Trận đánh bất ngờ

Ông Phạm Xuân Thệ chia sẻ, dù chiến dịch Đường 9- Nam Lào đã diễn ra cách đây nửa thế kỉ nhưng ông vẫn nhớ như in kỉ niệm chỉ huy đơn vị tham gia đánh chiếm ngã ba Bản Đông trong chiến dịch năm ấy.

{keywords}
Trung tướng Phạm Xuân Thệ (người thứ 4, từ phải sang), tay bắt mặt mừng khi được hội ngộ cùng các đồng chí, đồng đội tại hội thảo.

Ngày 8/2/1971, Mỹ và quân đội ngụy Sài Gòn chính thức tiến hành chiến dịch Hành quân Lam Sơn 719.

Tháng 2/1971, ông Thệ được đề bạt quân hàm Thiếu úy và điều động sang làm Đại đội trưởng Đại đội 10 Tiểu đoàn 9.

Ngày 16/3, Đại đội 10 hành quân vào vị trí tập kết chiến đấu. Đến khoảng 1h sáng hôm sau, tổ trinh sát của tiểu đoàn phát hiện lực lượng xe tăng và xe thiết giáp địch bố trí trên trục đường hành quân của Đại đội.

Khi đang tìm cách đưa đội hình của Đại đội tránh lực lượng xe tăng của địch thì bị chúng phát hiện và nổ súng bắn vào đơn vị ông.

{keywords}
Máy bay của địch bị quân ta tiêu diệt trong chiến thắng Đường 9- Nam Lào. (Ảnh: Viện lịch sử quân sự Việt Nam).

Lập tức, Đại đội 10 triển khai đội hình thành 2 hướng tiến công vào lực lượng xe tăng của địch tại ngã ba Bản Đông. Trận đánh kéo dài đến khoảng 3h sáng.

Ông Thệ thuật lại tỉ mỉ rằng, bộ đội Đại đội 10 sử dụng súng B40, B41 và ĐKZ bắn cháy một số xe tăng và xe thiết giáp của địch, khói lửa cao ngút trời. Địch cũng phản công quyết liệt, dùng pháo và đại liên trên xe bắn xối xả.

Khi đó, ông giơ tay chỉ cho chiến sĩ Nguyễn Văn Chước (quê ở Vĩnh Phúc) là xạ thủ B41 bắn chiếc xe tăng đang chồm lên trước mặt.

“Chước xoay người siết cò, một quầng lửa bùng lên, quả đạn lao thẳng vào chiếc xe tăng làm nó khựng lại rồi bùng cháy. Chính khoảnh khắc này, hào hùng và thiêng liêng, luôn in sâu vào tâm trí của tôi”, ông Thệ nói.

“Ngay sau đó, một chiếc xe tăng khác của địch lại chồm lên, tôi định giơ tay trái chỉ mục tiêu cho đồng chí Chước bắn tiếp, nhưng lại thấy cánh tay nặng trĩu. Dưới ánh pháo sáng, tôi biết mình bị thương cả hai tay.

{keywords}
Đồng chí Lê Duẩn-Bí thư thứ nhất BCHTW Đảng nói chuyện thân mật với các đại biểu dự hội nghị tổng kết chiến dịch phản công Đường 9- Nam Lào.(Ảnh: Viện lịch sử quân sự Việt Nam).

Tôi cố cắn răng chịu đựng, tiếp tục chỉ huy đơn vị chiến đấu. Sau đó, tôi ngất lịm đi khi tiếng súng đã ngớt dần”, những kí ức của nửa thế kỉ trước được ông kể rành mạch như mới vừa xảy ra.

Khi tỉnh lại, ông được đồng đội cho biết, được sự chi viện từ Đại đội 9, phần lớn xe tăng, xe thiết giáp của địch bị bắn cháy. Số còn lại bỏ lại phương tiện, vũ khí tháo chạy về phía Nam Bản Đông.

Được biết, trận đánh địch ngày 17/3/1971 tại ngã ba Bản Đông là trận đánh bất ngờ, không được chuẩn bị trước nhưng ông và đơn vị luôn cố gắng hoàn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Tất cả đều chiến đấu vì lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc.

Ngay sau trận đánh, ông được anh em đưa về trạm phẫu thuật của Trung đoàn, sau đó chuyển về bệnh viện của Sư đoàn.

{keywords}
Hội thảo khoa học Đường 9- Nam Lào với chủ đề giá trị lịch sử và hiện thực.

“Tôi bị thương cả hai tay, rất nặng nhưng trong thời gian điều trị, tôi luôn chú ý nghe tin tức trên đài phát thanh. Đặc biệt là chương trình sổ tay chiến sự để biết tình hình chiến đấu của đơn vị.

Nghe tin chiến thắng từ Mặt trận Đường 9 - Nam Lào, tôi rất tự hào và nhớ đơn vị, đồng đội thân yêu của mình.

Cũng có chút tiếc nuối vì mình đã bị thương trong trận đầu tiên, không thể cùng đồng đội chiến đấu đợi đến ngày chiến dịch thắng lợi hoàn toàn”, ông Thệ bồi hồi kể.

Thiên hùng ca Đường 9 - Nam Lào

Ngày 23/3/1971, Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào kết thúc thắng lợi. Ta đánh bại hoàn toàn cuộc hành quân “Lam Sơn 719”, loại khỏi vòng chiến đấu trên 2 vạn quân địch. Đánh thiệt hại nặng 6 trung đoàn, lữ đoàn, 13 tiểu đoàn bộ binh, pháo binh, phá hủy 1.100 xe quân sự (có 528 xe tăng, thiết giáp), hơn 100 khẩu pháo lớn, bắn rơi hơn 500 máy bay…

{keywords}

Máy bay của địch bị quân ta tiêu diệt. (Ảnh: Viện lịch sử quân sự Việt Nam).

“Trong chiến thắng chung đó, có phần đóng góp không nhỏ của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 304. Và tôi, rất vinh dự vì đã góp một phần xương máu của mình vào chiến thắng vẻ vang đó.

Từ ngày nhận được tin anh cả hy sinh, tôi luôn ấp ủ được lên đường chiến đấu, tiếp bước chân anh đi đánh giặc, cứu nước. Giờ đây tôi đã thỏa được ước mong”, ông Thệ xúc động chia sẻ.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng viết trong bản tham luận gửi tới hội thảo: “Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào đã đánh bại cuộc hành quân Lam Sơn 719 của kẻ thù, viết nên một thiên anh hùng ca mang tên Đường 9 - Nam Lào, tạo thế và lực mới cho cách mạng miền Nam.

Hội thảo khoa học về chiến thắng Đường 9 - Nam Lào là dịp để chúng ta nhìn lại những chiến công hiển hách được xây đắp nên bằng sự cống hiến, hy sinh của các thế hệ cha anh. Càng tự hào về chặng đường chiến đấu vinh quang của quân và dân ta trong cuộc chiến tranh giải phóng đất nước”.

Hương Lài

Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào, đòn chí mạng vào nguỵ quân Sài Gòn

Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào, đòn chí mạng vào nguỵ quân Sài Gòn

Hôm nay (19/3), tại TP Đông Hà, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971 giá trị lịch sử và hiện thực.