XEM VIDEO: Hành trình húc đổ cổng Dinh Độc Lập của 2 xe tăng
Trưa 30/4/1975, hai chiếc xe tăng mang số hiệu 390 và 843 của quân giải phóng cùng tiến vào húc đổ cổng phụ, cổng chính và cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập - cơ quan đầu não cuối cùng của chính quyền Sài Gòn.
2 xe tăng này được Thủ tướng ký quyết định công nhận Bảo vật quốc gia đợt 1, ngày 1/10/2012.
Xe tăng T-54B số hiệu 843 đang được lưu giữ và trưng bày tại bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam (28B Điện Biên Phủ, Hà Nội).
Xe thuộc đại đội 4, tiểu đoàn 1, lữ đoàn Tăng thiết giáp 203, quân đoàn 2 do đại đội trưởng Bùi Quang Thận làm trưởng xe, kíp xe gồm Thái Bá Minh - pháo thủ số 1, Nguyễn Văn Kỷ - pháo thủ số 2, Lữ Văn Hỏa - lái xe.
Xe tăng 843 đã tiến vào Huế, Đà Nẵng, sau đó tiếp tục hành quân dọc các tỉnh ven biển miền Trung và thẳng tiến về Sài Gòn với tinh thần “thần tốc và quyết thắng”. Từ ngày 26 đến 29/4/1975, xe tăng 843 đã tham gia chiến đấu đập tan tuyến phòng thủ của địch ở căn cứ Nước Trong.
Sau ngày thống nhất, xe tăng 843 được lệnh ra tiếp quản cảng Nhà Bè (nay là cảng Nhà Rồng) rồi hành quân về Tổng kho Long Bình. Sau đó, xe được đưa ra Hà Nội dự triển lãm mừng ngày thống nhất. Kết thúc triển lãm, xe tăng 843 trở về làm nhiệm vụ huấn luyện tại lữ đoàn 203 cho đến năm 1979 thì được đưa về trưng bày tại bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.
Chiếc xe tăng do Liên Xô chế tạo và viện trợ cho Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ. Mặc dù không còn hoạt động từ lâu nhưng xe tăng 843 vẫn còn giữ được gần như nguyên bản, chỉ thay thế một số bộ phận nhỏ han gỉ hỏng hóc. Lớp sơn được thay mới hoàn toàn |
Hai bên tháp pháo có sơn ngôi sao vàng trên nền vòng tròn đỏ viền vàng với số hiệu 843 được sơn trắng |
Dù được sửa chữa và phủ lên lớp sơn mới nhưng trên tháp pháo vẫn còn in hằn những "vết thương" chiến tranh |
Hai chiếc xe tăng lịch sử đã cùng nhau tiến vào Dinh Độc Lập, cùng nhau trải qua bao thăng trầm khác nhau. Phiên bản khác ở Dinh |
Xe tăng T-59 số hiệu 390 cũng cùng đơn vị với chiếc 843, đang được trưng bày ở bảo tàng Tăng thiết giáp (108 Hoàng Quốc Việt, Hà Nội).
Xe do chính trị viên Vũ Đăng Toàn chỉ huy, kíp xe gồm Ngô Sĩ Nguyên - pháo thủ số 1, Lê Văn Phượng - đại đội phó kỹ thuật (thay thế pháo thủ số 2 Đỗ Cao Trường bị thương phải ở lại tuyến sau), Nguyễn Văn Tập - lái xe.
Dù là xe đầu tiên tiến vào khu vực cổng chính của Dinh Độc Lập nhưng xe tăng 843 lại bị kẹt ở cổng phụ, ngay lập tức chiếc xe tăng 390 đã nhanh chóng tiến vào húc tung cổng chính. Điều này dẫn đến việc khó xác minh được xe tăng nào đã húc đổ cổng Dinh Độc Lập đầu tiên, mãi đến khi nhờ bức ảnh tư liệu của nữ nhà báo Françoise Demulder (Pháp) công bố vào năm 1995, thì mới được xác nhận được.
Xe tăng 390 sau năm 1975 tiếp tục hành trình, rong ruổi khắp chiến trường Campuchia, đến năm 1999 được đưa về bảo tàng Tăng thiết giáp.
Đây là xe tăng chiến đấu hạng trung do Trung Quốc sản xuất trên mẫu xe T54A của Liên Xô và được viện trợ cho Việt Nam năm 1969 |
Xe có màu sơn xanh lá cây, tháp pháo sơn số 390 màu trắng, phía trước tháp pháo có phù hiệu sao 5 cánh màu vàng trong vòng tròn màu đỏ |
Xe tăng được trưng bày dưới tầng hầm tại bảo tàng bên cạnh những "chiến hữu thép" cùng binh chủng |
Phiên bản khác của 390 ở Dinh Độc Lập |
Ảnh tư liệu duy nhất ghi lại khoảnh khắc lịch sử ngày 30/4/1975 cũng là bức ảnh làm nên tên tuổi của nữ nhà báo Pháp Françoise Demulder |
Bản sao của 2 xe tăng cũng được trưng bày tại Dinh Độc Lập.
Theo hồ sơ di sản, tư liệu Cục Di sản văn hóa: Xe tăng T59 số hiệu 390, xe tăng T54 số hiệu 843 đóng vai trò quan trọng trong thời khắc lịch sử quyết định của chiến dịch Hồ Chí Minh.
T.Nam - Video: Bảo tàng Tăng thiết giáp
Trại Davis và ký ức vị đại tá những ngày chiến đấu giữa lòng Sài Gòn
Đại tá Đào Chí Công chia sẻ kỷ niệm trong thời kỳ hoạt động ở Trại Davis - “trận địa tiền tiêu” ngay giữa lòng Sài Gòn những ngày tháng lịch sử năm 1975.