Gần 7 thập niên sau khi Tokyo bị đánh bại trong Thế chiến II, những ký ức đắng cay và sự kình địch hiện thời đang làm căng thẳng quan hệ giữa Nhật với Trung Quốc và Hàn Quốc, làm tăng nguy cơ tuyệt giao khi ba nước đang sắp có những thay đổi về lãnh đạo.

Nhật có những tranh chấp lãnh thổ với cả Hàn Quốc và Trung Quốc

Ba quốc gia trên được liên kết với nhau bằng quan hệ kinh tế sâu đậm, trong khi Nhật và Hàn Quốc là các đồng minh thân cận của Mỹ.

Tuy nhiên, hôm 14/8, khi Nhật đánh dấu 67 năm ngày kết thúc chiến tranh, sự thực dân hóa và sự chiếm đóng của nước này đối với các quốc gia láng giềng, mối thù kéo dài nhiều thập niên với Seoul về đảo đá nhỏ tranh chấp đã trở nên gay gắt sau khi Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak tới thăm đảo này vào tuần trước.

Một cuộc tranh cãi của Nhật với Trung Quốc về những hòn đảo ở Hoa Đông cũng bị đốt nóng, trong khi sự quan tâm lại được tập trung vào việc liệu các thành viên nội các của Thủ tướng Yoshihko Noda có vi phạm lập trường của ông này là phản đối các chuyến viếng thăm ngôi đền Yasukuni vào ngày 14/8 hay không. Đền Yashukuni thờ các tử sĩ trong chiến tranh và bị nhiều người coi là biểu tượng của chủ nghĩa quân phiệt Nhật trong quá khứ.

Thái độ của Nhật trong mối quan hệ với hai nước láng giềng lớn ở châu Á khác nhau - Tokyo bực bội với việc quân đội và ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc ngày càng lớn mạnh trong khi lại tìm cách thắt chặt quan hệ an ninh với Hàn Quốc. Tuy nhiên, hai mối thù phản ánh mức độ mà tầm với của lịch sử đè nặng lên khu vực, trở nên rối rắm với sức ép chính trị hiện đại.

"Nhật chưa bao giờ làm cho các láng giềng của họ tin rằng họ thực sự hối lỗi", giáo sư trường đại học Columbia Gerry Curtis nói và nhấn mạnh tới sự nghi kỵ dai dẳng ở Bắc Kinh và Seoul với việc Tokyo liên tục xin lỗi về việc chiếm đóng nhiều vùng ở Trung Quốc và thực dân hóa bán đảo Triều Tiên. "Cả Trung Quốc lẫn Hàn Quốc đều không muốn cho qua vấn đề này vì đó là cách để đi tới tiến bộ chính trị".

Căng thẳng với Seoul thậm chí còn xâm nhập vào Olympics khi một cầu thủ Hàn Quốc giơ một tấm biển ghi rõ "Dokdo là lãnh thổ của chúng tôi" - đề cập tới hòn đảo mà Nhật gọi là Takeshima, sau khi đánh bại Nhật để giành huy chương đồng. Cầu thủ Hàn Quốc này không dự lễ trao giải do phá vỡ một quy định chống chính trị hóa cuộc thi đấu.

Dù quan hệ kinh tế và trao đổi thương mại giữa Nhật và Hàn Quốc đã phát triển mạnh trong những năm vừa qua, sự oán giận của Hàn Quốc về thời gian là thuộc địa của Nhật 1910-1945 vẫn rất sâu đậm. Căng thẳng đã bùng phát vào năm ngoái khi Tổng thống Lee kêu gọi Tokyo ưu tiên cho việc thừa nhận thích đáng và bồi thường cho những phụ nữ Hàn Quốc bị bắt cóc để trở thành nô lệ tình dục cho binh sĩ Nhật. Chuyện ông Lee nêu ra là vấn đề Nhật muốn khép lại sau hiệp ước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1965.

Năm 1993, Nhật ra tuyên bố xin lỗi, ký tên của chánh văn phòng nội các thời điểm đó là Yohei Kono, và hai năm sau thành lập một quỹ tư nhân để bồi thường cho những phụ nữ Hàn bị ép làm nô lệ tình dục. Tuy nhiên, Hàn Quốc cho rằng những động thái như trên chưa đủ và không chính thức.

Sức ép chính trị trong nước hồi tháng 6 buộc Seoul phải hoãn việc ký kết một thỏa thuận với Nhật nhằm chia sẻ thông tin quân sự. Thỏa thuận là một bước đi được Washington ủng hộ cũng như cải thiện khả năng của hai nước trong việc đương đầu với các mối đe dọa trong khu vực.

Theo giới phân tích, đối mặt với sự ủng hộ sụt giảm và cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 12 tới, Tổng thống Lee Myung-bak đã khuấy lên thái độ chống Nhật bằng chuyến thăm hòn đảo tranh chấp.

"Phần đông người Hàn Quốc không coi Nhật là một đồng minh - thực sự hay tiềm năng", Andrei Lankov, một chuyên gia Hàn Quốc tại đại học Kookmin cho hay.

Thủ tướng Nhật Noda - hiện tỷ lệ ủng hộ cũng giảm sút và có thể phải tiến hành một cuộc bầu cử trong đảng với khả năng mất mọi thứ trong năm nay, cũng đang chịu sức ép trong nước là phải có lập trường cứng rắn hơn. Tokyo đã triệu hồi đại sứ ở Hàn Quốc về nước và dọa đưa vấn đề đảo tranh chấp lên tòa án công lý quốc tế.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, dù căng thẳng thì tranh chấp Nhật Hàn khó có thể trở thành đối đầu quân sự.

Kiểm soát mối thù với Trung Quốc về hòn đảo tranh chấp gần khu vực có trữ lượng dầu và khí lớn sẽ khó khăn hơn với Nhật vào thời điểm mà Trung Quốc đang chuẩn bị có sự thay đổi về lãnh đạo và Nhật lo lắng về ảnh hưởng lớn mạnh của đối thủ ở khu vực lẫn trên thế giới.

Căng thẳng về hòn đảo không người, mà Nhật gọi là Senkaku và Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, đã tăng cao kể từ khi Thủ tướng Noda tuyên bố chính phủ Nhật định mua đảo từ những cá nhân sở hữu nó thay vì để thị trưởng Tokyo Shintaro Ishihara - một nhà chỉ trích Trung Quốc, tiến hành một kế hoạch thu mua tương tự.

Giới phân tích cho biết, nguy cơ về một cuộc xung đột không thể loại trừ nhưng quan hệ kinh tế sâu đậm giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á là Trung Quốc và Nhật sẽ giúp kiểm soát vấn đề.

  • Hoài Linh (Theo Reuters)