Chính phủ vừa ban hành Nghị định 30/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở, trong đó sửa đổi bổ sung điều 36 bàn giao kinh phí bảo trì nhà chung cư.

Theo đó, trước khi ký hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở hoặc phần diện tích khác trong nhà chung cư, chủ đầu tư có trách nhiệm mở một tài khoản thanh toán tại một tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động trên địa bàn để nhận kinh phí bảo trì do người mua, thuê mua nhà ở, phần diện tích khác và chủ đầu tư nộp theo quy định. Khi mở tài khoản, chủ đầu tư phải ghi rõ tên tài khoản là tiền gửi kinh phí bảo trì nhà chung cư.

{keywords}
Vấn đề quỹ bảo trì là một trong những tranh chấp dai dẳng tại nhiều dự án (Ảnh: Công ty TNHH Hòa Bình - chủ đầu tư dự án Hòa Bình Green City (Hà Nội) bị phạt 125 triệu đồng do chậm bàn giao kinh phí bảo trì cho Ban quản trị chung cư)

Sau khi mở tài khoản, chủ đầu tư phải có văn bản thông báo cho Sở Xây dựng nơi có dự án biết về tên tài khoản, số tài khoản đã mở, tên tổ chức tín dụng nơi mở tài khoản và kỳ hạn gửi tiền.

Đáng chú ý, khi ký hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở hoặc phần diện tích khác, các bên phải ghi rõ trong hợp đồng thông tin về tài khoản đã mở theo quy định.

Chủ đầu tư không được yêu cầu tổ chức tín dụng trích kinh phí mà các bên đã nộp vào tài khoản đã lập theo quy định để sử dụng vào bất kỳ mục đích nào khác khi chưa bàn giao cho Ban quản trị nhà chung cư.

Trường hợp trong thời gian chưa bàn giao kinh phí bảo trì cho Ban quản trị nhà chung cư mà phát sinh việc bảo trì các hạng mục, thiết bị thuộc phần sở hữu chung của nhà chung cư đã hết thời hạn bảo hành theo quy định thì chủ đầu tư có trách nhiệm thực hiện việc bảo trì các hạng mục, thiết bị này nhưng phải tuân thủ kế hoạch, quy trình bảo trì công trình được lập theo quy định của pháp luật về xây dựng.

Khi bàn giao kinh phí bảo trì cho Ban quản trị nhà chung cư, chủ đầu tư được hoàn trả lại các khoản kinh phí đã sử dụng cho việc bảo trì này nhưng phải có văn bản báo cáo cụ thể kèm theo kế hoạch, quy trình bảo trì đã lập và phải có hóa đơn, chứng từ chứng minh việc chi kinh phí bảo trì này.

Chuyển cơ quan điều tra

Nghị định cũng sửa đổi bổ sung điều 37, theo  quy định mới, UBND cấp tỉnh trong 10 ngày từ khi nhận được yêu cầu của Ban quản trị chung cư sẽ làm việc luôn với ngân hàng nơi chủ đầu tư mở tài khoản gửi phí bảo trì chung cư. Ngân hàng phải cung cấp thông tin số tài khoản, số tiền bảo trì trong 7 ngày. Trong 5 ngày sau khi nhận quyết định cưỡng chế từ chính quyền, ngân hàng phải chuyển tiền sang tài khoản của Ban quản trị.

Nếu tài khoản quỹ bảo trì không còn tiền, hoặc tiền không đủ, trong 5 ngày từ sau khi có quyết định cưỡng chế, ngân hàng sẽ cung cấp thông tin về tài khoản kinh doanh và số tiền hiện dư của chủ đầu tư để cơ quan chức năng yêu cầu cưỡng chế.

Nếu chủ đầu tư không còn tiền bàn giao quỹ, cơ quan chức năng sẽ cưỡng chế, kê biên tài sản bán đấu giá để bù vào. Phần giá trị chênh lệch từ tài sản đấu giá so với quỹ bảo trì và chi phí đấu giá, nếu có, sẽ được trả lại cho chủ đầu tư trong 1 tháng kể từ khi thực hiện hoạt động này.

Nghị định quy định rõ: “Trong quá trình thực hiện cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì cho ban quản trị nhà chung cư, nếu phát hiện chủ đầu tư có hành vi vi phạm pháp luật hình sự thì UBND cấp tỉnh yêu cầu cơ quan có thẩm quyền điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật”.

Nghị định này có hiệu lực từ 26/3.

Huỳnh Anh

Cử tri kiến nghị về sổ đỏ ở dự án có hàng trăm căn hộ không phép

Cử tri kiến nghị về sổ đỏ ở dự án có hàng trăm căn hộ không phép

Cử tri đề nghị Hà Nội hoàn thiện các thủ tục pháp lý để cấp sổ và bàn giao chi phí bảo trì cho cư dân sinh sống tại các chung cư trên địa bàn thành phố như chung cư CT6C phường Kiến Hưng (quận Hà Đông).