Từ một thế kỷ trước, những người cấp tiến của Mỹ đã đệ trình các đề xuất thú vị về một mức thu nhập tối đa - có được nhờ việc áp thuế lũy tiến để đảm bảo người giàu không dễ dàng mua chuộc ảnh hưởng chính trị, cũng như điều chỉnh việc bất bình đẳng.
Người biểu tình trong phong trào Chiếm phố Wall lan rộng khắp nước Mỹ năm 2011. |
Đề xuất về mức lương tối đa nghiêm túc đầu tiên được nhà triết học Felix Adler đưa ra. Ông được biết đến với vai trò là chủ tịch sáng lập Ủy ban Lao động trẻ em Quốc gia - một nhóm luật sư từ hồi những năm 1900, dẫn đầu chiến dịch nhằm chấm dứt tình trạng bóc lột sức lao động của trẻ em. Ông tin rằng nạn bóc lột sức lao động của công nhân - trẻ cũng như già - sẽ sinh ra thứ của cải nhằm "mua chuộc quyền lực" trong chính trị Mỹ. Để ngăn lại việc này, ông đã đề xuất một loại thuế thu nhập cao ngất được chia theo từng cấp độ - với mức cao nhất là 100% khi "đạt ngưỡng toàn bộ số tiền ở mức tương đối cao và dư dật, thừa sức đảm bảo cho mọi tiện nghi và tinh tế thực sự trong cuộc sống".
Tờ New York Times viết rất nhiều về Adler, nhưng ý tưởng trên cũng không được hiện thực hóa thành văn bản pháp luật cho mãi tới chiến tranh thế giới thứ nhất, khi những người cấp tiến đòi đánh 100% thuế vào mọi loại thu nhập trên 100.000 USD để cung cấp tài chính cho chiến tranh. Nhóm hậu thuẫn cho đề xuất này là Ủy ban Tài chính Chiến tranh của Mỹ đã tập hợp một mạng lưới 2000 người tình nguyện trên khắp đất nước và đặt những tiêu đề quảng cáo này trên báo, nhờ đó người đọc có thể ký và hứa cam kết "thúc đẩy nhanh hơn việc ban hành thành luật" đối với đề xuất thuế mạnh tay mà chưa từng có nhóm chính trị nào dám đưa ra. Họ đã yêu cầu một mức giới hạn cố định lên thu nhập - gọi là "đảm phụ chiến tranh" (đánh thuế cao lên, hoặc tịch thu tài sản của những người không thuộc diện đi lính để phục vụ cho chiến tranh).
Chủ tịch ủy ban là Amos Pinchot - một luật sư ở New York - tuyên bố: "Nếu như chính phủ có quyền sung công mạng sống của một người vì các mục đích công, thì chính phủ đó phải có quyền để tịch thu tài sản của người khác vì mục đích tương tự". Sau đó, ông chứng minh với Quốc hội Mỹ rằng 2% những người Mỹ giàu nhất đang nắm giữ 65% tài sản quốc gia. "Bất kỳ quốc gia nào kể cả Mỹ đều không thể tiến hành một cuộc chiến nhằm đảm bảo cho một thế giới cùng lúc vừa dân chủ, vừa có các nhà tài phiệt" - Pinchot nói với các nhà lập pháp. "Nếu như cuộc chiến đó là vì Chúa, thì nó sẽ không thể vì Tiền".
Chuyện xưa nay khác
Pinchot và các đồng sự cấp tiến của mình không định thúc ép về tỉ lệ áp thuế. Nhưng vào thời kỳ cuối của chiến tranh, chiến dịch của họ đã thay đổi hoàn toàn chiều hướng chung của lí lẽ chính trị về các loại thuế và tỉ lệ cao nhất áp lên mức thu nhập trên 1 triệu USD - chỉ từ 7% vào năm 1914 lên thành 77% trong năm 1918.
Tại Mỹ, "nỗi sợ đỏ" đã đeo đuổi suốt chiến tranh thế giới thứ nhất và nhanh chóng dập tắt các hy vọng cấp tiến về một quốc gia quân bình hơn - gây ra phản ứng chính trị của cánh hữu, và một lần nữa biến đất nước này thành nơi an toàn cho các nhà tài phiệt. Thu nhập và tài sản được tập trung ở mức cao độ trong suốt những năm 1920 và tại Quốc hội, cả phe Cộng hòa và Dân chủ đều hối thúc thông qua các loại thuế thấp hơn đối với người giàu. Đến năm 1925, không có mức thu nhập trên 100.000 USD nào chịu mức thuế cao hơn 25%.
Cuộc khủng hoảng năm 1929 làm cho nền kinh tế gần như sụp đổ, nó đã thay đổi mọi thứ. Tới năm 1933, 25% số công nhân Hoa Kỳ rơi vào thất nghiệp và một lần nữa, người ta lại kêu gọi về mức giới hạn thuế thu nhập. Từ bang như Lousiana, một nghị sĩ trẻ là Huey P Long đã vận động một phong trào "Chia sẻ tài sản của chúng ta". Phong trào lan rộng trên khắp nước Mỹ, thúc giục mức giới hạn là 1 triệu USD đối với thu nhập hàng năm của cá nhân (tương đương 15 triệu USD vào năm 2010) và mức 8 triệu USD đối với giá trị tài sản thực của cá nhân.
