lúc ngả nghiêng, tôi là một tu sĩ mệnh danh trưởng tử của Như Lai không lẽ cứ ngồi điềm nhiên tọa thị để cho Phật pháp tiêu vong, nên tôi vui lòng phát nguyện thiêu thân giả tạm này cúng dường chư Phật để hồi hướng công đức bảo tồn Phật giáo” - tâm thư của Bồ tát Thích Quảng Đức để lại.

Tất cả những điều đã biết về chiếc ôtô di vật trong ngôi chùa Thiên Mụ nổi tiếng thực ra chỉ là những nét chấm phá cơ bản, phần còn lại nằm sau lớp bụi thời gian.

Sau lớp bụi đó, còn là lớp lớp các thế hệ đã đóng góp cho sự trường tồn của đân tộc Việt Nam. Giống như trái tim bất tử của Bồ tát Thích Quảng Đức, vẫn rực ánh lửa về niềm tin của cái thiện, tình yêu đất nước bất diệt.

Sa Hà - Duy Tuấn