- “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, thượng đế sinh ra người phụ nữ để làm vợ, làm mẹ trong những mái ấm gia đình, đó là thiên chức, là sứ mệnh thiêng liêng nhất của họ, vượt trên mọi thứ như thời gian, quan niệm, địa lý, hoàn cảnh… Thế nhưng...
Có mặt tại nhiều phiên tòa, được nhìn, được nghe, được thấy tận mắt những cảnh đời, những cung bậc tình cảm hỉ, nộ, ái, ố của nhiều bị cáo là phụ nữ, người ta chợt thấy đắng lòng.
Phải chăng, họ chỉ có cái hình
hài là người đàn bà còn ý thức, lương tri, cái thiên chức thiêng liêng vốn đáng
tự hào đã bị họ lãng quên, khước từ, chối bỏ…?
Bất chấp thủ đoạn, lương tâm
Bị cáo trong vụ án giết người, cướp tài sản tại phiên tòa sơ thẩm được TAND
TP.HCM đưa ra xét xử vào một ngày cuối tháng 8/2011 là ba người phụ nữ, hai
người bị truy tố về tội “giết người, cướp tài sản”, người còn lại bị truy tố về
tội “tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.
Mọi ánh mắt đổ dồn vào hai người đàn bà mang tội giết người, cướp tài sản, đó là Phạm Thị Trung (40 tuổi, Tây Ninh) và Nguyễn Thị Gái (42 tuổi, TP.HCM).
Nhìn bộ quần áo xộc xệch, cái đầu cúi gằm trước vành móng ngựa, ánh mắt không một lần dám nhìn lên, chẳng ai có thể hình dung ra hành vi, thủ đoạn phạm tội tàn độc của hai người đàn bà.
Các bị cáo tại tòa - (Ảnh: MP) |
Từng có thời làm công nhân cho một công ty may nên Trung quen biết và kết bạn
với Gái. Với bản tính thích hưởng thụ, lười lao động, quanh năm người đàn bà ấy
cảm thấy chán nán khi phải quay quắt với những đồng tiền công ít ỏi.
Trung rủ Gái nghỉ việc ở nhà để Trung bày cách kiếm tiền. Sau đó, Trung đi mua thuốc trừ sâu, thuốc ngủ loại mạnh và một số loại thuốc tân dược khác pha lẫn với nhau rồi đun sôi để nguội.
Trung cùng Gái phân nhỏ lượng nước trên vào từng bịch nylon nhỏ để tiện bề mang theo mỗi khi gây án.
Nghĩ rằng kế hoạch đã hoàn hảo,
hai người đàn bà lao vào bắt tay thực hiện những hành vi tội ác.
Thực hiện kế hoạch trên, ngày 17/3/2010, Phạm Thị Trung điện thoại gọi ông P.Q.L.
đến bến xe Củ Chi để Trung giao lại một sổ đỏ do ông L. nhờ Trung giữ giùm trước
đó.
Trời nắng như đổ lửa, ông L. vừa tấp xe vào cũng là lúc Trung đưa ly nước mời ông uống cho đỡ khát. Phát hiện nước có “mùi lạ”, ông L. nhổ ra nhưng kết quả vẫn bị chếnh choáng.
Sau khi đưa ông L. vào bệnh viện,
Trung thấy ông đã hôn mê nên lục lấy giấy tờ xe và điện thoại di động của người
này đem bán lấy tiền.
Khoảng 15 giờ ngày 22/4/2010, Trung đang đạp xe đạp thì gặp ông C.K.A. (68 tuổi)
cũng đang đạp xe đi bán vé số liền gọi lại, Trung bảo ông đi theo đến một quán
nước sẽ gọi bạn ra mua hết tập vé số này. Tin lời ông A. đi theo.
Trong lúc ông đi vệ sinh, Gái đem
thuốc đến để Trung cho vào ly nước. Kết quả, Trung lục lọi, cướp được 195.000
đồng và 225 tờ vé số, Trung bán lại vé số rồi chia cho Gái 600.000 đồng.
Khoảng 11 giờ ngày 23/4/2010, Trung rủ anh L.K.T. (hành nghề buôn phế liệu) lên
Tây Ninh để giới thiệu mối mua hàng. Trên đường đi, lấy lý do còn xa, Trung co
kéo người này vào khách sạn thuê phòng.
Lợi dụng lúc anh T. đang tắm, Trung lại thực hiện hành vi quen thuộc. Sau khi đưa anh T. vào viện, Trung lục ví lấy 700.000 đồng, giấy tờ và chiếc xe máy Future đi bán được hơn 15 triệu đồng.
Tương tự thủ đoạn trên, Trung làm
quen, cùng ông N.V.P. (62 tuổi) vào khách sạn để “ân ái”, lợi dụng ông này đang
tắm Trung bỏ thuốc rồi cướp một xe máy cầm lấy 3 triệu đồng.
