"Khả năng tư duy sáng tạo hướng tới lợi ích khách hàng" là bài học quan trọng giúp Nguyễn Huy Cường giành được chiến thắng tại cuộc thi Sư tử trẻ, Liên hoan quảng cáo Việt Nam 2011.

Chào Cường, chúc mừng bạn và đội Deadline. Bạn có bất ngờ với kết quả của đội mình trong đêm trao giải Sư tử trẻ vừa rồi?

Rất bất ngờ, nhưng cũng rất chờ đợi. Thậm chí khi ngồi nghe công bố giải, mình đã nhẩm tên đội mình cùng lúc với giám khảo. Cả mình và anh Hiếu (người cùng đội Deadline) vẫn nghĩ là các bạn đến từ các công ty quảng cáo nước ngoài sẽ lại dành chiến thắng. Vậy nên khi giành giải, niềm vui nhân gấp đôi vì ngoài việc là đội chiến thắng, đội mình còn là những người đầu tiên đến từ công ty truyền thông Việt Nam đoạt được giải thưởng này.


Võ Hoàng Hiếu và Nguyễn Huy Cường chia sẻ hạnh phúc với báo chí sau khi nhận được giải nhất cho thể loại quảng cáo báo chí tại Liên Hoan Quảng cáo VN 2010
4 poster được thể hiện dưới dạng những trang nhật ký đã mang lại cho đội Deadline suất tham dự liên hoan hoan quảng cáo Cannes Lions vào tháng 6 năm sau. Vì sao các bạn lại chọn cách thể hiện này?

Vì đây là hình thức rất gần gũi với các bạn học sinh. Bản thân mình ngày xưa cũng rất hay viết nhật ký. Mình thấy nó là phương tiện phản ánh chân thật nhất đời sống nội tâm, suy nghĩ của lứa tuổi học đường nên sẽ là phương tiện truyền tải rất tốt những thông điệp của đề tài mang tính bức xúc và tính xã hội cao như đề tài về Bạo lực học đường.

Vậy bí quyết giúp đội Deadline giành giải thưởng trong cuộc chiến 24 giờ hết sức gay cấn vừa qua là gì?

Câu “What’s in it for me?” - “trong đó có gì cho tôi” luôn nằm trong đầu. Đây là câu nói mà sếp mình ở công ty luôn nói đến trong mọi buổi training và mỗi lần nhận xét tác phẩm của nhân viên. Bạn không thể tạo ra một sản phẩm thiết kế, một slogan gây hiệu ứng khiến mọi người phải nhớ đến nếu nó không gợi được trong họ sự đồng cảm, không thấy mối liên hệ nào với lợi ích, nỗi sợ hãi…của chính họ. Nếu cái tôi sáng tạo của mình không tìm gặp được lợi ích của khách hàng, bạn là người thất bại.

Tác phẩm Nhật ký bạo hành học đường của Hiếu và Cường
Điều tiếp theo nữa là phải biết nhường nhịn và lắng nghe ý kiến của nhau. Mình và anh Hiếu đã có từng thời gian làm việc chung, cá tính thẩm mỹ có nhiều nét tương đồng vậy mà trong những phút cuối cùng, khi gần hết giờ hai anh em tranh còn tranh luận nảy lửa tới mức suýt cãi nhau to. Kinh nghiệm bản thân cho thấy rằng, những thời khắc quan trọng, vấn đề ai giỏi hơn phải đặt lại sau mục tiêu chung của cả đội.

Bạn có thể kể một chút về 24 giờ nghẹt thở của ngày thi chung kết?

Nói chung thì chỉ nghẹt thở khoảng 15 tiếng thôi. Còn đâu thì thở đều vì lỡ ngủ quên và quá mệt (cười). 8 giờ tối hôm trước các nhóm nhận được đề tài. Đến tận 5 giờ chiều hôm sau đội mình mới rút ra được concept (ý tưởng). Mình cũng lo lắng vô cùng vì lần đầu tiên đảm nhận vị trí copywriter, viết lời cho tác phẩm. Đến khoảng 8 giờ thì nộp bài. Một ngày trời trong phòng không điện thoại, không internet, không máy tính và chỉ có một kho hình ảnh giới hạn duy nhất từ ban giám khảo với rất nhiều áp lực và không ít mâu thuẫn. Nói chung là 24 giờ căng thẳng nhưng thú vị vô cùng.

Theo bạn thì đâu là kỹ năng mà nhiều bạn thiết kế đồ họa trẻ ở Việt Nam hiện nay còn thiếu?

Kỹ năng tư duy sáng tạo hướng tới lợi ích của khách hàng. Với mình thì 80% thành công của mình là nhờ nắm được quan điểm sáng tạo phải mang tính chiến lược này. Khi mới đi làm, mỗi lần được giao thiết kế, mình “tham” lắm, chi tiết nào mình cho là hay, là đẹp mình đều cố nhét vào tác phẩm. Đến khi sếp la là em làm rối và lu mờ thông điệp của khách hàng thì mới vỡ ra mình lỡ “quên” khách hàng. Đây là bài học rất có ý nghĩa mà mình may mắn có được khi làm việc cùng chị Vân Quỳnh, sếp trực tiếp và các anh chị tại Buzz Communication.

  • Hoàng Hà - Ngọc Mai (thực hiện)