- Hệ thống thành luỹ cổ bằng đá vừa được phát hiện tại đỉnh Đèo Bụt, thuộc dãy núi Hoành Sơn (Hà Tĩnh). Nhiều nhà khoa học khẳng định, đây là công trình kiến trúc cổ giá trị, độc đáo bậc nhất Bắc Trung bộ còn nguyên vẹn.

Ông Lê Bá Hạnh, Phó GĐ Bảo tàng Hà Tĩnh cho biết, hệ thống thành lũy này được ghép bằnh những viên đá đã được cắt gọt, vuông vức theo phương thẳng đứng. Độ cao của thành lũy hơn 3m, phía mặt trên thành khá bằng phẳng, nơi rộng nhất khoảng 2m và hẹp nhất từ 1,2 - 1,5m.

Hệ thống thành lũy bằng đá này nằm về phía Bắc của dãy Hoành Sơn Quan theo trục Đông - Tây, mặt trước thành hướng về phía Nam, chiều dài ước tính hàng chục kilômét và khả năng còn kéo đến tận địa phận tỉnh Quảng Bình. Hiện mới chỉ phát hiện được một đoạn thành lũy còn khá nguyên vẹn dài khoảng 500m.


Theo chiều dài của thân thành lũy cứ cách nhau khoảng 3-4m lại được trổ hỏa hiệu kiểu dạng hình phễu, mặt trước to, mặt sau thu nhỏ lại, khả năng khi xây dựng công dụng của thành là vừa để thoát nước vừa quan sát đánh trả kẻ địch lúc công phá thành.

Ở vị trí đặt hỏa hiệu hai bên có xây bậc theo kiểu tam cấp cho quân lính lên xuống thành lũy thuận tiện, đồng thời có địa điểm để tập kết quân lính được đào sâu dưới chân thành về phía Bắc gọi là hộc đóng quân, có kích thước hình vuông mỗi chiều dài từ 4,5-5m...

Ông Hồ Bách Khoa, Trưởng ban quản lý Khu di tích đại thi hào dân tộc Nguyễn Du, một trong những người đầu tiên phát hiện ra hệ thống thành lũy bằng đá cổ này cho biết, trước đó vào khoảng năm 1993 sau hàng chục lần lên khu vực đèo Bụt và cả vùng rừng núi Hoành Sơn tìm kiếm đã phát hiện ra được hệ thống thành lũy đá cổ này.

Theo ý kiến bước đầu của một số nhà nghiên cứu văn hóa, di sản, rất có khả năng hệ thống thành lũy đá cổ này là dấu tích còn lại trong hệ thống thành lũy cổ của vương quốc Lâm Ấp (thời kỳ Đại Việt - Champa) với chiều dài trên 30km do vương quốc Lâm Ấp xây dựng dựa vào dãy Hoành Sơn, với mục đích phòng thủ bảo vệ biên giới...

Đến giai đoạn Trịnh - Nguyễn phân tranh thì hệ thống thành lũy đá cổ này mới tiếp tục được chúa Trịnh Toàn củng cố thêm, cho nên người dân địa phương vẫn còn gọi là lũy Ông Ninh (Ninh Quận công - Trịnh Toàn).

Đây là một hệ thống công trình thành lũy cổ bằng đá rất độc đáo, được xây dựng với kỹ thuật kiến trúc bậc cao, có giá trị văn hóa, lịch sử và có ý nghĩa rất quan trọng”, ông Hạnh nói thêm.

Ông Lê Văn Cương (67 tuổi, nhà ở xóm Lạc Thắng, xã Kỳ Lạc) cho biết “Thành lũy đá cổ này được xây từ lâu lắm. Từ đời cố tôi đã thấy có rồi. Đặc biệt, trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, đây còn là nơi hành quân, trú ẩn, chiến đấu an toàn của quân và dân ta”.

Cùng chiêm ngưỡng hình ảnh thành luỹ cổ do VietNamNet ghi lại:

Duy Quang