Số nạn nhân trong hành vi tội ác của Trung cứ thế tăng dần, chưa đầy hai tháng
Trung đã thực hiện tổng cộng 11 vụ cướp trong đó bà N.T.G. (61 tuổi, mắt mù)
cũng bị Trung cướp 60.000 đồng và 25 tờ vé số.
Đối với Gái, bị cáo đã giúp sức
cho Trung trong bốn vụ, được chia 7,7 triệu đồng.
Đau lòng hơn, hai nạn nhân khác đã tử vong do liều thuốc độc của Trung quá mạnh.
Đó là bà T.T.T. (65 tuổi, quê Quảng Ngãi mới vào TP.HCM) hành nghề bán vé số bị
cướp 120.000 đồng, một xấp vé số và ông H.V.N. (không rõ lai lịch, hành nghề
chạy xe ôm).
Trong một vụ án khác, Nghiêm Xuân Thảo Ly (43 tuổi, quê Hậu Giang) cùng đồng bọn
cũng bị đưa ra xét xử về thủ đoạn gây mê để cướp tài sản. Thế nhưng, khác một
điều, trong vụ án đó Ly và “đàn em” luôn dùng thủ đoạn lấy thân xác nhớp nhơ làm
mồi nhử, chỉ nhằm tới những “đại gia” đa tình, lắm tiền nhiều của.
Còn Trung, bất chấp thủ đoạn, bất
chấp “con mồi”, không phân biệt già – trẻ, giàu có hay khốn khổ bần hàn.
Không thể tha thứ
“Bị cáo không còn chút tính người, bà cụ hơn 60 tuổi mù lòa bán vé số bị cáo
cũng không tha, không hiểu nổi bị cáo nghĩ gì. Hai mạng người đổi lấy xấp vé số
và cái xe mấy triệu đồng, bị cáo nghĩ gì mà hành động vậy?”, câu hỏi của chủ tọa
khiến người dự khán nhói lòng.
Đang cố chờ một lời hối lỗi, một câu nào đó dễ nghe hơn của Trung thì mọi người chợt lặng đi khi người đàn bà này lên tiếng: “Bị cáo chẳng nghĩ gì cả, lúc đó cứ gặp ai là làm thôi”.
Phạm Thị Trung đang trả lời thẩm vấn (Ảnh: MP) |
Nghe nhắc lại cái chết của mẹ, con bà T. không khỏi quặn lòng. Họ cho biết hôm
đó bà mới vào với con cháu được vài ngày. Thấy con cái phiêu bạt xa quê lại
nghèo khó nên bà cũng lần mò đi bán từng tờ vé số. Chưa được mấy bữa cơm sum vầy
con cháu thì bà đã mất.
Hôm đó, thấy trời tối mãi mà mẹ
chưa về, họ bảo nhau đi tìm được người ta cho biết có một cái xác “vô danh” ở
bệnh viện. Hóa ra, đó chính là người mẹ già…
Không khí phiên tòa như chùng xuống trước những chia sẻ từ phía nạn nhân. Thế
nhưng, thái độ của Trung vẫn chẳng chút mảy may day dứt. Bào chữa cho mình, bị
cáo còn cho rằng mình chỉ “vô tình” gây ra cái chết cho nạn nhân chứ không cố ý,
bị cáo gây án nhưng luôn “tử tế” vì sau hầu hết các vụ cướp bị cáo đều đưa nạn
nhân đến bệnh viện cấp cứu
Không thể chấp nhận những lời lẽ
quanh co, cũng không hề nhận thấy sự hối cải dù chỉ muộn màng, Viện kiểm sát đề
nghị tuyên phạt Trung mức án tử hình.
Run rẩy trước mức án đề nghị của Viện kiểm sát, Trung chợt nhớ đến thiên chức
một người mẹ, một người đàn bà nên vội vàng bấu víu mong tìm giá đỡ cho mình.
Bị cáo trình bày do hoàn cảnh khó
khăn, do chồng mất sớm, không có tiền đóng học phí, trang trải lo lắng cho con
nên mới làm vậy…
Thế nhưng, quá trình điều tra, Trung khai đang chung sống như vợ chồng với một
người đàn ông kém mình 11 tuổi, toàn bộ số tài sản cướp được Trung dùng để tiều
xài, mua lắc, dây chuyền vàng cho người tình trẻ.
Người đàn ông này cũng thừa nhận
đã đeo nữ trang do “vợ” sắm cho nhưng không hay biết đó là tài sản có được từ
tội ác.
Sau khi xem xét, Tòa tuyên án Phạm Thị Trung mức án tử hình, Nguyễn Thị Gái mức
án chung thân cùng về hai tội “giết người” và “cướp tài sản”. Bị cáo còn lại
cũng lãnh án 1 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội “tiêu thụ tài sản do người
khác phạm tội mà có”.
Nghe mức án tử hình, Trung ngất lịm xuống chân vành móng ngựa.
Có những lỗi lầm được tha thứ, có những tội ác cần được lý giải, cảm thông phần nào nhưng với những người như Trung, hành vi của bị cáo là không thể biện minh bởi đã đánh mất lương tri tối thiểu của một con người.
- M. Phượng