Tổng thống Franklin Roosevelt đã tìm cách phỗng tay trên của Long vào tháng 6/1935, thọc sâu vào doanh nghiệp của Mỹ và các túi tiền dầy nhất của đất nước với kế hoạch thuế "giáng đòn vào người giàu". Một năm sau đó, kế hoạch này đã tăng tỉ lệ thuế cao nhất đối với khoản thu nhập trên 5 triệu USD (tương đương 78 triệu USD năm 2010) lên mức 79%. Thủ đoạn này - cùng với việc ám sát Long vào tháng 8/1935 - đã gạt các hạn mức thu nhập ra khỏi chương trình nghị sự. Vào tháng 4/1942, mọi thứ lại trở lại: FDR được liên đoàn lao động khuyến khích, đã kêu gọi mức thu nhập tối đa trong thời chiến lên mức 25.000 USD/năm (350.000 USD năm 2010). Năm 1944, Quốc hội đột ngột tăng tỉ lệ thuế cao nhất lên mức thu nhập trên 200.000 USd lên mức kỷ lục 94%.
Hai thập kỷ sau đó, tỉ lệ thuế cao nhất của Mỹ rơi vào khoảng 90%, trước khi rơi xuống mức 70% dưới thời Lyndon Johnson (7/1963-1/1969). Dưới thời Ronald Reagan, tỉ lệ này giảm xuống còn 50% vào năm 1981, sau đó là 28% vào năm 1988. Tỉ lệ hiện tại đang là 35%.
Nhưng con số đó đã phóng đại gánh nặng thuế má mà người giàu ở Mỹ hiện phải chi trả: phần lớn thu nhập của họ là từ lợi tức vốn - lợi nhuận mà họ có được nhờ mua và bán cổ phần, trái phiếu và các tài sản khác. Những tài sản này chỉ bị đánh thuế 15%. Năm 2008, 400 người đóng thuế cao nhất có chừng 270,5 triệu USD thu nhập. Họ chỉ phải đóng 18,1% trong số đó, tận dụng mọi kẽ hở trong thuế thu nhập liên bang. Năm 1955, trung bình họ có chỉ là 13,3% triệu (tính theo giá USD hiện hành) và trả 51,2% tiền thuế.
"Tiền lương tối đa" thực sự
Ngày nay, những người kế tục Adler, Pinchot và Long đều chú trọng vào doanh nghiệp hơn là thuế thu nhập. Họ biện hộ rằng các nhà cầm quyền ở Mỹ - ở cấp địa phương, các bang, nhà nước - đều tận dụng sức mạnh của công khố để từ chối các đồng đô-la tiền thuế mà các doanh nghiệp đã phải chi trả cho các lãnh đạo có lương cao gấp nhiều lần so với thu nhập của công nhân. Hầu hết các doanh nghiệp lớn của Mỹ đều đang phụ thuộc vào tiền thuế. Các công ty có được tiền thuế từ việc thực thi các hợp đồng với chính phủ hoặc nhận được bảo trợ phát triển kinh tế, hoặc theo cách gián tiếp là nhờ ưu tiên về thuế. Không nên chuyển một đồng tiền thuế nào tới các doanh nghiệp đã trả cho các lãnh đạo cao gấp 10 lần hoặc nhiều hơn nữa so với những gì mà công nhân của họ đang làm ra.
"Chính quyền liên bang hiện thời từ chối giao kèo với các công ty làm tăng bất bình đẳng sắc tộc hoặc giới tính trên khắp nước Mỹ - thông qua các hoạt động có tính chất phân biệt đối xử với người lao động" - theo báo cáo của Học viên Nghiên cứu Chính sách. "Nguyên tắc tương tự có thể được viện dẫn để từ chối giao kèo với các công ty gia tăng bất bình đẳng kinh tế của đất nước thông qua việc đền bù quá đáng cho các lãnh đạo điều hành".
Mục đích cuối cùng chính là thực hiện một mức "lương tối đa" đúng nghĩa, đi kèm với mức lương tối thiểu thông qua một mức thuế thu nhập tiến bộ, như là Adler đã đề xuất từ một thế kỷ trước. Có thể đặt ra một mức lương tối đa từ vô số lương tối thiểu và mọi thu nhập vượt quá mức đưa ra sẽ phải chịu mức thuế 100%. Điều này sẽ giúp thúc đẩy và giúp hình thành nên một nền kinh tế ổn định: những người giàu có nhất trong xã hội sẽ được lợi từ chính sự sung túc của những người nghèo nhất.
Trước khi phong trào Chiếm phố Wall nổ ra, đây chỉ là một ảo tưởng chính trị. Nhưng giờ thì không. Trong bối cảnh thời đại của chúng ta đang thay đổi, hai học giả đáng kính của Mỹ - một giáo sư của Đại học Yale và một nhà kinh tế học ở Berkeley - gần đây đã đăng bài trên tờ The New York Times về một trường hợp rất thuyết phục đối với cải cách thuế, giúp giới hạn thu nhập trung bình của 1% người giàu nhất xuống còn 36 lần so với thu nhập trung bình quốc gia. Ngày nay, chúng ta cho rằng mức "lương tối thiểu" là hiển nhiên. Vậy tại sao "lương tối đa" lại không như vậy?
- Lê Thu (Theo Le Monde Diplomatique)