Để tiết kiệm, tránh bóc ngắn cắn dài, đảm bảo đủ trang trải đến kỳ lương kế tiếp,chị em công sở đã nghĩ ra rất nhiều cách sáng tạo giúp chống chọi với cơn bão giá hiện nay...
Góp tiền mua chung
Công ty của Vân chủ yếu là các chị em. Vì quy mô công ty nhỏ nên mọi người thân thiết với nhau như một đại gia đình. Hơn một năm nay lương giảm, thưởng cắt, khỏi phải nói tình hình khó khăn như thế nào. Ai nấy đều méo mặt vì chuyện chi tiêu. Bởi vậy, khi Vân đưa ra ý tưởng "mua chung hàng nội", tất cả mọi người nhiệt liệt đồng tình.
Nhà chị Lan Anh ở vùng ngoại thành Đông Anh, bố mẹ chị có sào đất vườn canh tác trồng rau củ, chị nhận bao luôn khoản rau cỏ cho các gia đình trong công ty. Cách một hai hôm, chị lại chở một bao rau đến, nhiều lúc nhìn chị tay xách nách mang, mọi người lai đùa "trông như bà buôn" ấy. Tuy không được thỏa mãn theo kiểu "ăn gì mua nấy" vì mỗi hôm chỉ có vài loại để chọn nhưng được cái giá rẻ và quan trọng là rau sạch, ai cũng thích.
Rau, củ, quả, thịt, cá,... được chị em ở công ty Vân góp tiền mua chung tận gốc - (Ảnh minh họa). |
Gạo thì chị Tân gọi về tận quê Nam Định nhờ đong thóc, tính ra thêm cả công xay xát sàng sảy và vận chuyển lên Hà Nội cũng rẻ hơn mấy giá, chất lượng đảm bảo đúng gạo quê loại một. Hải sản có chị Nga quê Nghệ An, cứ hai tuần lại nhờ người nhà chọn lựa đóng thùng đá gửi xe ra một lần theo đơn đặt hàng của chị em, đúng tiêu chí "tươi ngon bổ rẻ". Thịt lợn quê do chị Thơm đảm nhận do có hàng xóm gần nhà chuyên nghề mổ lợn. Một tuần đôi lần có lợn quê "xịn", sạch, chị Thơm lấy sỉ giá gốc. Các chị em chia thịt vui như thời bao cấp tuy có lúc người muốn ăn thịt lại phải lấy xương, người muốn "vai" thì lại phải nhận phần "mông".
Mọi người rất yên tâm về chất lượng sản phẩm. Hơn nữa, đôi khi bí quá có thể để cuối tháng đến kỳ lương thanh toán một lần thì người bán cũng đồng ý ngay. Chuyện công việc vẫn được đảm bảo vì tất cả công tác hậu cần được thực hiện sau giờ làm việc, vừa đảm bảo giờ giấc, vừa tạo không khí thoải mái để chị em dễ dàng "chia chác" chiến lợi phẩm.
Thay phiên sử dụng đồ
Công ty tư vấn luật của Linh có một nhóm các bà mẹ trẻ. Trong tình hình thu ít chi nhiều, "lợi ích nhóm" được thể hiện rõ. Ví dụ như Hiền - đồng nghiệp của Linh vừa mới mang bầu là được thừa hưởng vô khối quần áo bầu từ các chị.đủ dùng luôn 9 tháng. Chẳng cần tốn xu nào mà cô vẫn là bà bầu thời trang. Quần áo, đồ dùng của các bé cũng luân phiên hết mẹ này đến mẹ kia sử dụng vì mỗi bé chỉ dùng một thời gian ngắn nên vẫn còn khá mới. Linh hồ hởi: "Nhờ có sự chia sẻ của mấy chị em trong nhóm mà ai cũng tiết kiệm được ối tiền để dành cho các khoản thiết thực hàng ngày khác như tã, bỉm, sữa, đồ ăn. "Không những thế, việc chia sẻ kinh nghiệm mua sắm cũng giúp các bà mẹ văn phòng tránh mua lãng phí những thứ không cần dùng đến".
Các bà mẹ trẻ ở công ty Linh rủ nhau mua chung để nhận được nhiều ưu đãi - (Ảnh minh họa). |
Một dịch vụ nữa các chị em văn phòng thường sử dụng để tiết kiệm tiền là mua hàng online. Những món hàng này cũng thường của chính dân văn phòng kinh doanh thêm nên giá cũng mềm hơn thị trường. Nhóm các bà mẹ trẻ của công ty Linh thường rủ nhau mua chung để giảm tiền ship, mau lấy được thẻ giảm giá Vip, vừa tiết kiệm lại vừa vui.
Tăng xin, giảm mua, tích cực... cầm nhầm
Dù tiết kiệm là thiết thực nhưng cũng có nhiều kiểu tiết kiệm thái quá khiến mọi người phải bó tay. Điển hình như Ngọc - nhân viên một cơ quan hành chính. Chiêu tiết kiệm mà cô áp dụng là: tăng xin, giảm mua, tích cực cầm nhầm.
Lương Ngọc tuy không cao nhưng chưa có gia đình nên cô dư giả hơn khá nhiều chị em trong văn phòng. Tuy nhiên, lúc nào cô cũng ra rả kêu hết tiền. Đôi khi phát sinh việc thăm nom người ốm hay đi đám cưới đồng nghiệp, cô viện rất nhiều lý do để né tránh. Ngọc còn nay vay người này một ít, mai mượn người kia một chút mà cứ một hai tháng mới trả làm tất cả mọi người ngán ngẩm.
Ngọc tích cực vơ vét đồ dùng chung ở công ty về làm của riêng - (Ảnh minh họa). |
Mấy chị em trong phòng thường mang theo ít đồ dùng trang điểm để "tô đi dặm lại". Ngọc biết thế nên thường tranh thủ mượn để make up ké. Dù cũng khó chịu nhưng không ai nỡ từ chối vì "chuyện này là chuyện nhỏ".
Không những thế, cô rất hồn nhiên đem văn phòng phẩm ở cơ quan về dùng dần để phục vụ cho việc học tập. Nhiều khi, Ngọc còn lấy cả giấy vệ sinh của công ty đem về nhà. Cơ quan Ngọc khá thoáng trong việc quản lý văn phòng phẩm cũng như các vật phẩm sinh hoạt tối thiếu, vì vậy, chuyện cô thường xuyên lấy của chung về làm của riêng không ảnh hưởng gì tới công việc. Tuy nhiên vì thế mà hình ảnh của Ngọc trở nên "nhỏ mọn" đi nhiều trong mắt đồng nghiệp.
(Theo Trí thức trẻ)