Nghị định 121 của Chính phủ về thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương đối với Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) giai đoạn 2016 - 2020 được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành ngày 24/8/2016.

Có hiệu lực thi hành từ ngày 10/10/2016, Nghị định này quy định thí điểm quản lý lao động, tiền lương giai đoạn 2016 - 2020 đối với Công ty mẹ - Tập đoàn Viettel; công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) một thành viên do Công ty mẹ - Tập đoàn Viettel nắm giữ 100% vốn điều lệ; tổng công ty và công ty do Công ty mẹ - Tập đoàn Viettel nắm giữ trên 50% vốn điều lệ. 

Theo Nghị định mới, về quản lý lao động, Chính phủ yêu cầu Công ty mẹ - Tập đoàn Viettel, công ty TNHH một thành viên do Viettel nắm giữ 100% vốn điều lệ và tổng công ty, công ty do Viettel nắm giữ trên 50% vốn điều lệ phải thực hiện rà soát lại cơ cấu tổ chức, định mức lao động, xác định các vị trí chức danh công việc để đảm bảo tuyển dụng, sử dụng lao động hiệu quả.

Đồng thời, hằng năm căn cứ vào khối lượng, chất lượng, yêu cầu, nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, xây dựng kế hoạch lao động làm cơ sở tuyển dụng, sử dụng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động, Luật sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam, Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, các văn bản hướng dẫn thực hiện và Điều lệ của công ty; báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu cho ý kiến trước khi thực hiện (đối với tổng công ty, công ty do Viettel nắm giữ trên 50% vốn điều lệ thông qua báo cáo của người đại diện phần vốn của Công ty mẹ). Thực hiện tuyển dụng, sử dụng lao động theo quy định của pháp luật có liên quan và quy chế của công ty.

Bên cạnh đó, quý IV hằng năm, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch lao động làm cơ sở xây dựng kế hoạch lao động cho năm sau. Trường hợp tuyển dụng vượt quá kế hoạch dẫn đến người lao động không có việc làm, phải thôi việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động thì phải giải quyết đầy đủ chế độ đối với người lao động theo quy định của pháp luật có liên quan.

Về quản lý tiền lương đối với Công ty mẹ - Tập đoàn Viettel, Chính phủ cho phép Viettel được giao ổn định đơn giá tiền lương (tính theo chỉ tiêu tổng doanh thu trừ tổng chi phí chưa có tiền lương) trong giai đoạn 2016 - 2020 trên cơ sở đơn giá tiền lương thực hiện bình quân của giai đoạn 2011 - 2015 khi bảo đảm đầy đủ các điều kiện: hoàn thành tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh được Đảng và Nhà nước giao; nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật; mức tăng tiền lương bình quân phải thấp hơn mức tăng năng suất lao động bình quân và lợi nhuận thực hiện hằng năm phải cao hơn lợi nhuận thực hiện của năm trước liền kề ít nhất 3%.

Tiền lương của người quản lý doanh nghiệp được tính trong đơn giá tiền lương và quỹ tiền lương thực hiện của Công ty mẹ - Tập đoàn Viettel. Quỹ tiền lương thực hiện hằng năm của Công ty mẹ - Tập đoàn Viettel được xác định trên cơ sở đơn giá tiền lương được giao ổn định theo quy định, chỉ  tiêu tổng doanh thu trừ tổng chi phí chưa có tiền lương thực hiện theo quy định pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp và bảo đảm mức tăng tiền lương bình quân thấp hơn mức tăng năng suất lao động bình quân. Trường hợp lợi nhuận thực hiện không bảo đảm theo quy định tại khoản 1 Điều 5 của Nghị định này thì phải giảm trừ quỹ tiền lương thực hiện theo tỷ lệ % lợi nhuận không đạt so với điều kiện quy định.

Nghị định cũng quy định cụ thể các yếu tố khách quan ảnh hưởng đến lợi nhuận và năng suất lao động thực hiện so với lợi nhuận và năng suất lao động thực hiện của năm trước liền kề mà Công ty mẹ - Tập đoàn Viettel được loại trừ khi xác định quỹ tiền lương thực hiện, như: thực hiện các nhiệm vụ an ninh, quốc phòng do Nhà nước và Bộ Quốc phòng giao; ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp; tăng hoặc giảm vốn nhà nước…

Về phân phối tiền lương, Nghị định mới của Chính phủ quy định Công ty mẹ - Tập đoàn Viettel, công ty TNHH một thành viên do Viettel giữ nắm 100% vốn điều lệ, tổng công ty và công ty do Viettel  nắm giữ trên 50% vốn điều lệ phải thực hiện trích lập quỹ tiền lương dự phòng cho năm sau không vượt quá 17% quỹ tiền lương thực hiện của công ty.

Bên cạnh đó, phải xây dựng quy chế trả lương theo vị trí, chức danh công việc gắn với năng suất lao động, hiệu quả doanh nghiệp, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người quản lý doanh nghiệp và người lao động. Quy chế trả lương được xây dựng bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, có sự tham gia của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở và báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu trước khi thực hiện (đối với tổng công ty, công ty do Viettel  nắm giữ trên 50% vốn điều lệ thông qua báo cáo của người đại diện phần vốn của Công ty mẹ).

Đồng thời, thực hiện tạm ứng tiền lương, trả lương đối với người quản lý doanh nghiệp, người lao động theo quy định của pháp luật và quy chế trả lương của công ty.