Việc xây dựng thành phố thông minh cũng như chính quyền điện tử của Hà Nội trong năm nay sẽ được Thành phố theo các nguyên tắc: hướng tổng thể, đồng bộ và sử dụng chung thống nhất trên một hệ thống.
Ngoài ra, chiến lược xây dựng thành phố thông minh và chính quyền điện tử sẽ tiếp tục kế thừa, phát huy hiệu quả các ứng dụng đã triển khai, dần thay thế, tích hợp các ứng dụng nhỏ, lẻ; đồng thời triển khai theo từng giai đoạn, chọn các đơn vị làm thí điểm, sau đó nhân rộng, ưu tiên các lĩnh vực liên quan đến cải cách hành chính và lĩnh vực dễ triển khai, nhiều người sử dụng, đảm bảo không làm gián đoạn các hoạt động cung cấp dịch vụ công của người dân.
UBND Thành phố giao Sở TT&TT Hà Nội chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức triển khai Trung tâm điều hành thông minh thành phố Hà Nội; Sở Giao thông Vận tải Hà Nội chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức triển khai Hệ thống giao thông thông minh. Việc tổ chức triển khai Hệ thống du lịch thông minh được giao cho Sở Du lịch Hà Nội chủ trì.
Đối với việc xây dựng hệ thống du lịch thông minh, kế hoạch ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước TP.Hà Nội năm 2018 nêu rõ, các thành phần cơ bản của hệ thống này sẽ được hình thành và đưa vào khai thác, sử dụng trong năm nay gồm có: Cổng thông tin du lịch Hà Nội và ứng dụng mobile; bản đồ số du lịch Hà Nội; phương tiện hỗ trợ truy nhập thông tin cho khách du lịch.
Đầu tháng 8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 950 phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025, định hướng đến 2030. Đề án đặt mục tiêu xây dựng ít nhất 3 đô thị thông minh trước năm 2025 với nguyên tắc sử dụng các phương tiện hỗ trợ công nghệ thông tin truyền thông (ICT) và các phương tiện khác góp phần thúc đẩy nâng cao sức cạnh tranh, đổi mới, sáng tạo, minh bạch, tinh gọn, hiệu lực hiệu quả quản lý của chính quyền các đô thị, nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, năng lượng và các nguồn lực phát triển, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường sống đô thị, kích thích tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội. Đây chính là khởi đầu cho một hành lang pháp lý thông thoáng, cũng như thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc xây dựng các thành phố thông minh.
Hà Nội hiện có khoảng gần 8 triệu dân, mật độ dân số trung bình lên đến hơn 2,279 người/km2, có những quận trung tâm, mật độ lên tới 42.000 người/km2, mật độ dân số tương đương một siêu đô thị. Tốc độ đô thị hóa và gia tăng dân số cơ học nhanh chóng dẫn đến rất nhiều vấn đề về quy hoạch, ùn tắc giao thông, an ninh, y tế, giáo dục, năng lượng, phát triển nhà ở, xử lý ô nhiễm môi trường... Nhu cầu xây dựng một thành phố thông minh bền vững đảm bảo các yếu tố phát triển bền vững mang lại sự tiện ích, an toàn, thân thiện cho mọi người dân đang ngày một trở lên cấp thiết.
Ngoài ra, Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 – 2025, định hướng đến năm 2030 cũng đã được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định phê duyệt. Đề án hướng tới mục tiêu phát triển ĐTTM bền vững ở Việt Nam hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, khai thác, phát huy các tiềm năng và lợi thế, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực; khai thác tối đa hiệu quả tài nguyên, con người, nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời đảm bảo tạo điều kiện đối với các tổ chức, cá nhân, người dân tham gia hiệu quả nghiên cứu, đầu tư xây dựng, quản lý phát triển ĐTTM; hạn chế các rủi ro và nguy cơ tiềm ẩn; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và các dịch vụ đô thị; nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, hội nhập quốc tế.
Đề án đặt mục tiêu đến năm 2020 xây dựng nền cơ sở pháp lý phát triển ĐTTM, tiến hành công tác chuẩn bị đầu tư triển khai thí điểm ở cấp khu đô thị và đô thị; rà soát, xây dựng khung pháp lý chung về phát triển ĐTTM bền vững, ban hành các cơ chế chính sách áp dụng cho các khu vực triển khai thí điểm; xây dựng kế hoạch tổng thể phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia phục vụ phát triển ĐTTM bền vững tại Việt Nam; xây dựng và thí điểm triển khai áp dụng Khung tham chiếu ICT phát triển ĐTTM, xây dựng hệ thống hạ tầng dữ liệu không gian đô thị, hợp nhất các dữ liệu đất đai, xây dựng trên nền tảng GIS và các cơ sở dữ liệu (CSDL) khác; xây dựng mô hình phù hợp trong quản lý dân cư, giao thông, đất đai và đầu tư xây dựng tại các khu vực đô thị thực hiện thí điểm; xây dựng CSDL đô thị quốc gia giai đoạn 1.