Lần đầu tiên, một chiếc ô tô đã được cải tạo thành công dành cho người khuyết tật. Chiếc xe sẽ được đưa vào sử dụng trong vài ngày tới, đánh dấu việc điều khiển ô tô của người khuyết tật tại Việt Nam.
Cục Đăng kiểm Việt Nam cho hay, chiều ngày 16.6, Cục này vừa hoàn tất kiểm định và cấp chứng nhận kiểm định cho một chiếc xe ô tô nhãn hiệu Toyota Landcruise 6 chỗ ngồi dành cho người khuyết tật điều khiển.
Anh Nguyễn Thế Cương - một người khuyết tậ đang học tại Trung tâm đào tạo nghề và sát hạch lái xe Đông Đô (tại huyện Lương Tài, Bắc Ninh). |
Giấy chứng nhận này cấp cho Cục Hợp tác quốc tế thuộc Bộ Văn hoá- Thể thao và Du lịch nhằm phối hợp thực hiện chương trình truyền hình của đài BBC (Anh). Chương trình được thực hiện thông qua chuyến đi du lịch bằng xe máy và 1 xe ô tô dọc theo đường Hồ Chí Minh của 6 người khuyết tật nhưng đã vượt lên chiến thắng bệnh tật và khẳng định được vị trí trong xã hội. Chương trình này nhằm ủng hộ người khuyết tật trên toàn thế giới và quảng bá hình ảnh, đất nước con người Việt Nam.
Để thực hiện chương trình này, một chiếc ô tô nhãn hiệu Toyota Landcruise 6 chỗ ngồi nguyên bản được thuê tại Việt Nam đã được cải tạo để người khuyết tật có thể điều khiển trong chương trình.
Theo đó, tại vị trí lái, chân phanh và chân ga được nâng lên cao. Sàn xe tại vị trí lái cùng được lắp đặt một mặt phẳng cao hơn sàn nguyên bản. Với kết cấu này, người khuyết tật bị cụt chân có thể phanh và tăng ga bằng chân.
Vô lăng được lắp thêm phanh tay và núm tròn để có thể điều khiển 1 tay |
Hệ thống chân phanh và chân ga và sàn xe tại vị trí lái sau cải tạo |
Ngoài ra, hệ thống phanh chân này cũng đồng thời được chuyển đổi thành cơ cấu phanh tay cạnh vô lăng để người khuyết tật có thể kéo bằng tay. Bộ phận tay lái cũng có lắp thêm tay nắm để có thể dùng một tay cho linh hoạt.
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, đây được coi là chiếc ô tô đầu tiên được cải tạo để cho người khuyết tật sử dụng từ trước đến nay tại Việt Nam.
Đây cũng là hoạt động liên quan đến quy định cho phép người khuyết tật học và điều khiển ô tô có hiệu lực tại Việt Nam từ 1.6.2017. Theo quy định này, người khuyết tật lái xe số tự động áp dụng các điều kiện sức khoẻ của người lái xe hạng B1 (ô tô chở người dưới 9 chỗ, xe tải dưới 3,5 tấn) với nhiều điều khoản mở hơn đối với lái xe hạng B2 trở lên. Chẳng hạn người bị cụt hoặc mất chức năng 1 bàn tay hoặc 1 bàn chân, bệnh nhân sau mổ tim… vẫn được lái xe. Thị lực đối với người lái xe hạng B1 cũng yêu cầu thấp hơn hạng B2 trở lên.
Cho đến nay, Trung tâm đào tạo nghề và sát hạch lái xe Đông Đô (tại huyện Lương Tài, Bắc Ninh) – đơn vị đầu tiên tiến hành đào tạo cho người lái xe ô tô khuyết tật đã tiếp nhận 10 hồ sơ. Một nguồn tin cho hay, Sở GTVT Hà Nội đang họp bàn để chọn lọc và đưa chương trình đào tạo lái xe ô tô cho người khuyết tật tại một hoặc hai cơ sở đào tạo.
Để có thể học và điều khiển xe ô tô, người khuyết tật cần phải trang bị ô tô số tự động. Trường hợp phải cải tạo để phù hợp khiếm khuyết của cơ thể, chiếc ô tô này phải được cơ quan chức năng kiểm định và chấp thuận. Cục Đăng kiểm cho hay, các quy định về cải tạo xe được quy định tại Thông tư số 85/2014/TT-BGTVT về cải tạo phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Theo thông tư này, xe người khuyết tật cải tạo cung cấp phương án thiết kế cho Cục Đăng Kiểm hoặc Sở GTVT xem xét phê duyệt trong tối đa 7 ngày làm việc. Khi hoàn thành lắp đặt, việc kiểm định và cấp chứng nhận không quá 2 ngày.
(Theo Tiền Phong)